BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền lập hội, quyền tín ngưỡng

30/06/2015 12:58

Cần phải hạn chế can thiệp hành chính vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo cũng như các tổ chức hội là quan điểm của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh (Bộ Tư pháp) khi cho ý kiến về Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật về hội.

Cuối tuần rồi, Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh đã có phiên họp thứ 12 để cho ý kiến về Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật về hội.

Về dự án Luật về hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, cho biết hiện có 481 hội hoạt động phạm vi cả nước, hơn 52 nghìn hội hoạt động phạm vi địa phương nhưng phần nhiều trong số đó hoạt động kém hiệu quả, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và có xu hướng “hành chính hóa”.

Do đó, để các hội hoạt động hiệu quả, dự luật quy định theo hướng: việc thành lập và hoạt động hội phải thực hiện ba giai đoạn ứng với ba quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là: (i) công nhận ban vận động thành lập hội - Quyết định công nhận ban vận động; (ii) thành lập hội - Quyết định thành lập hội; và (iii) phê duyệt điều lệ hội - Quyết định phê duyệt.

Tuy nhiên, TS. Lê Hồng Sơn, đại diện Hội đồng tư vấn, cho biết Hội đồng nhận thấy quy trình thành lập hội như vậy quá phức tạp, cần giảm bớt các trình tự, thủ tục. Theo đó, việc quy định trình tự, thủ tục thành lập hội cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình - Nhà nước không can thiệp vào hoạt động mang tính chất nội bộ của hội mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, thành viên Hội đồng tư vấn, cũng cho rằng, dự luật cần đề cao nguyên tắc (tổ chức, hoạt động của hội) tự nguyện, tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, ông đề nghị dự luật cần có các quy định trực tiếp về các trường hợp giới hạn quyền lập hội, chứ không dừng lại ở quy định về các hành vi bị cấm.

Về Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) cho biết, để theo kịp nhu cầu phát triển của các hoạt động tôn giáo cũng như cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp 2013, dự luật đã xác định chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là “mọi người” thay cho “công dân” như quy định hiện hành.

Theo đó, dự luật đã ghi nhận và điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo hướng quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của họ được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Tức người ngước ngoài cũng sẽ được phong chức, phong phẩm khi hoạt động cho tổ chức tôn giáo của Việt Nam; được vào tu tại các cơ sở tôn giáo của Việt Nam…

Ngoài ra, với chủ thể là “mọi người”, dự luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành hình phạt tù… được đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo; người đã chấp hành án phạt tù hoặc quản chế được chủ trì các hoạt động tôn giáo sau khi tổ chức tôn giáo đăng ký và được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Theo Hội đồng tư vấn, dự luật đã cụ thể hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, các quy định về chấp thuận, công nhận, cho phép, đăng ký… đối với hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo cần được chỉnh lý và xem xét dưới góc độ là các biện pháp của Nhà nước bảo đảm thực thi quyền, bảo hộ và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân, hơn là các biện pháp quản lý nhà nước như dự thảo quy định.

Theo http://www.thesaigontimes.vn/
Tìm kiếm