BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chiến thắng Điện Biên Phủ - Điểm hẹn tất yếu của lịch sử - Bài 1: Tương quan chênh lệch

07/05/2024 17:59

Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh. “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!” để cùng với Ải Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, quân và dân ta đã làm nên một cột mốc lịch sử mới bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Chiến thắng ấy đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. 

Trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Đối với nhân loại, Điện Biên Phủ là điểm hẹn tất yếu mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại là các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược, nếu biết đoàn kết đứng lên đấu tranh vì độc lập tự do, vì quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của mình, có đường lối đúng đắn, dám đấu tranh và biết đấu tranh thì dân tộc đó nhất định thắng lợi”.

Với Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ chính là chiến thắng tất yếu của chính nghĩa và sức mạnh lòng dân; là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng “lừng lẫy năm châu” còn là thực tiễn sinh động, minh chứng hùng hồn và bất tử về sức mạnh của lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đồng thời, là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết “Chiến thắng Điện Biên Phủ- Điểm hẹn tất yếu của lịch sử”. 

Bài 1: Tương quan chênh lệch 

Chiến tranh thường có những yếu tố bất ngờ. Điện Biên Phủ từ chỗ không có trong kế hoạch Navarre của Bộ chỉ huy quân Pháp cũng như không có trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bất ngờ lại xoay chuyển thành một trận quyết chiến chiến lược. Đôi bên đã quyết định đưa những đơn vị tinh nhuệ nhất của mình tới một lòng chảo nằm giữa núi rừng Tây Bắc để tiến hành trận quyết đấu mà trước đó, họ chưa thể nghĩ tới. Pháp tự tin với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, coi đây là “pháo đài bất khả xâm phạm”, còn phía ta, ngay từ đầu đã đề ra quyết tâm: “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Tương quan về mọi mặt giữa hai bên có nhiều sự chênh lệch, song cuối cùng, Điện Biên Phủ vẫn giáng một cú đòn đau buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương, trở thành chiến thắng chấn động địa cầu của quân và dân Việt Nam. 

Thách thức “pháo đài bất khả xâm phạm”

Một đơn vị súng máy yểm hộ cho lực lượng xung kích tiến đánh khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể coi là biểu hiện tập trung nền quân sự hiện đại của Pháp, được giới chính trị, quân sự Pháp - Mỹ lúc bấy giờ đánh giá rất cao, tin rằng Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”, “Verdun Đông Dương”, “là nơi nghiền nát chủ lực đối phương”, đồng thời coi đây là giải pháp quyết định thắng lợi cho chiến tranh Đông Dương của Pháp và Mỹ. 

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào, cùng hỏa lực mạnh với 12 tiểu đoàn. 

Phía ta cho đến thời điểm tháng 2/1954 có 27 tiểu đoàn nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn của địch. Về pháo binh, địch có 48 khẩu, trong đó có 4 khẩu 155 ly, ta có 64 khẩu nhưng đạn pháo dự trữ của ta rất ít và chỉ có một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch. Chưa kể Pháp có 10 xe tăng 18 tấn, ta thì không có chiếc nào.

Còn tại sân bay Mường Thanh, Pháp có 17 máy bay các loại. Ngoài ra, 2/3 lượng máy bay ném bom tiêm kích và tất cả máy bay vận tải có ở Đông Dương, Pháp đã dành riêng để yểm trợ cho Điện Biên Phủ. Những con số ấy đã chỉ ra rằng ta không hề có lợi thế về binh lực. Theo lý thuyết chiến tranh, bên tiến công phải có binh lực gấp ít nhất từ ba lần trở lên so với bên phòng ngự thì mới có đủ điều kiện để tiến công chứ chưa nói đến việc đánh thắng. Do đó, quân Pháp vô cùng tự tin rằng sẽ thừa sức nghiền nát quân đội Việt Minh trong trận quyết đấu này. 

