BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

18/03/2025 11:19

Sáng ngày 18/3, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo, và các Phó Trưởng ban chủ trì Phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban chỉ đạo, chủ trì Phiên họp.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự Phiên họp tại điểm cầu Hà Nội có các Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Ban chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban Chỉ đạo, cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban.

Ngay sau đó, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và Đề án 06 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06.

Thủ tướng nêu rõ, cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 là những công việc đã được tích cực triển khai trong những năm qua, nhưng cần được nâng tầm, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, để thực hiện được các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước (phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao), yêu cầu đặt ra là phải đột phá hơn, mạnh mẽ hơn, quyết tâm, quyết liệt hơn trong hành động; đề ra chủ trương, đường lối sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của xã hội, nguồn lực trong và ngoài nước, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để phát triển nhanh, bền vững.

Trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh chóng, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều nhưng cũng có nhiều cơ hội thuận lợi, phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. "Chúng ta phải ứng xử rất nhanh với tình hình, cả về đường lối, chủ trương, cả về hành động, tổ chức thực hiện", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Việt Nam xác định mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 và hai con số những năm tiếp theo. Đồng thời, xác định phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn, là giải pháp để phát triển nhanh, bền vững; đây cũng là một động lực tăng trưởng. Thời gian qua, trong những lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chúng ta đã có những tiến bộ, đạt nhiều kết quả nhất định, nhưng so với các nước tiên tiến, so với các nước trong khu vực và so với mong muốn, yêu cầu phát triển thì vẫn còn khoảng cách.

Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Bộ Chính trị đã tổ chức đoàn kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc việc triển khai. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị. Do đó, các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp người dân phải hành động, phải chuyển động thì cả nước mới chuyển động, từ đó biến Nghị quyết thành hiện thực, thành sản phẩm cụ thể, thành của cải vật chất, mang lại hạnh phúc, ấm no cho toàn dân.

Thủ tướng chia sẻ: "Chúng ta đang làm rất nhiều việc trong bối cảnh hiện nay nhưng việc này không thể không làm".

Đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị làm thật tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm liên quan khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06:

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ thể chế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành khẩn trương rà soát các luật liên quan, tổng hợp, đề xuất Quốc hội theo hình thức một luật sửa nhiều luật tại kỳ họp sắp tới, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, với quan điểm thể chế là động lực, nguồn lực, truyền cảm hứng phát triển.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, đầu tư hạ tầng, bố trí ít nhất 3% ngân sách năm 2025 cho khoa học công nghệ, trong đó có nguồn vượt thu 10 nghìn tỷ đồng; xây dựng các đề án, dự án cụ thể để triển khai các đi đôi với phòng chống lãng phí, tham nhũng.

Thứ ba, đa dạng hóa hình thức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình hiện nay.

Song song với đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách hành chính. "Nếu một rừng thủ tục thì không làm được", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các cơ quan khi xây dựng, sửa đổi các luật, nghị định, thông tư cần trả lời, làm rõ những câu hỏi, nội dung cụ thể hóa chủ trương của Đảng; tháo gỡ vướng mắc thể chế; xác định nội dung lược bỏ, kế thừa, hoàn thiện, bổ sung; đảm bảo thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ đã cắt ít nhất 30%; phân cấp, phân quyền; rà soát để bảo đảm thông thoáng, tính khả thi; ...

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ban, ngành, địa phương cần phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm" và làm việc trên tinh thần “03 có và 02 không”, gồm: có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp; không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài nguyên của đất nước. Các cơ quan hành chính phải chuyển trạng thái từ xử lý công việc “cho” người dân, doanh nghiệp sang “phục vụ” người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn sau phiên họp, cả nước sẽ có những chuyển biến mới tích cực, mạnh mẽ về phát triển hoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 với tinh thần "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên", mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân được thụ hưởng thành quả, ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Thủ tướng quán triệt 03 nhiệm vụ trọng tâm liên quan khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06.

08 nhiệm vụ cơ bản tăng cường cải cách hành chính trong năm 2025

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – Trưởng Tiểu Ban Cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo, cho biết, cả nước đã đạt nhiều kết quả toàn diện, nổi bật về cải cách hành chính trong năm 2024 và Quý I/2025 thông qua 03 điểm sáng:

Về cải cách thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đề cao chức năng kiến tạo, hỗ trợ bên cạnh chức năng quản lý của pháp luật và thúc đẩy phân cấp, phân quyền.

Về cải cách tổ chức bộ máy, đây là một cuộc cách mạng trong toàn hệ thống chính trị. Thời gian qua, hệ thống hành chính đã đạt được những kết quả rất tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo.

Đối với các bộ và cơ quan ngang bộ, hiện nay còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ, giảm 05 bộ và 03 cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, tổ chức bên trong của các bộ và cơ quan ngang bộ đã được tinh gọn đáng kể, cụ thể: giảm 13/13 tổng cục và tương đương, đạt tỉ lệ 100%; giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm khoảng 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm khoảng 91,7%).

Đối với các địa phương, 63 tỉnh và thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đạt tỉ lệ 29%, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).

Về chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử, Chính phủ số nhận được sự đặc biệt quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tạo được nền tảng cơ bản để thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, cũng như xã hội số, công dân số và kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại Phiên họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác chỉ đạo – điều hành và tổ chức triển khai cải cách hành chính chưa quyết liệt, chưa cao; cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi; vấn đề phân cấp, phân quyền chưa đáp ứng yêu cầu, phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; một số bộ, ngành, địa phương giải quyết thủ tục hành chính vẫn chậm trễ; dịch vụ công trực tuyến còn tồn tại vấn đề hình thức, chưa hiệu quả; công tác kết nối các cơ sở dữ liệu chưa đạt mục tiêu.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà xác định 08 nhiệm vụ cơ bản cải cách hành chính năm 2025, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ sở, đơn vị để có thể hoàn thiện vượt chỉ tiêu giai đoạn.

Thứ hai, Đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo đảm yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiến tạo, phát triển và tăng trưởng kinh tế; kịp thời, khẩn trương thực hiện phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tập trung tháo gỡ những nút thắt thể chế, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành hai luật sửa đổi, gồm Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), quy định cụ thể và rõ ràng về phân cấp, phân quyền. Từ đó, Chính phủ có nhiệm vụ khẩn trương ban hành các nghị định, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong các luật chuyên ngành liên quan đến phân cấp, phân quyền. Các bộ, ngành cần căn cứ vào kế hoạch của Chính phủ để đẩy mạnh việc ban hành các nghị định thực hiện phân cấp, phân quyền.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tham dự Phiên họp tại điểm cầu Bộ Nội vụ.

Thứ ba, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2026 - 2030. Sau Phiên họp, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thành việc xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 và Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của hành chính công, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, kết quả sẽ được đưa vào hội nghị định kỳ đầu tháng 4 của Chính phủ để công khai thông tin và báo cáo trước nhân dân.

Thứ tư, tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, chất lưỡng. Đây là yêu cầu đáp ứng chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, là một nhiệm vụ hết sức hệ trọng và cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ tất cả các bộ, ngành liên quan để kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp; tăng cường nguyên tắc minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, tổ chức triển khai mở rộng thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại một số địa phương theo kế hoạch, và tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ cũng như kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ sáu, tăng cường thực thi pháp luật, kỷ cương hành chính; tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ bảy, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công.

Thứ tám, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trung Kiên
Tìm kiếm