Cùng dự Phiên họp có thành viên Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo, công chức Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan.
Tham dự Phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện; cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính của Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cả 06 lĩnh vực cải cách: (1) cải cách thể chế, (2) cải cách thủ tục hành chính (TTHC), (3) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, (4) Cải cách chế độ công vụ, (5) Cải cách tài chính công; (6) Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đều được quan tâm, đẩy mạnh, đôn đốc triển khai.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong kết quả chung của cả nước có đóng góp của công tác CCHC với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ giao. Công tác CCHC đã có những chuyển biến mới, tích cực, kết quả đạt được một cách toàn diện; nhiều rào cản, vướng mắc về thể chế, cơ chế đã được quan tâm tháo gỡ; cải cách công vụ có nhiều đột phá; cải cách TTHC có nhiều kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai quyết liệt. Một trong những điểm sáng của năm qua đó là, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, chúng ta đã và đang thực hiện cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy, đang tạo ra “sức nóng” mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.
Tuy nhiên, CCHC là quá trình liên tục, càng làm càng lộ ra những bất cập, rào cản, cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của Nhân dân (ví dụ như người dân, doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra;...). Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, phục vụ sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Vì vậy, Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những kết CCHC nổi bật năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ CCHC trọng tâm năm 2025. Đặc biệt, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC nói chung, trong đó tập trung làm rõ và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn còn ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện; trình các cấp có thẩm quyền ban hành được cơ chế, chính sách thật trúng và đúng về các nội dung này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác CCHC chung của cả nước và của Bộ, ngành, địa phương mình; từ đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh CCHC trên cả 06 lĩnh vực.
Năm 2024, phân công triển khai thực hiện 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy cho biết, năm 2024, với chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, với thành viên là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đồng thời, ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024, phân công triển khai thực hiện 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, gắn với trách nhiệm triển khai của từng thành viên Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành, địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Huy, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 02 Phiên họp trực tuyến với 63 địa phương do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì, qua đó kịp thời đánh giá tình hình, kết quả triển khai công tác CCHC của cả nước, kịp thời chỉ đạo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng cho triển khai CCHC.
Các Bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 1.019/1.049 nhiệm vụ
Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 144 đề xuất, kiến nghị của các Bộ, các tỉnh (trong đó có 47 kiến nghị được tổng hợp qua công tác theo dõi, kiểm tra, báo cáo CCHC của các Bộ, ngành, địa phương và 97 kiến nghị được tiếp nhận trên website caicachhanhchinh.gov.vn), trên cơ sở đó đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 144/144 đề xuất, kiến nghị, đạt tỷ lệ 100%.
Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành tổng số 4.673 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC; trong đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 468 văn bản, các địa phương đã ban hành 4.205 văn bản. Trong năm 2024, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã đề ra 1.049 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 2.917 nhiệm vụ. Đến nay, các Bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 1.019/1.049 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 97,14% so với kế hoạch, cao hơn 2,74% so với cùng kỳ năm 2023; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 2.842/2.917 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 97,43% so với kế hoạch đề ra, thấp hơn 1,22% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền CCHC với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; trong năm 2024, các địa phương đã thực hiện hơn 34.000 phóng sự, tin bài chuyên đề thông tin, tuyên truyền về CCHC; tổ chức hơn 100 hội nghị, tọa đàm và 28 cuộc thi tìm hiểu về CCHC.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, làm việc về CCHC tại một số địa phương, gồm: Hải Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Hòa Bình, Tiền Giang,… Các Bộ, ngành đã tiến hành kiểm tra tại 166 cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 37/139 vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 26,62%. Các địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 761 cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 1.958/2.056 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 95,23%.
Các Bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định kinh doanh
Về cải cách thể chế, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để xây dựng, phát triển đất nước, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình; Quốc hội, Chính phủ xác định điểm nghẽn thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” cần khai thông. Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 29 luật, tăng 13 Luật so với năm 2023; các Bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 182 nghị định, tăng 90 nghị định so với năm 2023 và ban hành theo thẩm quyền 496 thông tư, tương đương số thông tư ban hành trong năm 2023; HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành 4.462 văn bản quy phạm pháp luật, tăng 1.035 văn bản quy phạm pháp luật so với năm 2023; HĐND và UBND cấp huyện đã ban hành 1.547 văn bản quy phạm pháp luật, giảm 551 văn bản quy phạm pháp luật so với năm 2023, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế của nền hành chính, kịp thời thích ứng, điều chỉnh hiệu quả các mối quan hệ kinh tế - xã hội.
