Câu chuyện bắt đầu từ cuộc gọi của anh lái xe khi chờ mãi không thấy bà nên phải... hỏi. Bà Phó bí thư Tỉnh ủy đưa ra làm dẫn chứng ngay: mỗi cơ quan ở cấp tỉnh biên chế chỉ trên dưới 30 người nhưng bộ phận phục vụ như hành chính, lễ tân, tạp vụ, lái xe chiếm tới 20%.
“Có trụ sở liên cơ quan gồm sáu đầu mối, với chưa đầy 200 người, nhưng cơ quan nào cũng có 20% biên chế phục vụ, sử dụng không hết công năng, hiệu quả thấp. Hoàn toàn có thể sử dụng một bộ phận phục vụ chung”, bà Hoàng nói.
Theo bà Phó bí thư, đó chỉ là một ví dụ dễ thấy về sự cồng kềnh của bộ máy. Còn nhiều sự cồng kềnh khác do trùng lắp.
Chẳng hạn, giữa các cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền có những bộ phận tương đồng về chức năng nhiệm vụ, nhưng vẫn tồn tại ở hai hệ thống khác nhau. Điều này dẫn tới tình trạng chồng chéo, tăng biên chế, thậm chí làm chậm trễ công việc.
TBKTSG: Bà có thể nêu ví dụ cụ thể?
- Chẳng hạn cơ quan Tổ chức (của Đảng) và cơ quan Nội vụ (của chính quyền) đều thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ. Khi cần bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, bên Nội vụ phải làm tờ trình sang bên Tổ chức. Bên Tổ chức tham mưu cho cấp ủy đồng tình rồi thông báo lại cho bên Nội vụ. Khi đó, Nội vụ mới thực hiện quy trình để bổ nhiệm và trình cấp ủy, được đồng ý thì Nội vụ mới ra quyết định. Như vậy là quy trình dài gấp hai lần.
Hay cơ quan Kiểm tra (của Đảng) và Thanh tra (của chính quyền) cùng thực hiện một nhiệm vụ là làm rõ sai phạm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đối tượng trùng nhau, nhưng quy trình nghiệp vụ kiểm tra của bên đảng với công tác thanh tra của Nhà nước có khác nhau. Nếu cán bộ vi phạm đến mức độ phải xử lý thì “bên Đảng” lại xem xét quy trình từ đầu chứ không hoàn toàn thừa hưởng kết luận thanh tra của chính quyền, cũng không phải cứ lấy hồ sơ đó về là xử lý được.
Thời hiệu xử lý hành chính chỉ có 24 tháng kể từ khi vi phạm, nhưng bên Đảng thì cứ phát hiện sai phạm là phải chịu trách nhiệm, bất kể thời gian.
Rõ ràng hai nguyên tắc xử lý vừa trùng lắp lại vừa vướng nhau. Điều đó đặt ra với chúng tôi nhu cầu phải xem xét lại tổ chức bộ máy.
Trong quá trình vận hành, giữa cơ quan Đảng với chính quyền có những chồng chéo, cồng kềnh. Có những việc hai bên không những không thừa hưởng kết quả của nhau mà đường lối lại khác nhau tạo ra mâu thuẫn. |
TBKTSG: Sự trùng lặp bất hợp lý trong bộ máy của Đảng và chính quyền là đã rõ. Tại phiên họp Quốc hội năm ngoái, bà đề nghị không nên né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền? Vì sao bà cho rằng có sự né tránh?
- Đây không phải là một nội dung mới bởi chủ trương này đã được đặt ra từ lâu và đã được ghi rõ trong Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) là phải xây dựng đề án nhất thể hóa các tổ chức và các chức danh lãnh đạo giữa các cơ quan Đảng và chính quyền.
Từ đó đến nay, chủ trương đã có nhưng cũng chưa có bất kỳ hướng dẫn hay nội dung chỉ đạo cụ thể nào. Các địa phương căn cứ vào đòi hỏi của thực tiễn đặt ra yêu cầu thí điểm nhưng các cơ quan trung ương cũng chưa hướng dẫn cụ thể.
Chủ trương có, thực tế yêu cầu có, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân cũng có, nhưng đi vào cuộc sống thì chưa.
Tôi cho rằng khi Quốc hội bàn về Luật Chính quyền địa phương là thời cơ để bàn tổng thể về tổ chức bộ máy. Nếu sửa đổi luật mà không đề cập tổ chức bộ máy thì tôi e ngại luật mới ban hành sẽ không đáp ứng nhu cầu thực tế.
TBKTSG: Bà từng phát biểu rằng, có những cơ quan Đảng “đứng trên Nhà nước, đứng ngoài Nhà nước”. Bà có thể giải thích rõ hơn?
- Hiến pháp quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội còn Nhà nước là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân, nên Đảng lãnh đạo phải được thực hiện chủ yếu thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước. Thực tế có những hiện tượng các tổ chức Đảng buông lỏng, bỏ sót hoặc là bao biện làm thay.
