Cơ quan chính quyền địa phương có trọng trách cao trong việc đảm nhiệm các công việc hành chính
Mở đầu phiên thảo luận là chia sẻ của ông Onda Kaoru, Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản với Chuyên đề “Giới thiệu tổng quan về hệ thống chính quyền địa phương Nhật Bản”.
Theo đó, Nhật Bản có tổng diện tích là 378.000km2, tổng dân số là 125 triệu người, mật độ dân số là 345km2/người.
Tóm tắt về hệ thống chính quyền địa phương của Nhật Bản, ông Onda Kaoru cho biết, hệ thống chính quyền địa phương của Nhật Bản gồm:
Một là, quyền tự trị địa phương của Nhật Bản được bảo hộ bởi Hiến pháp, trong đó, trung ương và địa phương có tư cách pháp nhân riêng biệt. Cơ cấu quyền tự chủ của địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được quy định trong Luật Tự trị địa phương.
Hai là, cơ quan chính quyền địa phương của Nhật Bản là một hệ thống gồm hai cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố thuộc trung ương) và cấp cơ sở (thành phố thuộc tỉnh, thị trấn, làng xã). Nhật Bản là một nhà nước đơn nhất, không phải là một nhà nước liên bang với 47 tỉnh, thành và 1.718 thành phố, thị trấn, làng xã (tính đến ngày 01/4/2023).
Ba là, cơ quan chính quyền địa phương có Hội đồng gồm các nghị viện được bầu thông qua bầu cử trực tiếp (do người dân trực tiếp bầu ra). Bên cạnh việc thông qua ngân sách,... hội đồng có quyền lập pháp trong phạm vi pháp luật.
Bốn là, người lãnh đạo (thống đốc, thị trưởng) được bầu cử trực tiếp bởi người dân và thực thi việc quản lý hành chính: Việc thực thi quản lý hành chính của quốc gia do Nội các đảm nhiệm. Nhật Bản áp dụng chế độ Nội các và Nghị viện. Hệ thống ủy ban hành chính được áp dụng trong các lĩnh vực như giáo dục, cảnh sát,...
Năm là, cơ quan chính quyền địa phương có trọng trách cao trong việc đảm nhiệm các công việc hành chính, dự án: Cơ quan chính quyền địa phương đảm nhiệm nhiều loại nhiệm vụ quản lý hành chính, chiếm tới 70% kim ngạch. Thực hiện các công việc hành chính, dự án ở cấp độ tương đương với chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương ở một quốc gia liên bang.
Về phân bổ nguồn lực tài chính giữa trung ương và địa phương, ông Onda Kaoru, Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, trong tài chính công của Nhật Bản, tỷ lệ tính trên cơ sở chi tiêu cuối cùng giữa trung ương và địa phương lại ngược lại với tỷ lệ phân bổ thuế mà người dân phải chịu giữa trung ương và địa phương, và tồn tại sự khác biệt rất lớn giữa hai tỷ lệ này.
Để xác lập chủ quyền khu vực, cần phải xem xét lại một cách sâu rộng về phân chia vai trò giữa trung ương và địa phương, bên cạnh đó từ góc độ mở rộng nguồn tài chính mà địa phương có thể tự do sử dụng, cũng cần xem xét lại cách thức phân bổ nguồn lực thuế giữa trung ương và địa phương.
Ví dụ như, thuế thu từ người dân sẽ được phân bổ cho thuế quốc gia là 63,7% trong khi đó thuế địa phương chỉ được phân bổ 36,6%. Chi tiêu Chính phủ (trên cơ sở chi tiêu thuần) thì chỉ chiếm 44,3%, trong khi chi tiêu địa phương chiếm tới 55,7%, các chi tiêu này nhằm cung cấp dịch vụ cho người dân.
Về phân chia công việc hành chính chủ yếu giữa trung ương và địa phương, hầu hết các công tác quản lý hành chính liên quan mật thiết đến đời sống người dân đều do chính quyền địa phương thực hiện và chính quyền địa phương đang gánh vác các vấn đề chính trị nội bộ của Nhật Bản.
Mối quan hệ giữa trung ương và cơ quan chính quyền địa phương hiện nay là mối quan hệ “hợp tác và bình đẳng”, nhưng trước đây từng là mối quan hệ “quản lý và bên bị quản lý”. Vì vậy, bối cảnh ra đời của cuộc cải cách phân quyền địa phương là: (i) Sự quá tải của hệ thống hành chính trung ương tập quyền. (ii) Ứng phó với một xã hội quốc tế biến đổi. (iii) Khắc phục tình trạng tập trung quá mức ở Tokyo. (iv) Hình thành các cộng đồng địa phương phong phú, độc đáo. (v) Ứng phó với xã hội già hóa và giảm tỷ lệ sinh.