Một vấn đề đặt ra với quân Pháp là Điện Biên Phủ ở một vùng rừng núi xa xôi, tiếp tế chi viện khó khăn, dễ bị bao vây. Theo tính toán chủ quan của Bộ tổng chỉ huy Pháp thì những khó khăn về tiếp tế sẽ được chi viện bằng đường không của Mỹ bảo đảm. Và dù Điện Biên Phủ có bị bao vây, nhưng với binh lực mạnh, được tổ chức phòng ngự liên hoàn, hiện đại, sẽ không thể thất thủ. Trái lại, về phía Việt Minh, từ trung tâm kháng chiến Việt Bắc đến Điện Biên Phủ là gần năm trăm cây số đường mòn, luồn rừng leo núi, việc vận tải tiếp tế bằng các đoàn dân công gánh bộ sẽ khó khăn không thể khắc phục nổi. 

Tướng Navarre, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương từng cho rằng, không một quan chức dân sự, quân sự nào, kể cả Pháp lẫn Mỹ khi đến thăm Điện Biên Phủ mà không ngạc nhiên về sức mạnh phòng thủ của pháo đài ấy. Tướng De Castries, Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khẳng định, “Điện Biên Phủ sẽ đập tan những âm mưu điên rồ nhất của Việt Minh”. Còn Trung tá Charles Piroth, Chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ tự tin: “Pháo của Việt Minh có thể gây chút ít phiền phức. Nhưng các pháo thủ của tôi sẽ khiến cho họ phải câm họng. Họ bắn ư? Tôi sẽ đội lên đầu tôi chiếc mũ calô đỏ này để cho họ nhìn rõ hơn". 

Charles Piroth cho bố trí 30 lựu pháo cùng nhiều súng cối hạng nặng ở trung tâm cụm cứ điểm có thể dồn hỏa lực về bất kỳ hướng tấn công nào. Cách bố trí “khẩu đội tập trung” nổi tiếng được tái hiện ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Không những thế, các tướng lĩnh Pháp kỳ vọng không quân đóng vai trò như “pháo binh trên không”, có thể ra vào ném bom như chốn không người do Việt Minh sẽ không có pháo phòng không và không quân ngăn chặn. Piroth còn cho rằng, quân ta chỉ có thể triển khai những khẩu pháo nhỏ và súng cối bởi với thời tiết, địa hình khắc nghiệt cùng không quân đánh phá, việc vận chuyển pháo hạng nặng hơn vào chiến trường là điều không thể. 

Rạng sáng 13/3/1954, loạt đạn pháo đầu tiên rơi vào trận địa của Piroth, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Piroth tỏ ra sợ hãi khi thấy Việt Minh có thể uy hiếp trực tiếp đến vị trí của ông ta, lại đưa được những khẩu pháo nặng hơn hai tấn băng rừng, vượt núi mà không bị phát hiện. Sự kinh ngạc bao trùm khi một đội quân bị đánh giá thấp lại có thể áp đảo hoàn toàn pháo binh Pháp theo cách không thể ngờ tới.

Khác với những đối thủ quân Pháp từng đối mặt, vốn đưa cuộc chiến thành thế trận đấu pháo nơi người Pháp chiến thắng bằng số lượng đạn “rót” vào đối thủ, chúng ta đã từ chối cơ hội cho quân Pháp phát huy thế mạnh của mình. Hầu hết đạn pháo quân Pháp rơi vào các trận địa nghi binh, hoặc trúng các công sự có mái che chắc chắn. Pháo của ta được bố trí từng khẩu riêng lẻ, đặt trong hầm chống được đạn pháo, bắn vào quân Pháp gần như trực diện, khiến các tướng lĩnh Pháp phải cay đắng thừa nhận, cách đánh này đã làm đảo lộn mọi suy đoán của quân Pháp trước đó. 