Chẳng hạn, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thông qua nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Nếu người đứng đầu chính quyền không đủ sâu sát, chắc chắn để chuyển tải toàn bộ nghị quyết của cấp ủy, thì cấp ủy có khi sẽ thò tay trực tiếp vào những vụ việc cụ thể, đôi khi dẫn đến tình trạng áp đặt ý kiến cá nhân. Như thế là Đảng bao biện làm thay Nhà nước. Trong khi hoạt động của Nhà nước là theo luật.
Ngược lại, nếu Đảng quá câu nệ vào chức năng ban hành nghị quyết mà không giám sát chặt chẽ, bên chính quyền vận hành chưa cụ thể sát sao, thì dẫn tới tình trạng chỉ đạo của Đảng không được thực hiện đến nơi đến chốn, nghị quyết không đi vào cuộc sống.
TBKTSG: Có nhà lãnh đạo phát biểu công khai rằng, Quốc hội chỉ thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo bà đó có phải là Đảng làm thay Nhà nước không?
- Khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết thì những vấn đề đó cũng đã được tổng kết từ thực tiễn và được các cơ quan chức năng của Nhà nước đệ trình, đồng thời cũng được soi lại bằng lý luận. Bộ Chính trị không tự dưng lại ban hành một chủ trương nghị quyết từ trên trời. Chúng ta đã có quy trình xây dựng từ dưới lên và khi đã được nghiên cứu, xem xét kỹ, ban hành thì quay trở lại thực hiện từ trên xuống. Việc ấy hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, có những việc chưa khớp nên cần phải có sự phản hồi ngược lại.
TBKTSG: Được biết, Quảng Ninh đã có đề án kiến nghị cho thực hiện thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tuyên giáo với Sở Thông tin - Truyền thông, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND. Đề án này đã được phản hồi thế nào?
- Chúng tôi đã trình đề án lên Trung ương và đang đăng ký với Văn phòng Trung ương sắp xếp bố trí lịch để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh được báo cáo trực tiếp về đề án với những căn cứ cụ thể và sát thực tế hơn.
Trước mắt, Ban Bí thư đã cho phép Quảng Ninh thực hiện thí điểm dùng chung cơ quan tham mưu giúp việc giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện.
Đi tiên phong trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ là chấp nhận thử thách. Vì vậy cần phải quyết tâm, kiên trì với lộ trình phù hợp, khó thì chúng ta càng phải cẩn trọng, làm từ điểm đến diện, rút kinh nghiệm sau đó mở rộng ra toàn quốc.
Đã đến lúc không chỉ nói đến đổi mới tư duy nhận thức mà quan trọng hơn là từ tư duy nhận thức chuyển biến thành quyết tâm chính trị.
TBKTSG: Nếu được thông qua, đề án này sẽ mang lại lợi ích cụ thể thế nào cho bộ máy, cho ngân sách nhà nước?
- Theo tính toán của chúng tôi, nếu thực hiện đề án này, sẽ giảm được 101 phòng, ban, đơn vị; tinh giản 15% biên chế so với định mức. Về ngân sách, ngay năm 2015, chúng tôi đã thấy sẽ tiết kiệm được 268 tỉ đồng/năm từ việc không phải chi lương và phụ cấp nữa. Ngoài ra, còn tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng từ cơ sở vật chất do sáp nhập các tổ chức và từ việc thôi đầu tư cho những tổ chức không thành lập nữa.
Tất nhiên còn cả những lợi ích không lượng hóa thành những con số, bởi chúng tôi xây dựng đề án tổng thể nhằm đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó có sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế; chuyển đổi mô hình hoạt động của một số đơn vị cũng như cơ chế sử dụng cán bộ dựa trên tiêu chí năng lực, hiệu quả công việc; và rộng hơn là việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh theo cơ chế thị trường, góp phần huy động các nguồn lực xã hội và tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư.
TBKTSG: Theo bà, điều khó nhất khi thực hiện đề án này là gì và tại sao?
- Phải thừa nhận việc này đụng chạm nhiều vấn đề từ thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật đến con người cụ thể. Và con người chính là vấn đề khó nhất.
Bởi như chúng ta đều biết, duy tình là kiểu tư duy, ứng xử của người Việt Nam. Trong việc thực hiện tinh giản biên chế, có những mặt điều đó đã trở thành rào cản thực sự. Duy tình sẽ dẫn đến hậu quả là coi trọng đức hơn tài trong việc đánh giá, dùng người, chú trọng các mối quan hệ tình cảm cá nhân hơn là những khế ước xã hội. Khi không đánh giá đúng năng lực của từng công chức trong mỗi vị trí thì sẽ không có cơ sở để loại bỏ người yếu kém.
Một khía cạnh nữa của vấn đề con người là phải lựa chọn được người tài. Con người chính là nhân tố quan trọng làm căn cứ để xây dựng và quyết định sự thành công khi triển khai thực hiện các mô hình sắp xếp, đặc biệt là việc kiêm nhiệm, thay đổi cơ chế, cách thức làm việc.
Thứ hai là phải xây dựng cơ chế giám sát tốt hơn, giám sát bằng điều lệ, chính sách và pháp luật để tránh tình trạng độc đoán chuyên quyền. Có vậy, các mô hình, cơ chế, chính sách đề án đưa ra mới được triển khai đúng quy trình và tiếp tục nhận được đầy đủ những phản hồi trong quá trình triển khai.