BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

28/06/2018 15:28

Chiều ngày 27/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng  Chính phủ giao.

Đón tiếp và làm việc với Tổ công tác có đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí Thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương là thành viên Tổ công tác; đại diện các Vụ của Văn phòng Chính phủ; đại diện các cơ quan tư vấn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam.

Đồng chí Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu quán triệt nội dung buổi làm việc, đồng chí Mai Tiến Dũng đánh giá cao kết quả của Bộ Nội vụ đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Nội vụ về 4 vấn đề mà Bộ Nội vụ đã đạt được trong thời gian qua, đó là:

Thứ nhất, trong việc kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện thể chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; hoàn thiện Quy chế làm việc của Chính phủ. Tham mưu nhiều văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Thứ hai, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Chính phủ về cải cách hành chính đã chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 30c của Chính phủ và Quyết định số 225 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba, Bộ Nội vụ phối hợp rất tốt trong việc xây dựng thể chế, thực hiện vấn đề phân cấp giữa Trung ương và địa phương, thể hiện tư duy cải cách của Bộ Nội vụ, đặc biệt là tư duy của đồng chí Bộ trưởng.

Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua - khen thưởng đã đi vào nền nếp; công tác thi đua - khen thưởng đã thực chất hơn; tạo điều kiện tốt nhất để cá nhân, tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật, chấn chỉnh việc lợi dụng tôn giáo để kích động gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Kết quả trên đã đóng góp vào thành tích chung của Chính phủ, tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng nêu ra 5 vấn đề để Bộ Nội vụ làm tốt hơn nữa trong thời gian tới:

Thứ nhất, về biên chế và tiền lương là vấn đề rất quan trọng. Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã kiểm tra và phát hiện việc sử dụng biên chế vượt hơn 63 nghìn người, do đó, Bộ Nội vụ cần có sự quản lý biên chế chặt chẽ hơn, chấn chỉnh một cách nghiêm túc; không chấp nhận tăng biên chế công chức, viên chức, và phình to bộ máy. Việc chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp cần thực hiện mạnh mẽ hơn, tiến tới tự chủ hoàn toàn về kinh phí, biên chế…

Thứ hai, Bộ Nội vụ cần tham mưu cấp có thẩm quyền và tổ chức triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, mạnh dạn đề xuất các mô hình mới để áp dụng thí điểm, đảm bảo phù hợp thực tiễn với cuộc sống. 

Thứ ba, chú trọng vấn đề quản lý đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quan tâm đào tạo bồi dưỡng phát triển, phát hiện nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”.

Thứ tư, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính của Chính phủ, do đó, Bộ Nội vụ cần cải cách ngay trong nội bộ để từ đó đốc thúc các Bộ, ngành và địa phương, cần có sự kiểm tra, nắm bắt một cách sâu sát cơ sở để có tham mưu đúng, trúng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, mới đây Bộ Nội vụ đã khai trương Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ. Đây là bước đột phá trong cải cách hành chính, cần được nhân rộng.

Thứ năm, vấn đề quản lý hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành và thực hiện rất nhân văn, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tôn giáo, tuy nhiên không chấp nhận các hành vi tôn giáo không đúng pháp luật, trái luân thường đạo lý, Bộ Nội vụ cần tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các thành viên Tổ công tác tập trung phát biểu, nêu rõ các vấn đề còn hạn chế của Bộ Nội vụ để cùng thảo luận, tìm ra giải pháp hưu hiệu nhất, giúp Bộ Nội vụ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ và lãnh đạo các đơn vị báo cáo, làm rõ hơn 5 vấn đề đã nêu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 10/6/2018, Bộ Nội vụ được giao 518 nhiệm vụ trong các văn bản chỉ đạo, điều hành; chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; văn bản quy phạm pháp luật; văn bản mật, tối mật, tuyệt mật. Bộ đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, cụ thể: Nhiệm vụ đã hoàn thành: 363 nhiệm vụ, chiếm 70,08%; Nhiệm vụ đang thực hiện: 155 nhiệm vụ, chiếm 29,92%, (trong đó: Nhiệm vụ trong hạn: 152 nhiệm vụ, chiếm 29,35%; Nhiệm vụ quá hạn: 03 nhiệm vụ, chiếm 0,57%). Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 11 Nghị định và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành 16 Thông tư.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ (CCHC), Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016. Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các đề án CCHC được phân công chủ trì thực hiện; trình Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC và Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban Chỉ đạo.

