Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam
Cùng dự buổi tiếp có Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Trần Lưu Trung; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Công tác thanh niên, Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng Bộ.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn hoan nghênh bà Naomi Kitahara tới nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và đến thăm, làm việc với Bộ Nội vụ. Đồng thời, ghi nhận sự phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ của UNFPA đối với Bộ Nội vụ trong thời gian vừa qua trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với công tác phát triển thanh niên.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, thông qua các hoạt động của UNFPA và Bộ Nội vụ liên quan đến việc triển khai các chính sách của Nhà nước để phát triển thanh niên, cũng như là các hoạt động nghiên cứu, xây dựng các báo cáo đánh giá về thực trạng để trên cơ sở đó có hoạch định chính sách đối với thanh niên nói chung, cũng như các nhóm thanh niên nói riêng (nhóm thanh niên vượt trội, nhóm thanh niên yếu thế…) cũng đã được triển khai một cách có hiệu quả. Trong những kết quả, hoạt động đó cũng có sự tham gia, giúp đỡ, phối hợp tích cực của UNFPA; lãnh đạo Bộ Nội vụ, cũng như lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận điều này.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng thông tin thêm, hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi và Luật sửa đổi lần này sẽ sửa đổi một cách toàn diện Luật Thanh niên năm 2005 và sẽ có nhiều điểm mới, chính sách mới được đưa vào trong dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong thời gian tới, nếu dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm giúp Chính phủ triển khai các chính sách về thanh niên đã được quy định trong Luật.
Thứ trưởng cho rằng, không riêng gì Việt Nam mà cả các nước trên thế giới đánh giá đội ngũ thanh niên là tương lai của đất nước, là mùa xuân của dân tộc. Để có được như vậy, chính sách đối với thanh niên phải được triển khai một cách hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, trong đời sống xã hội. Ở Việt Nam, các chính sách này cũng tập trung quan tâm đến đội ngũ, nhóm thanh niên yếu thế (người dân tộc, người khuyết tật…), nhóm thanh niên khởi nghiệp đã được định hướng cho phát triển đất nước Việt Nam và đặc biệt là vấn đề khởi nghiệp đã được Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đưa ra thành một trong những hành động của Chính phủ kiến tạo.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm, chính sách đối với thanh niên cần phải được thay đổi, trước hết là thay đổi về mặt tư duy, tiếp đến là thay đổi về chính sách để làm sao phát huy được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Riêng về vấn đề kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhận định, chúng ta cũng cần phải thay đổi tư duy khi mà thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp sửa trôi qua; vì vậy, có nên thay đổi tư duy về vấn đề tăng giảm dân số thông qua kế hoạch hóa gia đình như thế nào cho phù hợp hay không?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn tin tưởng trong thời gian nhiệm kỳ của bà Naomi Kitahara, các hoạt động của UNFPA tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong việc phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện và có những tham vấn cho Bộ Nội vụ trong việc triển khai các quy định của pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, phát triển thanh niên để có hiệu quả nhiều hơn nữa và đóng góp hữu ích vào phát triển đội ngũ thanh niên nói chung và tạo điều kiện cho thanh niên xây dựng sự nghiệp của mình đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam, phát triển kinh tế và các mặt khác của đời sống xã hội trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi tiếp
Tiếp lời Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn và Bộ Nội vụ Việt Nam dành cho Bà. Bà Naomi Kitahara đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA nói chung và giữa Bộ Nội vụ với UNFPA nói riêng.
Bà Naomi Kitahara thông tin, trong quá trình phát triển của UNFPA tại Việt Nam đã trải qua 9 chương trình hợp tác quốc gia với Việt Nam, cho đến nay đây là một thời gian dài nhất của UNFPA đối với một quốc gia và trong quá trình phát triển lâu dài, vấn đề phát triển thanh niên cũng như là vấn đề phát triển toàn diện cho thanh niên cũng được coi là một công việc, hoạt động trọng tâm của UNFPA. Bà Naomi Kitahara cũng cho biết, khi nhận nhiệm vụ mới tại UNFPA, cộng sự tại Việt Nam có báo cáo về quá trình phát triển, hợp tác rất chặt chẽ của UNFPA với Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng, đồng thời cũng được hai bên đánh giá rất cao.
Bà Naomi Kitahara chia sẻ, thời gian gần đây cho thấy có rất nhiều thay đổi về dân số của Việt Nam; đặc biệt là trong cuộc điều tra về biến động dân số cũng như về kế hoạch hóa gia đình năm 2018 đã cho thấy: các đối tượng thanh niên có độ tuổi từ 10 đến 29 tuổi chiếm 28% trong tổng dân số Việt Nam, đây cũng là số lượng thanh niên rất lớn và đông đảo. Thời hạn để hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ chỉ còn khoảng 10 năm nữa, cũng như chương trình nghị sự cho năm 2030; do vậy, một trong những mục tiêu để hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ thì vấn đề thanh niên và phát triển thanh niên toàn diện là cực kỳ quan trọng.
Vấn đề quan trọng đặt ra cho phát triển thanh niên toàn diện đó là bảo trợ xã hội, các hỗ trợ khác đối với thanh niên; vì vậy, hi vọng thời gian tới Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua và khi đó sự tham gia của thanh niên sẽ sâu sắc hơn, rộng hơn, đảm bảo được quá trình phát triển của quốc gia. Một điều quan trọng nữa đối với thanh niên đó là họ được cung cấp, trao cho môi trường, cơ chế để họ phát triển toàn diện, cơ chế để họ tham gia này không những ở cấp độ cao - cấp độ quốc gia mà còn ở cấp dưới - tất cả các địa phương, và do vậy họ sẽ là một phần trong quá trình phát triển của đất nước.
Khi xem xét các con số thống kê về sức khỏe thấy rằng, cần cố gắng hơn để phát triển, cũng như đưa vào chương trình giáo dục giới tính toàn diện, trang bị cho thanh niên các kỹ năng về xã hội một cách toàn diện. Hiện nay, đối với các nhu cầu về tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình cho thanh niên ở độ tuổi từ 18 - 24 tuổi còn hạn chế. Do vậy, một lượng lớn thanh niên có các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng.
Hiện UNFPA là một tổ chức đi đầu, đóng vai trò là điều phối của nhóm hành động của Liên hợp quốc về thanh niên, điều phối tất cả các hoạt động có liên quan đến thanh niên ở trong các tổ chức của Liên hợp quốc. Do đó, việc tham gia của thanh niên để cho các hoạt động này thành công là nhiệm vụ hết sức trọng yếu.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện được thực hiện, với mục tiêu sẽ không còn ai bị bỏ lại phía sau thì UNFPA rất quan tâm tới sự tham gia toàn diện của thanh niên trong đó tôn trọng sự đa dạng như: thanh niên yếu thế, thanh niên khuyết tật, đồng tính, chuyển giới…, tất cả họ đều phải tham gia vào quá trình phát triển của quốc gia.
Theo bà Naomi Kitahara, UNFPA đã thực hiện được 2 năm của chu kỳ quốc gia số 9, UNFPA chỉ còn 2 năm là năm 2019 - 2021, trong 2 năm còn lại này, UNFPA sẽ có một số thay đổi, nhưng vấn đề dành cho thanh niên, thanh niên phát triển toàn diện vẫn là yếu tố quan trong trong hoạt động của UNFPA. UNFPA hi vọng sẽ được tiếp tục hỗ trợ Bộ Nội vụ trong các hoạt động sắp tới…
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng và quà lưu niệm cho bà Naomi Kitahara
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn và bà Naomi Kitahara chụp ảnh lưu niệm
Anh Cao