Tham gia Đoàn công tác có Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, Ban Dân vận Trung ương và Văn phòng Chính phủ.
Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Thái Bình có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ngô Đông Hải; Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Đàm Văn Vượng; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng báo cáo tại buổi kiểm tra
Báo cáo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng cho biết, Thái Bình xác định công tác dân vận của chính quyền là một nội dung quan trọng và không thể thiếu trong công tác dân vận của hệ thống chính trị. Các cấp uỷ đảng trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền, nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cấp chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ đối với các cơ quan và công chức nhà nước; tổ chức thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền với nhân dân; tăng cường công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân vận và công tác dân vận chính quyền. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tinh giản biên chế theo kế hoạch; triển khai thực hiện Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung cấp một số dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2018 - 2020. Chính quyền các cấp duy trì thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương, đơn vị, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, theo đúng thẩm quyền. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ.
UBND tỉnh chỉ đạo, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tăng trưởng phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng tốt, GRDP đạt mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Các ngành, lĩnh vực đều đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là khu vực công nghiệp.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; các sở, ban, ngành, các địa phương đã tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo mỗi cán bộ, công chức, viên chức biết làm “dân vận khéo” trên lĩnh vực công tác của mình.
Công tác đối thoại của cấp uỷ, chính quyền với nhân dân được coi trọng; công tác tiếp dân tiếp tục được đổi mới và duy trì nền nếp. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và các cơ quan, đơn vị duy trì thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…
Những kết quả đạt được trong "Năm dân vận chính quyền” đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn dự kiến đạt trên 50.295 tỷ đồng, tăng 10,58% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 132.054 tỷ đồng, tăng 12,26% so với năm 2017. Đây là năm thứ ba liên tiếp kinh tế của Thái Bình tăng trưởng hai con số. Đến hết tháng 10/2018, toàn tỉnh có 200/267 xã về đích nông thôn mới, đạt 74,91%.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các nhiệm vụ được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt công tác, góp phần làm cho kinh tế của tỉnh phát triển, ổn định chính trị, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.
Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại buổi kiểm tra
Tuy nhiên, báo cáo cần bổ sung thêm các số liệu về các cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp với người dân, doanh nghiệp. Bổ sung số liệu về phong trào “Dân vận khéo” và phương hướng các năm tiếp theo.
Đề nghị tỉnh báo cáo làm rõ việc phân công phụ trách công tác dân vận của UBND các cấp và bộ phận nào đã giúp các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nhiệm vụ này, vì mỗi tỉnh có sự phân công thực hiện khác nhau. Tỉnh cũng cần báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác dân vận trong thời gian qua.
Đối với những điểm sáng, mô hình đã thực hiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã có nhiều kết quả đáng biểu dương, đề nghị tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm hay để có thể nhân rộng ra các địa phương khác.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ Hà Thị Dung phát biểu tại buổi kiểm tra
Bên cạnh đó, báo cáo cần làm rõ vai trò của công nghệ thông tin trong việc xử lý điều hành công việc của các cấp lãnh đạo; chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh trong việc triển khai hệ thống thông tin điện tử và các phần mềm áp dụng vào triển khai thực hiện tại bộ phận một cửa.
Các thành viên Đoàn công tác cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện giáo dục phổ biến pháp luật cho nhân dân; đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật. Khi xây dựng văn bản phải đảm bảo tính dân chủ trong xây dựng và triển khai thực hiện; đồng thời, thực hiện đúng quy trình, lưu ý về thẩm quyền, tránh tình trạng văn bản chứa quy phạm nhưng ban hành dưới hình thức văn bản thông thường…
Báo cáo làm rõ những vấn đề Đoàn công tác đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng cho biết, về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới 20 tỷ đồng; sử dụng nước sạch hỗ trợ những hộ nghèo 500.000 đồng/ hộ. Những dịch bệnh gây hại đến nông nghiệp, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Về phân công phụ trách công tác dân vận, UBND tỉnh đã phân công một Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp, giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực.
Việc phổ biến giáo dục pháp luật đã thực hiện thông qua nhiều kênh như các lớp tập huấn cán bộ cơ sở, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, cuộc họp… giúp cán bộ, công chức và người dân nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm bức xúc trong Nhân dân và hạn chế thấp nhất việc khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo.