Kể từ sau khi hệ thống thành phố và thị trấn, làng xã được thiết lập (năm Minh Trị thứ 22 (năm 1889)), các thành phố, thị trấn, làng xã đã liên tục thực hiện các biện pháp hợp nhất và hợp tác khu vực địa phương để hoàn thiện cơ chế quản lý hành chính địa phương có khả năng đáp ứng sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu quản lý hành chính ngày càng tăng cao và phức tạp do phân quyền địa phương.
Phối hợp xử lý công việc để nâng cao dịch vụ và tiêu chuẩn quản lý hành chính
Nhằm đáp ứng sự phức tạp và chuyên môn hóa của nhu cầu quản lý hành chính cũng như cải thiện hiệu quả của hệ thống xử lý công việc, nhiều chính quyền địa phương đã cùng phối hợp xử lý công việc để nâng cao dịch vụ và tiêu chuẩn quản lý hành chính, đồng thời giảm chi phí quản lý hành chính như: Phối hợp thành lập các cơ quan, uỷ thác công việc, liên hiệp một phần công việc,...
Các thành phố có quy mô nhất định cùng với các thị trấn và làng xã lân cận đã hình thành các khu vực và phân chia vai trò, để không chỉ thực hiện chức năng như một “con đập dân số” mà còn tạo ra các điểm tập trung nhằm duy trì một xã hội và nền kinh tế năng động trên toàn quốc.
Cơ cấu của việc cải cách sử dụng phương thức trưng cầu đề xuất:
Xu hướng dân số Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng suy giảm trong những năm gần đây. Ước tính đến năm 2070, tổng dân số sẽ giảm xuống dưới 90 triệu người và tỷ lệ già hóa ở mức 39%. Xu hướng hằng năm về số ca sinh và tổng tỷ suất sinh đặc thù, tỷ suất sinh liên tục giảm kể từ khi đạt đỉnh trong thời kỳ bùng nổ trẻ em lần thứ 2, và mặc dù tổng tỷ suất sinh (TFR) cũng có xu hướng tăng từ năm 2006 nhưng lại bắt đầu giảm kể từ năm 2016. Mặt khác, số người chết và tỷ lệ tử vong nhìn chung có xu hướng tăng đều đặn trong những năm gần đây.
Vì vậy, những thách thức mà Nhật Bản đối mặt khi dân số giảm, tỷ lệ sinh giảm và xã hội già đi là: (i) Sự chậm trễ trong việc phát triển các ngành công nghiệp mới và sự đào thải ngành công nghiệp. (ii) Bất an về việc làm. (iii) Bất an về cuộc sống trong xã hội có tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số. (iv) Sự bất mãn vì thiếu đi cảm giác đầy đủ. (v) Tăng cường trách nhiệm và vai trò trong xã hội toàn cầu.
Hướng đi trong tương lai của Nhật Bản
Các nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề mà Nhật Bản đang phải đối mặt là: Xây dựng một xã hội kinh tế tự do và sôi động. Xây dựng một xã hội kinh tế thịnh vượng và an toàn. Tham gia vào xã hội toàn cầu.
Nền tảng hỗ trợ một xã hội kinh tế mới: Xây dựng một xã hội kinh tế tự do và sôi động. Xây dựng một xã hội kinh tế thịnh vượng và an toàn. Tham gia vào xã hội toàn cầu. Bên cạnh đó, cần: phát triển nguồn nhân lực; sáng tạo khoa học và công nghệ; nâng cao tiến bộ của thông tin và truyền thông; xúc tiến hoàn thiện vốn xã hội.
Về nỗ lực chuyển đổi số của chính quyền địa phương, các kế hoạch trọng điểm của Nhật Bản hướng tới hiện thực hóa xã hội số nhằm: Tăng cường cơ sở hạ tầng công nghiệp kỹ thuật số; Tăng cường các nỗ lực biến “số hóa” thành “điều đương nhiên”; Tăng cường tính bền vững thông qua liên kết dữ liệu; Hoàn thiện và vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mà trung ương và địa phương có thể cùng sử dụng; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hành chính địa phương:
Về chuẩn hóa và phổ biến hoá hệ thống thông tin của chính quyền địa phương, “Luật Chuẩn hóa hệ thống thông tin của cơ quan chính quyền địa phương” đã được thông qua, yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương phải sử dụng hệ thống thông tin phù hợp với tiêu chuẩn chuẩn hóa (hệ thống bảo đảm tiêu chuẩn) cho các công việc thuộc đối tượng chuẩn hóa(*).
