BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Có tài, có tâm, cơ hội luôn trong tầm tay

22/05/2015 11:31

 Khép lại loạt bài về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) với mong muốn cung cấp cái nhìn rõ thêm về câu chuyện phát triển nguồn nhân lực và tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ.


TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ. Ảnh: VGP/Phương Liên
Ông Vũ Đăng Minh nói chính sách đối với thanh niên của Nhà nước ta đã có từ khi lập nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Bác Hồ, Nhà nước đã thể chế hóa những nghị quyết của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên, trong đó chúng ta đã có những chương trình, hành động cụ thể cho thanh niên. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến, chúng ta chưa có điều kiện để xây dựng những chính sách mang tính quy phạm pháp luật cho thanh niên và phải đến năm 2005, Quốc hội mới thông qua Luật Thanh niên.

Phát huy khả năng của thanh niên là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống

Luật Thanh niên là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho chính sách phát triển thanh niên của nước ta. Theo đó, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống chính sách cho thanh niên trên nhiều lĩnh vực, gồm học tập, lao động, việc làm, vui chơi, giải trí, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, chúng ta còn có những chính sách riêng cho thanh niên ở những nhóm đặc thù, nhóm yếu thế, thanh niên khuyết tật, thanh niên mắc HIV, thanh niên sau cai nghiện ma túy, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số…

Trong những chính sách dành cho thanh niên, vấn đề phát triển nguồn nhân lực và tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trẻ đã khẳng định việc phát huy khả năng của thanh niên là yếu tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của một quốc gia, của địa phương cũng như của từng đơn vị. Đó không chỉ là yêu cầu xuất phát từ thực tế, mà còn là đòi hỏi bức thiết của công tác cán bộ hiện nay.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Đăng Minh, mạnh dạn giao việc khó, việc quan trọng để cán bộ, trí thức trẻ có cơ hội thử sức, khẳng định năng lực là một trong những yêu cầu cơ bản của công tác cán bộ hiện nay.

Để tạo động lực cho trí thức trẻ làm việc, phấn đấu lao động tích cực, sáng tạo, cần một cơ chế rõ ràng trong việc tạo môi trường để phát huy trí tuệ, tài năng và phẩm chất của họ. Bên cạnh đó, cũng phải có cơ chế đánh giá hiệu quả, khách quan và công bằng về kết cấu công việc của cán bộ trẻ, trí thức trẻ trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, trí thức trẻ vào những vị trí chủ chốt và bỏ tư duy nhiệm kỳ.

Thành công từ một dự án 

Ngày 15/3/2011, Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a chính thức có hiệu lực thi hành. Theo Quyết định này, Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) đã được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 20 tỉnh có huyện nghèo triển khai thực hiện.

Dự án có 3 mục tiêu, thứ nhất là tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển, thứ hai là tạo nguồn cán bộ trẻ và thứ ba là góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.

Với mục đích cùng xây dựng, phát triển những vùng nông thôn còn nghèo khó của đất nước. Dự án đã thu hút đông đảo trí thức trẻ tình nguyện tham gia. Các đội viên được tuyển chọn từ trên 2.000 hồ sơ của trí thức trẻ đăng ký tham gia dự án, phần lớn các ứng viên được đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý đất đai, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, tài chính và kế toán, sư phạm, kỹ thuật, công nghệ thông tin, còn lại thuộc chuyên ngành đào tạo về văn hóa, luật, công tác xã hội, hành chính học.

Theo ông Vũ Đăng Minh, sau 4 năm thực hiện, những kết quả đạt được rất đáng khích lệ. “Hằng tháng, chúng tôi đều theo dõi qua hệ thống từ huyện đến tỉnh. Có nhiều bạn trưởng thành vượt bậc. Ngoài việc điều hành công việc của một Phó Chủ tịch xã, nhiều bạn còn thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội, tăng năng suất gấp 5 lần và thậm chí nhiều hơn thế cho bà con trong xã”, ông Minh cho hay.

Thực tế cho thấy, các đội viên dự án đã nhanh chóng tiếp cận với công việc, nêu cao tinh thần xung kích, sức sáng tạo của tuổi trẻ, có ý thức vươn lên, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng nổ tham gia các hoạt động tại địa phương, khiêm tốn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm công tác. Phần lớn các đội viên có tác phong nhanh nhẹn, lề lối làm việc khoa học, nhiệt tình và đặc biệt là tinh thần vượt khó nên có ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Ông Minh nhấn mạnh: “Điều chúng tôi rất coi trọng trong dự án này là khi các trí thức trẻ được tạo điều kiện, thì họ phải thể hiện được năng lực của mình trong mọi lĩnh vực. Trong quá trình làm việc sẽ bộc lộ dần từng năng lực của từng người. Các trí thức trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức và dần dần sẽ thể hiện được vai trò lãnh đạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Một điều đáng mừng là sau 4 năm triển khai, cơ bản các trí thức trẻ đều nhập cuộc rất tốt. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, có thể nói đội ngũ này đã có thể hòa nhập và làm việc tốt, chưa có đội viên đề án 600 nào bỏ cuộc.

Có thể nói Dự án  là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, là sự tin tưởng, bố trí và sử dụng trí thức trẻ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

 

Qua các hoạt động thực tiễn, thanh niên có nhiều cơ hội phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Ảnh minh họa

Kinh nghiệm thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã tạo điều kiện để Bộ Nội vụ triển khai thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500) được thuận lợi hơn.

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2015 tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Các trí thức được bố trí thực hiện công việc theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua các hoạt động thực tiễn để họ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ cho địa phương.

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, tính đến cuối năm 2014, Bộ Nội vụ đã tuyển chọn đủ 500 trí thức trẻ tham gia Đề án của 34 tỉnh từ 5.485 hồ sơ của trí thức trẻ đăng ký tham gia. Tính tới ngày 13/3/2015, đã có 135 tri thức trẻ được bố trí về xã công tác sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và kỹ năng cần thiết cho Đội viên Đề án 500.

Thu hút, tạo nguồn cán bộ từ trí thức trẻ

Ngoài chính sách tăng cường trí thức trẻ về các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để giúp cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế-xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua, nhiều cơ quan bộ, ngành và địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 24/1/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86-KL/TW về “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất tốt, được từng bước đào tạo, bồi dưỡng thành nhân tài cho đất nước.

Ngày 22/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 100% cán bộ, công chức trẻ của 2.333 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Mục tiêu của Đề án này là thu hút những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nhân tài của đất nước, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Trong đó, có quy định nhiều chính sách ưu tiên thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đang học tập tại nước ngoài về nước công tác.

Theo đó, những người đang học tập, công tác ở nước ngoài có nhiều cơ hội được trở về nước đóng góp sức lực, trí tuệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của Đề án).

Theo ông Vũ Đăng Minh, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Đây là cơ hội để những người trẻ có tâm, có tài được phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn công tác. Hy vọng rằng, các trí thức trẻ luôn phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện, vượt khó và sáng tạo của mình để có những đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của đất nước.


Theo http://baodientu.chinhphu.vn/
Tìm kiếm