Tham gia giải trình về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ sáng nay (5/11), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 thay thế Nghị định 16, xác định tự chủ một phần hoặc toàn diện.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp nhằm hoàn thiện danh mục tự chủ, xác định nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn khác để các đơn vị này được tự chủ, chủ động trong hoạt động.
Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 5/11
“Danh mục tự chủ thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước đảm bảo dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ dịch vụ cơ bản; còn dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho đơn vị ngoài công lập tham gia” - Bộ trưởng phân tích.
Theo ông, trước đây, các đơn vị được thí điểm tự chủ toàn phần, nhưng thực tế huy động nguồn lực tài chính, liên doanh - liên kết... gặp khó khăn, như trường hợp Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai... Do đó, các đơn vị này xin thôi không tự chủ toàn phần, chuyển sang tự chủ một phần - tức là họ sẽ tự chủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư (mua sắm thiết bị, trụ sở mới) thì ngân sách sẽ chi.
"Việc này hợp lý. Từ tự chủ chi thường xuyên, khi có nguồn thu ổn định thì tự chủ toàn bộ, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, phục vụ người dân tốt hơn" - Bộ trưởng nhận định.
Người đứng đầu ngành Tài chính thông tin, một số chính sách liên quan đến vấn đề tự chủ sẽ được hoàn thiện thời gian tới, đơn cử như chính sách về đất đai.“Khi sửa luật Đất đai, quy định các đơn vị sự nghiệp công lập có cần nộp tiền thuê đất hay không sẽ được bàn thảo” - Bộ trưởng nói.
Bổ sung thêm về tự chủ một phần của các đơn vị sự nghiệp công lập, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, cơ chế cần thiết kế để giữ chân được người tài, người giỏi làm việc ở khu vực công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình
“Y tế và giáo dục là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Hai lĩnh vực này phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, học tập của người dân, xã hội” - Bộ trưởng bình luận và nhấn mạnh, khi xây dựng cơ chế tự chủ cần thận trọng, chắc chắn, tránh làm theo phong trào.
Vẫn theo Bộ trưởng Phớc, cơ chế tự chủ là tăng tính chủ động, sáng tạo và tự quyết của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu tự chủ tài chính hoàn toàn, tức là trả lương theo kết quả lao động. Còn nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần thì lương cho cán bộ, người lao động sẽ trả theo quy định, số tiền còn lại đưa vào Quỹ thu nhập để hưởng cuối năm và tái đầu tư cơ sở vật chất.
Với các đơn vị tự chủ một phần, tức là chưa thu hút được nguồn lực tài chính bên ngoài ngân sách, theo Bộ trưởng, Nhà nước phải đảm bảo để họ có nguồn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và quan trọng hơn là đảm bảo giữ được người giỏi trong hệ thống. Tức là, phải làm thế nào để đảm bảo chất lượng, dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân.
Ông ví dụ, bệnh viên công lập là nơi thường phục vụ người dân thu nhập thấp, người nghèo nên giá dịch vụ vừa phải.
“Chẳng hạn giá chụp X-quang tại Bệnh viên Bạch Mai chỉ 45.000 đồng, nhưng cũng dịch vụ này ở bệnh viện tư có thể lên tới 500.000 đồng - mức này người thu nhập thấp không thể chi trả” – Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Lấy ví dụ các nước trong khu vực ASEAN, ông Phớc phản ánh, họ đưa ra chính sách trả lương cho công chức nhà nước cao hơn nhiều so với khu vực ngoài nhà nước, để giữ chân người giỏi - lực lượng kiến tạo chính sách và quản lý nhà nước tốt nhất, thúc đẩy nền tảng phát triển.
Trước quan điểm cho rằng, phục vụ công cũng như tư, miễn là đóng góp cho xã hội, ông Phớc nêu quan điểm, cần có chính sách tốt để giữ lực lượng tinh hoa, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế để phục vụ người dân tốt hơn.