Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi lễ.
Dự Lễ Bàn giao có Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ Vũ Thị Minh Hương; Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Nghiêm; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Đại diện một số Bộ, Ban, ngành ở Trung ương; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
.jpg) |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn bàn giao Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng |
 |
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao ý nghĩa và giá trị pháp lý của Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 |
 |
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giới thiệu về giá trị và quá trình sưu tầm bộ tài liệu |
Tại Lễ Bàn giao, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người trực tiếp tham gia thẩm định và đưa Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 về Việt Nam đã giới thiệu về giá trị và quá trình sưu tầm bộ tài liệu này.
Bộ Atlas thế giới 1827 do nhà Địa lý học kiệt xuất Philippe Vandermaelen (1795-1869), thành viên Hội Địa lý Paris xuất bản gồm 6 tập Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Úc với 7 bản đồ chung của các châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản của các quốc gia. Việt Nam hay Đế chế An Nam khi đó được giới thiệu thông qua 4 tấm bản đồ: Tờ số 97, 110, 105 và 106.
Đặc biệt Tờ số 106 mang tên Partie de la Cochinchine là bản đồ khu vực Trung Kỳ duyên hải, biển và hải đảo của Việt Nam thời đó, được vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, thể hiện đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12o (khu vực tỉnh Khánh Hòa hiện nay) đến vĩ tuyến 16o (khu vực tỉnh Quảng Nam hiện nay). Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác từ khoảng vĩ độ 16o đến 17o và kinh độ từ 109o đến 111o. Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam, bao gồm các nội dung về tự nhiên, chính trị, thống kê và khoảng sản. Có thể thấy, Partie de la Cochinchine là bản đồ thực sự khách quan, khoa học, có tính chuẩn xác cao, lại được chính thức xuất bản sớm (từ đầu thế kỷ 19) không chỉ khẳng định một cách mạnh mẽ, tuyệt đối chính xác chủ quyền của Việt Nam ở PARACELS (Hoàng Sa), mà còn có đủ cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện của một số học giả Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, Tờ số 98 mang tên Partie de la Chine là bản đồ thể hiện khoảng vĩ độ 18o- 21o và kinh độ 106o - 114o vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc đã khẳng định một cách hết sức rõ ràng biên giới cực nam của Trung Quốc là vị trí cực nam của đảo Hải Nam, nằm ở phía trên vĩ độ 18o.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, có thể nói Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 nói chung, Partie de la Cochinchine và Partie de la Chine nói riêng xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá, một bằng chứng hùng hồn, đích thực, có giá trị pháp lý quốc tế cao, khẳng định một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, tạo một dấu ấn sâu sắc, củng cố ý chí, niềm tin ở sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
 |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ Bàn giao và tiếp nhận |
Phát biểu tại Lễ Bàn giao, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong việc sưu tầm và đưa về Việt Nam Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cẩn trọng đánh giá tính khoa học và giá trị pháp lý của Bộ tài liệu thông qua nhiều cuộc họp, qua đó khẳng định, Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 có giá trị khoa học và có tính pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau khi được đưa về nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đưa Bộ tài liệu và khai thác, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam thông qua chuỗi Triển lãm trưng bày bản đồ và tư liệu lịch sử “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bộ tài liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông bàn giao sang Bộ Nội vụ để có điều kiện được lưu giữ và bảo quản tốt nhất, phục vụ các nhà khoa học, các cơ quan trong công tác nghiên cứu, đấu tranh trên mặt trận thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
.jpg) |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Lễ Bàn giao và tiếp nhận |
Phát biểu tại Lễ Ban giao, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Bộ Thông tin và Truyền thông, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phối hợp trong việc sưu tầm và chuyển giao bộ bản đồ quý vào Lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng Khẳng định, Bộ Atlas là một bằng chứng quan trọng, góp phần bổ sung thêm một nguồn sử liệu quý giá vào hệ thống các tài liệu, tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tập bản đồ là tài liệu có giá trị lịch sử, là minh chứng về chủ quyền đất nước, biển đảo để hôm nay chúng ta có thêm đầy đủ luận cứ và cơ sở pháp lý góp phần cho công cuộc đấu tranh làm sáng tỏ chân lý lịch sử về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thứ trưởng yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I bảo quản, tổ chức sử dụng tài liệu này theo chế độ đặc biệt, tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 |
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương phát biểu tại Lễ Bàn giao và tiếp nhận |
Tại Lễ Bàn giao, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương thể hiện sự vui mừng được tiếp nhận Bộ Atlas Bản đồ thế giới đồng thời khẳng định, Bộ Atlas đã bổ sung thêm một nguồn sử liệu vô giá vào khối tài liệu đang được lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Bộ Atlas Bản đồ thế giới sẽ được bảo quản theo tiêu chuẩn nhằm kéo dài tuổi thọ và sẵn sàng đáp ứng việc sử dụng, đối chiếu khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền. Bà Vũ Thị Minh Hương thể hiện hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc bàn giao, trao tặng các tài liệu, tư liệu có giá trị, góp phần đấu tranh, truyên truyền ở trong nước và quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Một số hình ảnh tại Lễ Bàn giao và tiếp nhận Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827:
 |
Hình ảnh được chụp từ Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 |
 |
Hình ảnh được chụp từ Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 |
 |
Hình ảnh được chụp từ Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 |
 |
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương tặng bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cho Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn |
 |
Quang cảnh Lễ bàn giao và tiếp nhận |