Tất cả để chiến thắng 

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Một điều khác mà phía Pháp cũng không thể lường trước, đó là sức mạnh của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ là sức mạnh của cả một dân tộc chứ không chỉ là của một đội quân. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, cả nước cùng ra quân vì thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng ta không chỉ chiến đấu bằng chính nghĩa, mà còn chiến đấu với sức mạnh từ sự đồng lòng của toàn dân. Đây là điều mà quân viễn chinh Pháp - bao gồm lực lượng cả lính đánh thuê - không bao giờ có được. 

Chỉ đạo chiến tranh trong chiến dịch Điên Biên Phủ, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo phương thức chiến tranh nhân dân Việt Nam, thực hiện “kháng chiến toàn dân, toàn diện” để đánh thắng một đế quốc sừng sỏ, có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội. Sự kết hợp nhuần nhuyễn loại hình chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy đã trở thành nét đặc sắc về cách đánh của chiến tranh nhân dân, từ đó tạo ra thế trận tác chiến rộng khắp, đánh địch với nhiều loại hình, quy mô: từ đánh nhỏ, lẻ của lực lượng vũ trang địa phương, du kích trong vùng tạm chiếm, đến đánh tập trung của các binh đoàn chủ lực ở những địa bàn chiến lược lựa chọn. 

Thực tế, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ súng, ta đã tổ chức một số đơn vị chủ lực “nhỏ” và “tinh” đánh vào các hướng địch yếu nhưng hiểm, tiêu diệt lực lượng địch tại chỗ và giải phóng một số địa bàn chiến lược, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động ra các hướng để đối phó. Đồng thời, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích rộng khắp trên phạm vi cả nước với các hoạt động tác chiến của đơn vị chủ lực cấp sư đoàn, trung đoàn trên một số chiến trường, ta đã thành công trong việc kìm giữ, giam chân một số đơn vị chủ lực địch. 

Thế trận của chiến dịch Điện Biên Phủ được tạo lập trong thế trận chiến tranh nhân dân vô cùng hiểm hóc, lợi hại, giăng ra khắp nơi, đẩy Bộ chỉ huy của tướng Navarre phải hành động theo ý định của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Khối cơ động chiến lược của địch - “quả đấm mạnh” đã bị dàn mỏng, giam chân ở khắp các chiến trường Đông Dương, làm cạn kiệt lực lượng ứng cứu cho Điện Biên Phủ, làm so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía ta. Bên cạnh đó, thế trận chiến dịch Điện Biên Phủ còn được tạo bởi thế trận chiến tranh nhân dân thông qua việc ta đã xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của nhân dân cả nước tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhất là trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch; tạo sự bất ngờ lớn cho địch, khi chúng cho rằng với địa hình hiểm trở, xa hậu phương, ta không thể khắc phục để vận chuyển, tiếp tế đủ lương thực, thực phẩm, đạn dược… phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.

Ở mặt trận, bộ đội công binh cùng thanh niên xung phong và dân công vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt, nỗ lực mở đường, bắc cầu cho xe, pháo, người ngựa hành quân vào vị trí chiến đấu. Ở hậu phương, nhân dân Liên khu Việt Bắc, Liên khu Tây Bắc, Liên khu IV, Liên khu III hăng hái đóng góp lương thực, thực phẩm và sẵn sàng đi dân công sử dụng thuyền mảng, xe thồ và gánh bộ vận chuyển nhu yếu phẩm ra mặt trận. 

Tổng kết toàn chiến dịch, khối lượng vật chất các địa phương huy động phục vụ chiến dịch là 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác, 1.200 tấn đạn, 1.700 tấn xăng dầu...; huy động 261.451 lượt dân công bằng 12 triệu lượt ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng... (Theo “Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam”, tập 1, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Những con số phi thường đó đã thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm kháng chiến của đồng bào, chiến sỹ ta trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Bài 2: Ký ức người trong cuộc

Nguồn: baotintuc.vn/ttxvn
Tìm kiếm