Về cải cách thủ tục hành chính, trong năm, có 05 Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 125 quy định kinh doanh tại 47 văn bản quy phạm pháp luật; 13 Bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh tại 36 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được các Bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020 - 2025.
Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, đến nay, đối với các Bộ, ngành, trong năm đã công bố bổ sung 664 TTHC nội bộ (gồm: 268 TTHC nhóm A và 396 TTHC nhóm B), nâng tổng số TTHC nội bộ được công bố là 1.968 TTHC; Bộ Nội vụ đã rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong nhiều lĩnh vực; có 03 Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ, trong đó, một số TTHC trên các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đã được thực thi.
Về phân cấp trong giải quyết TTHC, trong năm, có 14 Bộ, cơ quan thực thi phương án phân cấp 191 TTHC tại 33 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 350/699 TTHC tại 71 văn bản quy phạm pháp luật (đạt 49%).
Trong năm, có 13 Bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 313 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại 35 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số TTHC được thực thi phương án đến nay là 898 TTHC, đạt 83%; trong đó, có 08 Bộ, cơ quan hoàn thành 100%, 09 Bộ, cơ quan đạt trên 50%, 02 Bộ đạt dưới 50%. Còn 186 TTHC cần tiếp tục đơn giản hóa tại 01 Luật, 13 Nghị định, 23 Thông tư, Thông tư liên tịch.
Thực hiện nhiệm vụ được giao về việc triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại 05 địa phương, đến nay đã có 04/05 địa phương thông qua Nghị quyết về việc triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp.
Sau sắp xếp giảm 09 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 Sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, Bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Bộ Nội vụ đã chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 51/51 Đề án của các địa phương thuộc diện sắp xếp. Kết quả thực hiện đến nay đã thành lập mới Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 ĐVHC cấp huyện và 1.178 ĐVHC cấp xã, sau sắp xếp giảm 09 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; đồng thời, thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 có 45% ĐVHC đô thị theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Triển khai thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công trong năm 2024
Về cải cách chế độ công vụ, trong năm 2024, Bộ Nội vụ đã tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành 06 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 05 thông tư và 04 văn bản hợp nhất. Qua đó, góp phần đổi mới công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng đáp ứng yêu cầu của nền hành chính quốc gia trong tình hình mới.
Thứ trưởng Cao Huy cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu triển khai thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công trong năm 2024, trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay); bổ sung quy định Quỹ tiền thưởng hằng năm bằng 10% tổng quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Về cải cách tài chính công, Quốc hội đã thông qua 03 luật, 01 Nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 23 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 quyết định và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 82 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó, thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, toàn diện, nâng cao tính công khai, minh bạch và nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước tính đến 31/12/2024 đạt 70,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong năm 2024, Quốc hội đã ban hành 02 Luật, Chính phủ ban hành 06 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định và 01 Chỉ thị. Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/12/2024 số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 12,2 triệu văn bản, tăng hơn 4 triệu văn bản so với năm 2023 (năm 2023 có hơn 8,2 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục); lũy kế đến nay đã có hơn 46,5 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tăng hơn 18,3 triệu văn bản so với năm 2023.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của Bộ, ngành đạt 59,57% (tăng gần 2 lần so với năm 2023); địa phương đạt 56% (tăng 1,92 lần so với năm 2023). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các Bộ, ngành đạt 61,40% và các địa phương đạt 67,46%.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về CCHC để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đây là Nghị quyết rất quan trọng với tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính đột phá. Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các động lực cho phát triển. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của cải cách trên cơ sở bám sát các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tập trung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, quyết liệt rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước gắn liền với công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương, phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Sau cuộc họp hôm nay, tôi đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2025".