Về quản lý cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Đang tiến hành tổng kết, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức...

Về tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã kịp thời giao biên chế công chức và thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp năm 2018 cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm nguyên tắc và lộ trình tinh giản biên chế công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang...

Về tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Thẩm định 03 Đề án thành lập đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt..

Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng được Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chức năng kịp thời tham mưu, giải quyết các kiến nghị chính đáng của các tôn giáo theo đúng chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, giải quyết các vụ việc tôn giáo phát sinh trong thực tiễn,...

Các nhiệm vụ công tác khác cũng được Bộ Nội vụ chủ động triển khai đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Giải trình các vấn đề Tổ trưởng Tổ công tác nêu ra, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đã báo cáo, giải trình, làm rõ những nhiệm vụ đã thực hiện, đang thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, những nguyên nhân chủ quan, khách quan như:

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi 3 Nghị định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức đã được xây dựng và trình theo kế hoạch, tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với các Nghị quyết của Đảng nên Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các Bộ, ngành để chỉnh sửa và sẽ trình lại trong thời gian sớm nhất.

Về vấn đề thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đã thực hiện và đạt kết quả tốt, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức sơ kết để có điều chỉnh và tiến tới thể chế hóa để áp dụng chung chứ không phải thí điểm.

Về vấn đề biên chế sử dụng vượt quá số lượng quy định của một số Bộ, ngành địa phương, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhằm chấm dứt việc tự quy định tổ chức và biên chế, chấn chỉnh quản lý biên chế không đúng quy định.

Về công tác cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã tham mưu để các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra tại các Bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện một cách nền nếp và hiệu quả. Bộ cũng đã làm tốt công tác theo dõi và đánh giá cải cách hành chính, trong đó đã xây dựng bộ công cụ đánh giá chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về hành chính. 

Về công tác tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian qua có sự hoạt động phức tạp của một số tôn giáo, lợi dụng nhà nước ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, về sử dụng đất đai …nên đã kích động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Bộ Nội vụ đã tham mưu và triển khai nhiều nhiệm vụ đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Tổ công tác đánh giá cao kết quả và sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trên các mặt như xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, biên chế, hiện đại hóa hành chính…

Công tác cải cách hành chính mà Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Chính phủ đã theo dõi, đôn đốc Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua. 

Đối với dự thảo Nghị định về toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện không chỉ lấy ý kiến các cơ quan nhà nước, các tổ chức bị tác động trực tiếp mà nên lấy cả ý kiến nhân dân, doanh nghiệp trong thời gian sớm để trình ban hành. 

Đối với dự thảo Luật về Hội, việc ban hành luật là cần thiết. Cần thể hiện rõ mục tiêu về quyền lập hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hội thành lập và hoạt động; cần có một chương riêng về hội và hiệp hội doanh nghiệp. Cần chuyển giao một số nhiệm vụ của Nhà nước để hội thực hiện có hiệu quả hơn và xác định hội là một đối tác của Nhà nước.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử cần tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận và xử lý, lưu trữ trên môi trường mạng. Liên thông kết nối các cơ sở dữ liệu với nhau đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Các thành viên Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Nội vụ theo dõi và hướng dẫn việc tổ chức, sắp xếp bộ máy của địa phương một cách thống nhất. Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và tiếp thu ý kiến các thành viên Tổ công tác và sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng hạn.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, sẽ tiếp tục phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương và đẩy mạnh tinh giản biên chế theo đúng lộ trình đề ra. Về công tác kiểm tra công vụ, Bộ Nội vụ đã triển khai kiểm tra tại một số Bộ, ngành, địa phương và đã yêu cầu khắc phục những hạn chế.

Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác xây dựng báo cáo rất chi tiết, cụ thể, không né tránh của Bộ Nội vụ.

Với 5 vấn đề nêu ra, đề nghị Bộ Nội vụ cần có kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện vì đây là những vấn đề có tác động rất lớn đối với xã hội. Những nhiệm vụ quá hạn cần phải hoàn thành ngay, những nhiệm vụ sắp đến hạn Bộ Nội vụ cần quan tâm thực hiện sớm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nội vụ cần thực hiện quyết liệt để hoàn thiện xây dựng thể chế, hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Chất lượng và tiến độ các nhiệm vụ cũng cần được cải thiện hơn nữa. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. 

Đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tinh giản biên chế và thực hiện cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập. Sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc; cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.

Quang cảnh buổi làm việc

Thanh Tuấn

Tìm kiếm