BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đối với CBCCVC, nhân viên y tế

10/08/2023 15:28

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức y tế (trong đó có viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình), nhân viên y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội.

Đạo biểu Quốc hội chất vấn về phụ cấp ưu đãi theo nghề với viên chức dân số
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình về phụ cấp ưu đãi theo nghề với viên chức dân số.

Cụ thể, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Quốc hội Khoá XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

"Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, theo đó bổ sung mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng (trong thời gian 2 năm 2022, 2023). 

Việc quy định mức trợ cấp ưu đãi trên đã thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Chính phủ đối với ngành y trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, việc quy định chưa bao phủ phạm vi, đối tượng đối với một số nhân viên làm công việc xét nghiệm, viên chức dân số... trong bối cảnh cùng thực hiện công việc phòng chống dịch và mốc thời gian hưởng không trùng khít với thời gian tham gia chống dịch đã làm ảnh hưởng đến tâm tư của một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế. 

Và cử tri cho rằng việc quy định đối tượng được hưởng như trong Nghị định là chưa công bằng. Đề nghị Phó Thủ tướng giải trình rõ nguyên nhân về việc lựa chọn đối tượng điều chỉnh của Nghị định."

Về nội dung chất vấn trên, Phó Thủ tướng trả lời như sau: 
1. Công chức, viên chức ngành y tế hiện nay cũng như các công chức, viên chức các ngành khác đang hưởng lương theo hệ thống thang bảng lương ban hành tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong đó có cả nhân viên làm công việc xét nghiệm, viên chức dân số... như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.

Ngoài ra, công chức, viên chức y tế được hưởng các chế độ phụ cấp sau:

a) Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề
Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập quy định: "Công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập thường xuyên, trực tiếp làm các công việc cụ thể quy định được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm 6 mức 20%, 30%, 40%, 50%, 60%, 70% trên mức lương ngạch (chức danh nghề nghiệp), bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)" và "Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 30%".

b) Chế độ phụ cấp đặc thù
Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch gồm: chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ; chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

c) Chế độ phụ cấp đối với công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với công chức, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định: "Công chức, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác tại các cơ sở y tế thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)".

d) Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ quy định: "Công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo 4 mức gồm hệ số 0,1; 0,2; 0,3; 0,4 so với mức lương tối thiểu chung". Chế độ phụ cấp độc hại đối với công chức, viên chức là rất cần thiết, nhằm bù đắp hao phí đối với những người làm việc trong điều kiện môi trường độc hại, nguy hiểm, lây nhiễm… là những yếu tố mà tiền lương chưa tính đến.

đ) Chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản
Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 quy định: "Trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung".

Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố có hiệu lực từ 01/8/2023 quy định người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận được hưởng hỗ trợ hằng tháng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế đề xuất giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản bảo đảm phù hợp với Nghị định số 33/2023/NĐ-CP.

2. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, để kịp thời động viên tất cả các đối tượng tham gia phòng chống dịch, trong đó có viên chức truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhân viên làm công việc xét nghiệm, Chính phủ đã quy định chế độ phụ cấp chống dịch tại một số văn bản như sau:
- Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 (thực hiện trong thời gian từ 29/3/2020 đến 08/02/2021) quy định chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch: 

+ Mức 300.000 đồng/người/ngày đối với người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch, người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 

+ Mức 200.000 đồng/người/ngày đối với người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; 

+ Mức 150.000 đồng/người/ngày đối với người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung; người tham gia cưỡng chế cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly.

Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh, và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện từ 08/02/2021 quy định các mức phụ cấp chống dịch theo 03 mức 300.000 đồng/người/ngày, mức 200.000 đồng/người/ngày, mức 150.000 đồng/người/ngày tương ứng với các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch ở mức độ công việc khác nhau.

 Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 quy định chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên, học sinh, sinh viên là 120.000 đồng/người/ngày; chế độ phụ cấp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 miễn phí được 7.500 đồng/mũi tiêm/kíp tiêm chủng.

 Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 điều chỉnh chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19  tại các đơn vị, địa phương có số lượng nhiễm COVID-19 cao các mức 450.000 đồng/người/ngày, 300.000 đồng/người/ngày, 225.000 đồng/người/ngày, 150.000 đồng/người/ngày theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhân viên làm công tác xét nghiệm nếu thuộc đối tượng tại điểm 1, điểm 2 nêu trên thì đều được hưởng các phụ cấp theo quy định.
Quá trình xây dựng Nghị định số 05/2023/NĐ-CP
Sau 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. 

Để góp phần giữ chân và bảo đảm nguồn nhân lực y tế thường xuyên, trực tiếp làm công tác y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu chống dịch bệnh, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023, trong đó đồng ý chủ trương điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%. 

Đây là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP trong đó quy định mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Đối tượng hưởng là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP. 

Viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 30% nên không thuộc đối tượng quy định tại Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, vì vậy không có cơ sở để đưa vào đối tượng của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP.
Bảo đảm đãi ngộ xứng đáng và cải cách tiền lương đối với cán bộ y tế
Y tế cơ sở và y tế dự phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế, nhưng lại là những đơn vị khó khăn nhất của ngành y tế, do đó trong thời gian tới cần có các chính sách phù hợp để thu hút, duy trì cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn thường xuyên, liên tục làm việc trong lĩnh vực này.

Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng quy định nhiệm vụ, giải pháp: "Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng". 

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết nêu trên (văn bản số 5491/VPCP-KGVX ngày 20/7/2023 của Văn phòng Chính phủ). 

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức y tế (trong đó có viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình), nhân viên y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội.

Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn
Tìm kiếm