Nhật Bản đặt mục tiêu đến trước năm Lệnh Hoà thứ 7 (năm tài chính 2025), thực hiện việc chuyển đổi suôn sẻ và an toàn sang các hệ thống đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng “Đám mây Chính phủ”. Đối với các hệ thống mà độ khó chuyển đổi được cho là cực kỳ cao, sẽ thiết lập thời hạn hoàn tất chuyển đổi cần thiết (Quyết định của Nội các ngày 08/9/2023).
* 20 lĩnh vực công việc (trợ cấp trẻ em, hỗ trợ trẻ em và nuôi con, sổ đăng ký cư dân cơ bản, bảng phụ của sổ hộ tịch, đăng ký con dấu, quản lý danh sách cử tri, thuế tài sản cố định, thuế cư dân cá nhân, thuế cư dân doanh nghiệp, thuế xe ô tô hạng nhẹ, hộ tịch, giáo dục, quản lý sức khỏe, trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em, hỗ trợ sinh kế, phúc lợi cho người khuyết tật, bảo hiểm điều dưỡng, bảo hiểm y tế toàn dân, y tế cho người cao tuổi sau 75 tuổi, bảo hiểm hưu trí quốc gia).
Hiệu quả mong đợi của việc thống nhất và chuẩn hóa hệ thống nhiệm vụ cốt lõi
Đối với người dân, cơ sở hạ tầng cho việc nộp đơn trực tuyến,... được thống nhất trên toàn bộ các cơ quan chính quyền địa phương trên toàn quốc. Có thể dễ dàng truy cập các dịch vụ hành chính 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm khi sử dụng “Thẻ My Number”!
Đối với chính quyền địa phương, việc tự thực hiện cải tiến hệ thống mỗi khi có sự thay đổi về chế độ không còn cần thiết nữa. Giờ đây có thể xử lý một cách suôn sẻ bằng cách lựa chọn các ứng dụng đảm bảo tiêu chuẩn trên “Đám mây Chính phủ”!
Các hệ thống được sử dụng chung trên toàn quốc (như quản lý đơn từ,...) cũng sẽ được cung cấp trên “Đám mây Chính phủ” nhằm giúp giảm chi phí hơn nữa và đơn giản hóa việc triển khai nhiều dịch vụ hành chính khác nhau!
“Thẻ My Number” là công cụ xác minh danh tính của tương lai
Xác minh danh tính trực tiếp: Sử dụng như một giấy tờ xác minh danh tính có ảnh khuôn mặt; Xác minh danh tính một cách nghiêm ngặt tại chính quyền cơ sở - Bằng chứng chứng minh danh tính; Vì có ảnh khuôn mặt nên không thể mạo danh được; Có thể xác minh danh tính trong cả lĩnh vực công và cá nhân.
Xác minh danh tính điện tử: Chứng minh danh tính trực tuyến một cách an toàn và bảo mật.
Với chứng nhận điện tử, có thể giúp thực hiện nhiều loại thủ tục và hợp đồng trên điện thoại thông minh và máy tính. Có thể nhận bản sao giấy chứng nhận cư trú tại các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Sử dụng để nhận điểm “Myna Point” hay thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Hơn nữa, trong tương lai, sẽ hiện thực hóa việc sử dụng AI và nhiều công nghệ tiên tiến khác.
Xuất trình “My Number”: Chứng minh “My Number” bằng cách xuất trình thẻ này và không cần đính kèm các giấy tờ trong các thủ tục về an sinh xã hội, thuế,...
“Mynaportal” là cánh cổng kết nối giữa cuộc sống của tôi và các cơ quan hành chính với chìa khoá chính là thẻ “My Number”. Nó cung cấp các dịch vụ như nộp đơn trực tuyến, xem và lấy thông tin của bản thân do các cơ quan hành chính nắm giữ hay nhận các thông báo,...
Đơn vị hành chính của Việt Nam được tổ chức theo 03 cấp tỉnh, huyện, xã
Trong phần trao đổi, chia sẻ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Ánh Dương cho biết, đơn vị hành chính của Việt Nam được tổ chức theo 03 cấp: tỉnh, huyện, xã. Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp huyện gồm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã gồm xã, phường, thị trấn.
