Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Sáng ngày 22/11/2016, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ, đã tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ “Văn thư Triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” tại trụ sở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu chào mừng khai mạc triển lãm.
Phát biểu chào mừng khai mạc triển lãm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh, hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2016, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giao Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm “Văn thư Triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” nhằm mục đích giới thiệu đến công chúng và những người nghiên cứu về công tác văn thư của triều Nguyễn, góp phần cung cấp thêm thông tin về sự quan tâm của các hoàng đế đương triều đối với hoạt động quản lý nhà nước bằng văn bản qua di sản tư liệu thế giới Châu bản Triều Nguyễn. Văn thư Triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước. Châu bản Triều Nguyễn là nguồn sử liệu không thể thiếu đối với các nhà nghiên cứu quan tâm đến lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại. Do hội tụ đầy đủ các tiêu chí về tính độc đáo, xác thực, duy nhất và có tầm ảnh hưởng quốc tế, Châu bản Triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 5/2014.
Triển lãm trưng bày trên 100 phiên bản tài liệu đặc sắc, phản ánh rõ nét các hoạt động của công tác văn thư Triều Nguyễn và được bố cục thành 5 phần: Tổ chức và nhân sự làm công tác văn bản; Soạn thảo, ban hành văn bản; Chuyển giao, giải quyết văn bản; Quản lý, sử dụng con dấu và Lưu trữ, khai thác văn bản.
Trong suốt 143 năm trị vì (1802 - 1945), các hoàng đế Triều Nguyễn luôn quan tâm, chỉ đạo và kiện toàn công tác văn thư của vương triều. Từ Thị thư viện, Thị hàn viện và Nội hàn viện thiết lập dưới triều vua Gia Long vào năm 1802, vua Minh Mệnh đã tổ chức lại thành Văn thư phòng vào năm 1820, đến năm Minh Mệnh thứ 10 cho đổi thành Nội các và đến năm 1933 thì chính thức mang tên Ngự tiền văn phòng, chuyên trách công việc về soạn thảo, chuyển giao và lưu trữ văn bản hành chính nhà nước.
Ngoài các quy định về chế độ tuyển chọn, thưởng phạt đối với nhân sự phụ trách công tác văn thư, Triều Nguyễn cũng ban hành những quy trình nghiêm ngặt về soạn thảo và ban hành văn bản cùng trách nhiệm của các cá nhân liên quan; thường xuyên kiểm tra, tổ chức hoạt động của hệ thống trạm luân chuyển công văn để đảm bảo thông tin liên lạc hành chính được thông suốt.
Một vấn đề khác của công tác văn thư của Triều Nguyễn là hệ thống ấn triện - yếu tố khẳng định tính xác thực và tính pháp lý chặt chẽ của văn bản. Ấn triện trên văn bản hành chính Triều Nguyễn bao gồm kim bảo của các Hoàng đế, ấn triện của các cơ quan trong hệ thống chính quyền, dấu quan phòng chức danh của quan lại, tín kỷ và ký của các tổ chức địa phương và cá nhân với những quy định rõ ràng về phương thức chế tác và sử dụng. Triển lãm “Văn thư Triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” là một trong những hoạt động thường niên nhằm đưa Châu bản đến gần hơn với công chúng, Triển lãm sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 22/11 đến hết ngày 31/11/2016 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 18 phố Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Một số hình ảnh các đại biểu thăm quan và nghe hướng dẫn tại triển lãm: