Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong quý I-2014, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ 10 dự án luật. Bộ trưởng kiến nghị: Bộ Nội vụ sớm xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành mà không sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh trong năm 2014. Đối với các dự án luật có nội dung liên quan chặt chẽ với nhau, bên cạnh các nội dung cụ thể, đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa các dự án. Đồng thời các bộ chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý để bảo đảm sự đồng bộ giữa các dự án. Sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành, yêu cầu đặt ra đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có dự thảo luật, pháp lệnh cần phải phù hợp tinh thần và quy định của Hiến pháp sửa đổi. Bộ Tư pháp cũng trình bày tờ trình về các định hướng lớn xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL. Dự án này sẽ hợp nhất hai Luật Ban hành VBQPPL hiện hành, không chỉ quy định về việc ban hành mà quy định cả về thi hành VBQPPL; góp phần giảm hình thức các loại văn bản, tăng cường công tác kiểm soát, tính dân chủ, công khai và phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng và thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thi hành hơn. Các thành viên Chính phủ nhất trí các định hướng lớn trên, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu làm rõ tiêu chí của quy phạm pháp luật và các loại văn bản, từ đó xác định được nhu cầu, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành của từng loại. Đồng thời, thống nhất việc đề nghị Quốc hội không ban hành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ mà chỉ ban hành nghị quyết về định hướng xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng luật, pháp lệnh. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác này để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ ban hành các VBQPPL chi tiết thi hành luật, pháp lệnh để các luật sau khi có hiệu lực thật sự đi vào cuộc sống. Về vấn đề chất lượng của các dự án luật, Thủ tướng lưu ý chỉ nên quy định chi tiết trong dự án luật về các vấn đề đã được xác minh cụ thể từ thực tiễn, còn những vấn đề chưa rõ nên giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đây là một trong những yếu tố để kéo dài thời gian có hiệu lực của các luật.
Về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Thủ tướng cho rằng, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn 70/90 văn bản của các bộ và Chính phủ còn nợ đọng, cần sớm khắc phục và phải có chuyển biến tốt hơn trong công tác này ngay từ quý II tới. Liên quan các định hướng lớn xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ làm cơ sở để xây dựng dự án luật này. Trong đó, cần làm rõ thẩm quyền của cơ quan, cá nhân ban hành văn bản theo hướng giao quyền đi liền với giám sát thực thi và chịu trách nhiệm đến cùng đối với các quy định trong văn bản được ban hành.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và cho ý kiến vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; việc đưa nội dung tham gia bảo hiểm y tế của lực lượng quân đội, công an vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và định hướng cơ bản xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Ở phần trình bày tóm tắt những nội dung sửa đổi của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết dự thảo đề xuất chức danh Giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM là cấp hàm trung tướng và có một số quyền hạn tương đương Tổng Cục trưởng (tương đương Bộ Tư lệnh bên lực lượng Quân đội).
Theo Đại tướng Trần Đại Quang, dự thảo luật quy định thời hạn phong hàm cấp tá lên cấp tướng là 4 năm, còn từ cấp tướng trở lên thì không quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Quang, ngành Công an có điểm khác so với quân đội là về cấp hàm đại tướng chỉ có một người là Bộ trưởng Bộ Công an, so với Quân đội là 3 người (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam).
Do vậy, Bộ Công an đề xuất đối với trường hợp là Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng uỷ Công an nhân dân là nhân vật thứ hai của Bộ - cũng được phong hàm Đại tướng. Việc này cũng đảm bảo tương đương Quân đội và chia sẻ việc lãnh đạo lực lượng khi Bộ trưởng đi vắng.
Sau khi nghe trình bày Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Doãn Khánh đồng tình với đề xuất tách lương khỏi hàm, cấp mà hưởng lương theo vị trí. “Chứ như trước đây áp dụng lương theo cấp hàm dẫn đến có sự dễ dãi trong phong hàm cấp” - ông Khánh đánh giá. Ông Khánh cũng đề nghị cần có quy định tỉ trọng sĩ quan trong toàn lực lượng vũ trang.
Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an, Quốc phòng phối hợp làm rõ tình hình thực tiễn để tránh vênh nhau và sớm hoàn chỉnh đề trình Quốc hội. “Nhưng về lương sĩ quan thì không thể đưa ngay vào luật được mà để Chính phủ quy định chi tiết” - Thủ tướng kết luận.