BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Cải cách hành chính mạnh mẽ, toàn diện nhưng phải chống thất thoát, lạm dụng

18/04/2014 08:24

(ĐCSVN) – Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã được nghe công bố Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ; Dự thảo Quy chế họat động và Kế hoạch hoạt động năm 2014 của Ban Chỉ đạo.

Ngày 28/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 442/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ. Theo đó, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác CCHC theo chương trình, kế hoạch CCHC của Chính phủ. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch CCHC dài hạn và hàng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính họp phiên đầu tiên . (Ảnh: TH).

Tập trung phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Cơ bản nhất trí với Dự thảo, song Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền tỏ ra băn khoăn: Khi Dự thảo Quy chế họat động chưa quy định rõ tính phối hợp liên ngành giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, cũng như cụ thể hóa trách nhiệm của từng thành viên. Theo Thứ trưởng, việc quy định là cần thiết nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cải cách hành chính, phải làm thế nào để phối kết hợp chặt chẽ để hiệu quả thông suốt .

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan cũng cho rằng: Cần thay đổi phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo, đó là tăng cường phối kết hợp, huy động các cán bộ của nhiều bộ, ngành khảo sát kết quả CCHC tại các địa phương trước khi Ban Chỉ đạo kiểm tra, tránh trường hợp “đối phó”.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông đề xuất: “Báo cáo kết quả công tác CCHC của Ban Chỉ đạo phải chỉ rõ và công khai hóa các Bộ, ngành không thực hiện đúng tiến độ để nhận trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân, qua đó cố gắng nỗ lực hơn nữa.

Đề cập đến vai trò quan trọng của truyền thông trong công tác CCHC, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhận thức của người dân về công tác CCHC. “Cơ quan tiếp xúc với dân là nơi phải là nơi tuyên truyền “, ông Hưng đề xuất.

Chú trọng yếu tố con người

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác CCHC thời gian qua có rất nhiều cố gắng, đạt được kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khiếm khuyết: thể chế, bộ máy, hành chính công… đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TH).

Để đẩy mạnh công tác CCHC trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Vệc thay đổi phương thức hoạt động là quan trọng. Theo đó, cần nâng cao tinh thần của các thành viên Ban Chỉ đạo để đóng góp vào công cuộc CCHC chung của cả nước. Các thành viên Ban chỉ đạo cần nhận thức rõ, có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể CCHC của ngành, đơn vị mình.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Trong cải cách có làm đến bao nhiêu nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác này phải trình độ, năng lực, phẩm chất tốt khi tiếp xúc với dân. Do đó, cán bộ ngành, địa phương cần thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cải cách mạnh mẽ, toàn diện, nhưng đơn giản hóa phải quyết liệt, chống thất thoát, lạm dụng. Điều này đồng nghĩa với việc cần sự công khai, minh bạch trong TTHC. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả CCHC .

Về thể chế, cần phải bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án luật, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền... Nghiên cứu mô hình Trung tâm Dịch vụ hành chính tỉnh Quảng Ninh, Khu hành chính mở của tỉnh Bình Dương để đề xuất hoàn  thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.../.

 

Thu Hằng

Nguồn:http://dangcongsan.vn
Tìm kiếm