Về mô hình tổ chức của chính quyền địa phương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định cụ thể 06 nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.
Về phân quyền: Luật quy định việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật. Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương. Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc về phân định thẩm quyền và phù hợp với các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Về phân cấp: Luật quy định căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc về phân định thẩm quyền và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước thực hiện phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.
Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.
Về ủy quyền: Luật quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
Cơ quan hành chính nhà nước cấp trên khi ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.
Cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền. Cơ quan, tổ chức nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Uỷ ban nhân dân.
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Ánh Dương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Phân quyền, phân cấp vẫn chủ yếu “từ trên xuống” theo cấp chính quyền
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn tồn tại một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Một là, phân quyền, phân cấp vẫn chủ yếu “từ trên xuống” theo cấp chính quyền; chưa phù hợp với vị trí, vai trò của từng cấp chính quyền và đặc thù của từng loại chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện đồng bộ với yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp.
Hai là, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được quy định trong luật nhưng chưa cụ thể, rõ ràng nên trên thực tế có thể gây các cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện; một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cả cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp.
Ba là, vị trí, vai trò, trách nhiệm và hoạt động của các Ủy viên Ủy ban nhân dân với tư cách là thành viên Ủy ban nhân dân chưa rõ ràng; chế độ làm việc tập thể của Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân nếu thực hiện không tốt dẫn đến tình trạng phải họp nhiều, gây lãng phí thời gian, không rõ trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban nhân dân và không kịp thời giải quyết những việc có tính cấp bách, cần thiết.
Bốn là, ngoài việc thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở 03 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) thì chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính còn lại đều là cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) là chưa có sự phân biệt với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; mô hình chính quyền đô thị tại 03 thành phố mới triển khai thực hiện.
Năm là, số lượng đơn vị hành chính có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít còn nhiều, dẫn đến đầu tư dàn trải và khó khăn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ở các cấp chính quyền địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương
Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Ánh Dương chia sẻ, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiến hành tổng kết thi hành Luật Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành trình Chính phủ trong tháng 10/2024 để trình Quốc hội trong năm 2025. Theo đó, một số định hướng lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương như sau:
Thứ nhất, xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo hướng quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hướng xác định từ cấp dưới lên cấp trên; việc nào chính quyền địa phương cấp dưới không làm được thì chính quyền địa phương cấp trên, cơ quan trung ương mới làm và phải làm. Theo đó, những việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm thực hiện, các cấp khác giữ vai trò phối hợp nếu có liên quan, khắc phục chồng lấn về thẩm quyền giữa các cấp. Thực hiện tốt hơn công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt người đứng đầu.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý của từng cấp chính quyền địa phương; đa dạng về mô hình tổ chức và tinh gọn về bộ máy của các cấp chính quyền địa phương, làm rõ từng vị trí việc làm ở từng cấp chính quyền địa phương để phân công lao động hợp lý và tinh giản biên chế. Đẩy mạnh liên kết vùng trong cả nước và từng địa phương.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc biệt ở những đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời triển khai nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam từ trước đến nay để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Thứ tư, đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hướng tới chính quyền địa phương ở đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về mô hình “Tòa thị chính”, “Thị trưởng” phù hợp với đặc thù ở nước ta; chính quyền địa phương ở nông thôn không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện. Trên cơ sở đó, nghiên cứu việc đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính ở những đơn vị hành chính không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức Hội đồng nhân dân) để tạo thuận lợi cho việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương khác nhau ở đơn vị hành chính tổ chức cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) và ở đơn vị hành chính không tổ chức cấp chính quyền địa phương (chỉ có Ủy ban hành chính thực hiện chế độ công vụ của công chức do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên bổ nhiệm thực hiện quản lý hành chính trên địa bàn lãnh thổ).
Thứ năm, đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của từng thành viên Ủy ban nhân dân, trong đó ủy viên Ủy ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân với tư cách là thành viên Ủy ban nhân dân để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của chức danh ủy viên Ủy ban nhân dân hiện nay. Quy định cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình giám sát của Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ sáu, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ thông minh, kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp để từng bước mở rộng việc cung ứng các loại hình dịch vụ công tại địa phương, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ, tiết kiệm ngân sách nhà nước và chi phí xã hội.