BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Một số điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

24/02/2020 12:42

Bộ Nội vụ cho biết tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 25/11/2019 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật số 52/2019/QH14), trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn có liên quan đến nội dung quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Đồng thời, để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (01/7/2020), như sau:

Vòng 1 kỳ thi tuyển công chức Bộ Nội vụ (Ảnh: )

Về tuyển dụng công chức, nội dung được tích hợp, có sửa đổi, bổ sung và thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 93/2010/NĐ-CP; những nội dung liên quan đến tuyển dụng công chức tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Nghị định này về tuyển dụng công chức; đồng thời, hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 39 Luật số 52/2019/QH14.

Nội dung Chương này gồm 25 Điều (từ Điều 3 đến Điều 27) quy định về căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng công chức; thi tuyển công chức; xét tuyển công chức; trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức; tập sự; tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển hoặc xét tuyển; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã từ cấp huyện trở lên. So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì tại nội dung dự thảo Nghị định có bổ sung nội dung:

Thứ nhất, trong kế hoạch tuyển dụng, xác định số lượng vị trí việc làm cần tuyển theo từng ngạch công chức trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao (số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ dùng chung; số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ); số lượng vị trí việc làm thực hiện việc thi tuyển riêng đối với người dân tộc thiểu số; số lượng vị trí việc làm thực hiện việc xét tuyển (nếu có) đối với 03 nhóm đối tượng (người dân tộc thiểu số; người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc; người cam kết làm việc 5 năm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo).

Mục tiêu của quy định tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bố trí công tác đối với người đạt kết quả thi nhưng không trúng tuyển do hết chỉ tiêu tại cơ quan sử dụng nhưng cơ quan sử dụng khác có chỉ tiêu nhưng không có người trúng tuyển; đồng thời, xác định rõ vị trí việc làm thực hiện xét tuyển riêng đối với từng nhóm đối tượng, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Luật số 52/2019/QH14. Đồng thời, quy định này để thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số (thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Khoản 3 Điều 1 quy định nghiên cứu chính sách ưu tiên trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số).

Thứ hai, rà soát để quy định việc giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3.

Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg, mà chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển. Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học. Đồng thời, tại Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục hạn chế và rà soát, hoàn thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm (Khoản 3 Điều 1).

Do vậy, việc quy định người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhằm mục tiêu giảm thiểu các quy định về hành chính, bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai Đề án ngoại ngữ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008.

Thứ ba, về nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2) tại kỳ thi tuyển công chức. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức thực hiện theo hình thức thi viết hoặc thi phỏng vấn. Tuy nhiên, để có thể kiểm tra được toàn diện hơn nữa năng lực, trình độ, kỹ năng của người tham gia dự tuyển công chức, qua một số cuộc thảo luận, trao đổi đã có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức kết hợp cả hai hình thức là thi viết và thi phỏng vấn.

Như vậy, hình thức thi vòng 2 kỳ thi tuyển sẽ có sự thay đổi (thi viết hoặc thi phỏng vấn hoặc kết hợp cả hai hình thức thi viết và thi phỏng vấn). Bộ Nội vụ nhận thấy kiến nghị này là phù hợp và bổ sung hình thức này vào nội dung dự thảo (Điểm b Khoản 2 Điều 8). Tuy nhiên, để quy định được thực hiện thống nhất, không gây khó khăn cho Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ đề xuất trường hợp thi vòng 2 bằng hình thức kết hợp cả thi viết và thi phỏng vấn thì thang điểm chấm thi của thi viết và thi phỏng vấn là 50 điểm (tổng của hai hình thức này là 100 điểm), đồng nhất với thang điểm khi chỉ tổ chức theo một hình thức là thi viết hoặc thi phỏng vấn. Thời gian thi viết là 180 phút và thời gian thi phỏng vấn là 30 phút.

Thứ tư, để tăng cường hơn nữa tính minh bạch của kỳ tuyển dụng, nâng ngạch, tránh tình trạng có người nhà, người thân tham gia làm thành viên Hội đồng, thành viên các bộ phận giúp việc, dự thảo Nghị định bổ sung quy định không bố trí làm thành viên Hội đồng, thành viên bộ phận giúp việc của Hội đồng tuyển dụng, nâng ngạch đối với những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ hoặc con nuôi của người dự thi hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức khi thi tuyển, đây là nội dung mới để thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Luật số 52/2019/QH14. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức cũng cần được nghiên cứu để quy định phù hợp để thực hiện theo lộ trình. Do vậy, dự thảo Nghị định giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án, báo cáo Chính phủ quyết định.

Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đây là nội dung mới hướng dẫn thực hiện Điều 6 Luật số 52/2019/QH14, Chương này gồm 02 Điều (Điều 28 và Điều 29) quy định trách nhiệm rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ; khung chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; khung chính sách sử dụng; khung chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm; khung chính sách về lương, thưởng và chế độ phúc lợi; khung chính sách tôn vinh. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định khung tại Nghị định này để cụ thể các chính sách phù hợp với thực tiễn của cơ quan, tổ chức, địa phương mình.

Về sử dụng công chức, được tích hợp các nôi dung của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 93/2010/NĐ-CP; những nội dung liên quan đến công chức tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Nghị định này về sử dụng công chức); thay thế Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg và hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 44, Điều 45 và Điều 46 Luật số 52/2019/QH14.

Chương này gồm 46 Điều (từ Điều 34 đến Điều 79) quy định về bố trí, phân công công tác và chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; điều động, biệt phái công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý; từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý.

So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định có một số nội dung mới sau:

Thứ nhất, giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và cung cấp phần mềm thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án cho các kỳ thi nâng ngạch công chức. Theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì khi tổ chức thi nâng ngạch công chức, Hội đồng thi thành lập Ban đề thi. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều đơn vị khi tổ chức thi đã hợp đồng với đơn vị công lập có điều kiện để ra đề thi; đồng thời, chất lượng đề thi của mỗi Bộ, ngành, địa phương khi thực hiện có khác nhau dẫn đến việc đánh giá chất lượng chung của đội ngũ công chức gặp khó khăn. Đã có đơn vị đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm, ngân hàng câu hỏi, đề thi để cung cấp thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng đội ngũ. Bộ Nội vụ báo cáo, đề xuất Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và cung cấp phần mềm thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án cho các kỳ thi nâng ngạch công chức (Khoản 4 Điều 33 dự thảo Nghị định).

Thứ hai, quy định về xét nâng ngạch công chức trước, sau đó tổ chức thi nâng ngạch. Thực hiện quy định của Luật số 52/2019/QH15 thì nâng ngạch thực hiện đối với công chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ hoặc công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo. Do vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung nội dung quy định thực hiện rà soát để xét nâng ngạch trước, sau đó mới tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện.

Thứ ba, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi cũng được nghiên cứu để thay đổi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Nội dung này được nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội (tương tự như đối với tuyển dụng công chức).

Thứ tư, rà soát quy định về công tác cán bộ các nội dung liên quan đến quy định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ.

Về quản lý công chức, Chương này gồm 06 Điều (từ Điều 74 đến Điều 79) quy định về nội dung quản lý công chức; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan sử dụng công chức; chế độ báo cáo về công tác quản lý công chức. Nội dung của Chương này được tích hợp và giữ như quy định của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Về điều khoản thi hành, Chương này gồm 04 Điều (từ điều 80 đến điều 83), trong đó có nội dung quy định áp dụng Nghị định đối với các đối tượng khác (tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).

 

Anh Cao

Tìm kiếm