
Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - sốt ruột với việc ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) nhiều năm qua nói giảm mà chẳng giảm được bao nhiêu.
Chủ yếu giảm người nghỉ chế độ
Theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, mục tiêu đến năm 2021, cả nước phải tinh giản tối thiểu 10% số biên chế của tất cả các đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm 2016, có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương tinh giản biên chế với số người giải quyết tinh giản là 9.129 người.
Riêng số tinh giản trong năm 2015 là trên 5.300 người, tuy nhiên trong số này có hơn 4.500 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, trên 800 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 4 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và 10 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, trong gần 3.750 người đăng ký tinh giản có trên 3.700 người về hưu trước tuổi...
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) - cho biết, hiện nay ngân sách nhà nước đang phải trả lương cho 2,8 triệu lao động và 1 triệu người về hưu, trong đó công chức từ T.Ư tới cấp huyện chỉ chiếm 400.000 người. Ông Hưng cho rằng, tinh giản biên chế bộ máy nhà nước không thể ngay lập tức làm được nhưng về lâu dài đây là việc phải làm và làm quyết liệt. Đây là điều kiện để cơ cấu lại ngân sách, giảm gánh nặng chi thường xuyên, từ đó giảm áp lực bội chi. Song ngay cả người có trách nhiệm từ Bộ Tài chính cũng cho rằng: “Việc tinh giản 10% biên chế cũng không thể ngay lập tức tác động lớn đến thâm hụt ngân sách, mà chỉ có tác dụng về lâu, về dài. Theo tính toán, nếu cắt giảm 10% công chức có thể giảm chi thường xuyên hiện chiếm từ 68 - 70% ngân sách xuống còn 58 - 60%” - ông Hưng nói.
Tuy nhiên, căn cơ của vấn đề tinh giản biên chế là bản thân thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt, né tránh, ngại va chạm. Thậm chí không loại trừ có việc “chạy chọt” để không phải vào diện tinh giản biên chế, hoặc có lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc này để trù dập, loại ra những người không ăn cánh. Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại CBCCVC vẫn chưa có tiêu chí cụ thể. Dư luận khá bức xúc với những bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước (tới 30%) “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng chỉ ra đích thực đó là ai không dễ.
Nên khoán biên chế
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, đề án tinh giản biên chế lần này có một số điểm mới so với trước đây. Đó là xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định biên chế phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong thực hiện, bản thân từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tổ chức chỉ đạo thực hiện. Thứ ba là giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.
 |
Cán bộ công chức tiếp người dân đến làm thủ tục pháp lý. Ảnh: T.C.A |
Như vậy ngoài vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, công tác đánh giá phân loại cán bộ, xây dựng tiêu chí đánh giá CBCCVC trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ (bao gồm chất lượng, tiến độ, tinh thần thái độ phục vụ...) là các tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, để không tăng thêm biên chế, theo ông Bùi Đức Thụ: Vấn đề quan trọng là từng đơn vị thụ hưởng ngân sách phải nên áp dụng khoán biên chế một cách phổ biến, đồng thời kiểm tra, giám sát để hạn chế việc tăng biên chế.
“Trên tinh thần biên chế không tăng, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, chức năng nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu phải có lộ trình giảm biên chế xuống. Tôi cho đó phải có quyết tâm chính trị mà phải được thể chế hóa thành pháp luật. Trên cơ sở đó các tổ chức cá nhân buộc phải tuân thủ một cách vô điều kiện và coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá nhiệm vụ hoàn thành của người lãnh đạo, đứng đầu cơ quan tổ chức.
“Thực tế, khoán biên chế chúng ta đã làm thí điểm ở một số nơi như thuế, hải quan, kho bạc… Chính việc khoán kinh phí thì các tổ chức cá nhân muốn nâng cao mức sống, thu nhập cho từng CBCCVC trong tổ chức mình phải tự cân đối, giảm bộ máy. Do vậy, nhờ kinh phí khoán biên chế nên hoạt động của các ngành này đã đạt được những hiệu quả nhất định”.
Cũng theo ông Thụ: “Đối với việc khoán biên chế cấp tỉnh, Chính phủ phải kiểm soát và duyệt chỉ tiêu cho cấp tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát bộ máy viên chức, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công, những gì Nhà nước cần giữ lại thì cần xác định rõ biên chế. Số còn lại kiên quyết chuyển sang doanh nghiệp công ích, hoạt động theo cơ chế tự chủ và Nhà nước chỉ quản lý về cơ chế để giảm gánh nặng, nghĩa vụ ngân sách nhà nước lo lương, chế độ chính sách cho các đối tượng. Tôi cho rằng, cần làm tốt cơ cấu lại lĩnh vực viên chức theo hướng chuyển sang đơn vị dịch vụ công là số viên chức sẽ giảm đi rất nhiều”.