Về cải cách hành chính, tỉnh đã cố gắng thực hiện và triển khai cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí và giảm thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2019, tỉnh sẽ ban hành kế hoạch đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung để nâng cao chỉ số Par index, PCI và SIPAS của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng chia sẻ, khó khăn nhất trong công tác dân vận là việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra được lồng vào các nhiệm vụ khác nên việc đánh giá cụ thể từng nhiệm vụ khó khăn. Về công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn nhất là giá đền bù thấp, nếu nâng giá lên để đáp ứng nguyện vọng người dân thì tỉnh chưa đủ khả năng.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi kiểm tra
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt giúp cho nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức 2 con số trong 3 năm gần đây và là một trong những tỉnh có chỉ số tăng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Mặc dù là tỉnh nông nghiệp còn khó khăn nhưng công tác xây dựng nông thôn mới của Thái Bình đã có bước khởi sắc, và đã có gần 80% số xã về đích.
Chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên cho biết, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương bằng các hình thức như: thông qua các buổi sinh hoạt Đảng, đoàn thể tại các khu dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng; cử đại diện cấp ủy, chính quyền đến sinh hoạt định kỳ với đảng viên cơ sở; tuyên truyền trực quan bằng các bảng biểu, các màn hình lớn đặt tại các trung tâm, biên soạn các loại sổ tay hỏi đáp, bản tin nội bộ của các cơ quan, đơn vị … thiết lập các kênh thông tin nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bằng hình thức tiếp xúc cử tri, tiếp dân định kỳ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, đối thoại với các nhóm đặc thù, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng (có quy chế tiếp nhận và xử lý) gửi đến các cơ quan nhà nước xử lý theo thẩm quyền, …
Bên cạnh đó, công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, nhất là trong vấn đề quy hoạch, dân chủ trong hội họp. Những vấn đề khó khăn, nhạy cảm được lấy ý kiến bằng phiếu kín; các chính sách được ban hành đều được lấy ý kiến của đối tượng thụ hưởng.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các trung tâm hành chính công, công khai các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, của huyện, các sở, ngành và niêm yết tại nơi giải quyết; nâng cao trách nhiệm công vụ, kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất, điều chuyển ngay những công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc cũng như gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục.
Coi trọng việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, coi trọng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, chú trọng giám sau sau thanh tra, kiểm tra; phối hợp tốt công tác giữa các cấp, các ngành với nhau và với cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình cũng tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác, những vấn đề còn thiếu hoặc chưa giải đáp, tỉnh sẽ tổng hợp và báo cáo bằng văn bản gửi Đoàn công tác.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi kiểm tra
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh trong những năm gần đây trên tất cả các mặt công tác.
Để làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị tỉnh Thái Bình tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; các văn bản của Trung ương về thực hiện công tác dân vận chính quyền. Tăng cường đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện.
Đề nghị tỉnh làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đây là khâu yếu của các địa phương nói chung, giúp cho cán bộ phải thuộc bài, dân phải nắm chắc. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số Par index, PCI, SIPAS.
Đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền cho địa phương. Tăng cường sự vận động quần chúng, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác dân vận, dân vận chính quyền. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận. Triển khai mạnh hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống tham nhũng trong hệ thống chính quyền các cấp; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để giải quyết kịp thời.
Quang cảnh buổi kiểm tra
Về một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến hướng dẫn thực hiện các văn bản của Ban cán sự Đảng Chính phủ về công tác dân vận khối chính quyền, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi Ban Bí thư ban hành Kết luận số 114 (năm 2015) về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 (năm 2016) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới chính là những văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương ban hành Quy định về tiêu chí, thang điểm, phương pháp đánh giá công tác dân vận chính quyền; đồng thời, xem xét có thể bổ sung vào một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại Chỉ số cải cách hành chính hằng năm.
Về đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, nội dung này Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24 và 37. Hiện nay, đang báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị về một số nội dung liên quan như: Số lượng cấp phó và tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị về triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về đề nghị tổ chức các lớp bồi dưỡng, học tập trao đổi kinh nghiệm, Bộ trưởng ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, lựa chọn địa phương điển hình để tổ chức học tập, nghiên cứu kinh nghiệm./.
Thanh Tuấn