BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chống tham nhũng, tiêu cực: Từ tư tưởng của Bác đến thực tiễn

19/05/2022 14:52

Yêu cầu xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua rất nhiều vụ việc tham nhũng vừa được đưa ra xét xử thì việc vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được đẩy mạnh, quyết liệt hơn.

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) để làm rõ hơn những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng việc vận dụng tư tưởng của Người trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Đảng đã kiên quyết đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thưa ông, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tham nhũng, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân vì gây hậu quả khôn lường về kinh tế, chính trị và xã hội. Ông có nhận định như thế nào về quan điểm này?

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà: Từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã nhìn ra tham nhũng cũng là một loại giặc. Người cho rằng: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm”, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

“Giặc nội xâm” chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. “Giặc nội xâm” ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện, còn giặc ở bên trong khó phát hiện, không dễ nhìn thấy.

Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Từ tư tưởng đó cho thấy, nếu chúng ta không coi trọng việc chống tham nhũng, chống tiêu cực thì rõ ràng chúng ta đã để bỏ 1 trận địa rất quan trọng. Nếu chúng ta không đấu tranh với “giặc nội xâm” thì nó sẽ đục khoét bên trong, làm cơ thể chúng ta yếu đi, gây tác hại rất lớn cho cách mạng và cho công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Chính vì vậy, ngay từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách đây hơn nửa thế kỷ, Người đã cảnh báo câu chuyện là phải quan tâm đến “giặc nội xâm”, tức là những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ngoài gây ra những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề cho mọi sự mất ổn định xã hội, là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”.

Hiện nay, Đảng ta đã nhận thức rất rõ đây là một nguy cơ đe dọa tồn vong của một chế độ, nó làm mục ruỗng bộ máy chính quyền của chúng ta. Cho nên, tôi rất tâm đắc với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dặn dò cán bộ, đảng viên là phải kiên quyết chống “giặc nội xâm” - đó là nạn tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên: Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử. Vậy theo ông, phải chăng kết quả phòng, chống tham nhũng này chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng?

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà: Tư tưởng của Bác về phòng, chống tham nhũng đã có từ lâu như tôi đã nói, gần đây từ Đại hội XII đến Đại hội XIII, Đảng ta đã kiên quyết đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng mà không có một vùng cấm nào; bất kể cán bộ từ cấp cao nhất cho đến dưới cơ sở, nếu vi phạm (kể cả đã nghỉ hưu), cũng không thể hạ cánh an toàn. Đây là một sự tiếp nối của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm kiên quyết hơn nữa, mạnh hơn nữa như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại cuộc gặp gỡ với cử tri Hà Nội vừa qua, đó là động vào lĩnh vực nào cũng thấy sai phạm, không phải chỉ trong dân, trong công an, quân đội cũng vẫn có… Tất cả những lĩnh vực đó nếu chúng ta không phòng ngừa sẽ gây một tác hại rất lớn cho công cuộc xây dựng đất nước.

Cho nên, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng cần được đẩy mạnh hơn và quyết liệt hơn.

Hành vi sai trái của cán bộ phải xử lý nghiêm minh

Phóng viên: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:“Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Khắc ghi lời Bác, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII đều đề cập đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; từ đó đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn nóng bỏng. Vậy theo ông, công cuộc đấu tranh với những “cái xấu” mà Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ, giúp niềm tin thêm vững mạnh?

 

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà: Đúng vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII đều đề cập đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Bác, đó là “Một đảng mà dấu diếm khuyết điểm là một đảng hỏng”. Rõ ràng chúng ta phải tự nhận thấy chúng ta đang có yếu kém gì, khuyết điểm gì và cần công khai ra. Mọi hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên cần phải công khai, cần phải xử lý một cách nghiêm minh để mang lại niềm tin cho người dân.

Tôi giả dụ, khi anh có khuyết điểm mà  cứ cách này, cách khác để xử lý, đến khi người dân nhận thấy anh vẫn có bao che, nương nhẹ nào đấy thì người dân sẽ không tin tưởng nữa. Do đó, khi có khuyết điểm không nên bao che, không nên né tránh mà phải thực hành phê bình, tự phê bình một cách quyết liệt thì mới đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Đảng ta đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa vững chắc và có chiều hướng ngày càng khó khăn, phức tạp vì “giặc nội xâm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến vẫn hoạt động tinh vi, phức tạp hơn.

Bởi vậy, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “chống giặc nội xâm” càng hữu ích, thiết thực trong việc chống lại 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về  đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện suy thoái về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra.

Đến Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) diễn ra đầu tháng 10/2021, Trung ương Đảng xác định phải chủ động tiến công, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn đối với các hành vi tham nhũng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một bước chuyển quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng được Trung ương nhìn nhận: Tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là cái gốc của tham nhũng; là “mảnh đất” màu mỡ dung dưỡng tham nhũng. Vì thế, nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực là điều kiện tiên quyết để chặt đứt gốc rễ tham nhũng.

Phóng viên: Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp nào để tiếp tục thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để các chủ trương của Đảng được vận dụng một cách sáng tạo, để pháp luật của Nhà nước được thượng tôn?

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà: Chúng ta đang có đà phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã quán triệt đến tất cả các cơ quan liên quan về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đó là “hễ có khuyết điểm là tôi xử lý”.

Tôi cho rằng các cán bộ, đảng viên cũng đã nhận thức được nếu mình vi phạm thì chắc chắn sẽ pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh. Cho nên phòng, chống tham nhũng là một tư tưởng rất quan trọng và cần tiếp tục quán triệt đối với tất cả các cán bộ, đảng viên.

Giải pháp đặt ra là cần tiếp tục quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay; xử lý một cách nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tiếp tục mang lại niềm tin cho người dân.

Như ở Singapore, đã đề ra một chủ trương “3 không”: Không thể tham nhũng; Không dám tham nhũng và không tham nhũng được. Nếu chúng ta làm được như thế thì sẽ hạn chế được tham nhũng, lãng phí rất nhiều.

Ở đây, “Không thể tham nhũng” tức là luật pháp chặt chẽ; “Không dám tham nhũng” vì luật pháp rất nghiêm minh và “không tham nhũng được” tức là cơ chế kiểm soát rất hiệu quả, người mà muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Tìm kiếm