BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tọa đàm “Cơ sở khoa học xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”

11/08/2019 22:01

Sáng ngày 07/8, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Tọa đàm “Cơ sở khoa học xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ dự và phát biểu khai mạc Tọa đàm. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Tọa đàm

Dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, sau khi Bộ Chính trị (Khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các văn bản: Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn; Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 và Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (áp dụng cho cả phường, thị trấn) thay thế Nghị định số 29/1998/NĐ-CP; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; các quy định cụ thể khác về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của Luật Thanh tra…

Việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các quy định khác về thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các ngành; làm chuyển biến một bước về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn; tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất cho đến nay đó là dân chủ ở nhiều chỗ, nhiều nơi vẫn còn nhiều hình thức, chưa vững chắc, chưa rộng khắp chưa đồng đều ở các địa phương, khu vực, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; dân chủ trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phát huy. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của Nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở chưa gắn kết thật tốt với nhiệm vụ thường xuyên, nhất là trong công tác xây dựng đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết, khách quan và nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc chuẩn bị dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Nội vụ được giao trong nhiệm kỳ này.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, muốn làm tốt được điều này, cần nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về dân chủ ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở; những vấn đề lý luận cơ bản của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Vì vậy, Tọa đàm được tổ chức để các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, quản lý cùng lắng nghe và chia sẻ những ý tưởng, những căn cứ lý luận và thực tiễn của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần giúp cho việc tiếp cận, định hướng, xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bám sát với yêu cầu của thực tiễn, để khi ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu: Tập trung trao đổi, chia sẻ những đánh giá của mình về chính sách, pháp luật thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện nay; Đề xuất những giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay; Bổ sung thêm về tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nêu bật lên được những bài học từ thực tiễn và kinh nghiệm trong việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Việc thực hiện dân chủ cơ sở gắn với củng cố chính quyền ở cơ sở, củng cố cơ quan, tổ chức và phát triển doanh nghiệp; Về pháp luật về dân chủ ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Thông qua mỗi ý kiến đóng góp, phân tích, đánh giá của các đại biểu, các nhà khoa học trong Tọa đàm này, từ các góc độ khác nhau sẽ là những ý tưởng, những  gợi ý, đề xuất quan trọng giúp Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách có chất lượng.

Tại Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học đã trình bày tham luận, tích cực trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm của quốc tế về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhìn chung, các ý kiến góp ý của các đại biểu, các nhà khoa học đều cơ bản thống nhất việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhất trí rằng Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật cần có nghiên cứu, rà soát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Chỉ thị số 30-CT/TW và Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn để có cái nhìn tổng quát, khách quan về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế. Từ những đánh giá này sẽ nghiên cứu, tổng hợp và sớm đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, các đại biểu, các nhà khoa học cũng đề xuất việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không dựa trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn lên thành luật; mà cần phải xây dựng thành luật độc lập với các khái niệm “dân chủ”, “cơ sở”, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh,… các quy định phải chi tiết, cụ thể, rõ ràng thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng vào cuộc sống.

Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ghi nhận và cảm ơn những trao đổi, chia sẻ, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu về thực trạng quy định và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Việt Nam hiện nay cùng những kiến giải rất cụ thể, thiết thực để xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một yêu cầu cấp thiết, khách quan và nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, kiểm soát quyền lực nhà nước, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Nội vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ, chia sẻ, đóng góp ý kiến để Bộ Nội vụ xây dựng hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra./. 

Nguồn:

Tìm kiếm