BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khai mạc Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới - EROPA 2014

20/10/2014 18:32

Chiều ngày 20/10/2014, Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra Lễ Khai mạc Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) 2014 (Lễ Khai mạc).

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tham dự Lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Thứ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo Hội nghị EROPA 2014; Chủ tịch Ban Hội đồng điều hành EROPA, ông Kazuo Miwa; Tổng Thư ký EROPA, Tiến sĩ Orlando S. Mercado; Trưởng đoàn các nước thành viên cấp quốc gia EROPA: Hàn Quốc, Nêpan, Nhật Bản, Phi-lip-pin, Trung Quốc; đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; các báo cáo viên quốc tế, thành viên từ các quốc gia; các đoàn khách ngoại giao; các nhà khoa học và đại biểu của Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và các thành viên Chủ trì Lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng ngài Chủ tịch Kazuo Miwa; Ngài Tổng thư ký EROPA Orlando S. Mercado, các vị đại biểu, các nhà khoa học và diễn giả quốc tế đã tham dự Hội nghị EROPA lần này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với EROPA và các đối tác chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh Lã Anh).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội nghị EROPA là Diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thiết thực để đông đảo các học giả, các nhà khoa học uy tín đến từ nhiều quốc gia cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính, công vụ, công chức, quản trị công và đề xuất những định hướng, giải pháp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững khu vực và từng quốc gia. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, Việt Nam luôn chủ động tham gia, đóng góp vào hoạt động của EROPA trong thời gian qua. Để xây dựng một nền hành chính và quản trị công có hiệu quả, vì dân phục vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chủ đề của Hội nghị “Hành chính công và Quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu” là rất thiết thực và phù hợp. Trong không khí trao đổi khoa học, cởi mở, Thủ tướng chia sẻ một số nội dung, định hướng quan trọng:

- Một là, cải cách công vụ, công chức; trong đó con người luôn được xem là khâu cốt yếu nhất, khâu quan trọng nhất, quyết định hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước.

- Hai là, xây dựng thể chế, chính sách; trong đó nền hành chính và quản trị công chỉ có hiệu quả khi có một hệ thống thể chế đầy đủ và hoàn thiện.

Ba là, cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phát trong cải cách nền hành chính nhà nước. Một nền hành chính hiện đại, hiệu quả khi các thủ tục hành chính đơn giản, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

- Bốn là, cải cách tài chính công; trong đó bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình về tài chính công là những yêu cầu không thể thiếu trong nền hành chính công hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nhìn lại gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam, từ một nước nghèo, kém phát triển, chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhật trung bình và chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mỗi bước phát triển của đất nước Việt Nam đều gắn với những nỗ lực của tiến trình cải cách thể chế, cải cách hành chính. Việt Nam đã chủ động từng bước mở cửa, hội nhập quốc tế và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO,… Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các quốc gia, đối tác hàng đầu thế giới, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho đất nước trong thời gian tới. Cùng với quyết tâm đổi mới của chính mình, các cam kết trong hội nhập quốc tế cũng là nguồn động lực cho quá trình đổi mới thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020, cải cách thể chế được coi là một đột phá chiến lược. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Hướng tới xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thân thiện với môi trường. Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng một nền hành chính nhà nước hiện đại, trong sạch, vững mạnh, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trọng tâm tập trung vào cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, công chức – công vụ, thủ tục hành chính, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải làm tốt chức năng phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển, trong đó việc nâng cao chất lượng của hệ thống hành chính, quản trị công là yếu tố then chốt. Tập trung cải cách sâu rộng cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ, công chức với mục tiêu xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”. Chú trọng phát triển đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ quản trị quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản trị công, của hệ thống hành chính nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng, với uy tín và tầm hoạt động rộng của mình, EROPA luôn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối để các quốc gia thành viên cũng như Việt Nam trao đổi, chia sẻ và tiếp cận kịp thời những thông tin tin cậy, thiết thực phục vụ tiến trình cải cách hành chính, công vụ, công chức; có thêm kinh nghiệm và tranh thủ được những cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và thế giới ở nhiều cấp độ, chuyển hóa thành các động lực mới cho sự phát triển. Hội nghị sẽ góp phần thiết thực thắt chặt hơn nữa các hoạt động hợp tác, liên kết trong cải cách hành chính, quản trị công giữa các nước trong khu vực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thái Bình cảm ơn sự tín nhiệm và giúp đỡ nhiệt tình của Ban Thư ký cùng các thành viên tổ chức EROPA, đặc biệt là sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành cho công tác tổ chức và các hoạt động của EROPA.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu  chào mừng Hội nghị (Ảnh Lã Anh).

EROPA kể từ khi thành lập năm 1960, với các mục tiêu: (1) Thúc đẩy các thực tiễn và ứng xử tốt trong hành chính công và quản lý công trong các quốc gia của khu vực, nhằm cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho chính phủ và công dân. (2) Nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. (3) Phát triển và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học về hành chính công, quản trị công. (4) Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân quan tâm đến hành chính công. (5) Phát triển năng lực, kỹ năng lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là lãnh đạo, quản lý cao cấp, trung cấp. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hình thành nhiều cấu trúc, có sự đan xen, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, đặc biệt trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; cùng với những nỗ lực hội nhập, trong xây dựng các mô hình quản lý tiên tiến, thiết lập sự cân bằng giữa cơ chế thị trường với an sinh và phúc lợi xã hội. Trong một môi trường khu vực năng động như vậy, các thành viên EROPA quyết tâm cùng hành động, hành động thiết thực để phát triển hành chính công và quản trị công trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm chủ động thích ứng với các động thái và sắc thái riêng của quá trình hội nhập khu vực.

Vì lý do đó, Hội nghị EROPA 2014 đã chọn chủ đề “Hành chính công và quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu”. Chủ đề Hội nghị đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang hướng đến mục tiêu quan trọng xây dựng một Cộng đồng chung đoàn kết, năng động và thịnh vượng trên cơ sở một niềm tin chiến lược.

Trong khuôn khổ Hội nghị EROPA 2014, các phiên tham luận chuyên đề với các tiểu chủ đề khác nhau được tập trung 4 vấn đề cơ bản đã được các thành viên EROPA thống nhất lựa chọn, đưa vào chương trình nghị sự: Một là, Các vấn đề chuyên môn và thách thức của nền hành chính công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu. Hai là, Các phương thức quản trị trong bối cảnh các xã hội được kết nối. Ba là, Cải cách khu vực công và đổi mới trong các xã hội hội nhập. Bốn là, Tương lai của hành chính và quản trị công trong một thiết chế khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tin tưởng rằng, Hội nghị EROPA 2014 sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ 19-24/10/2014, với chủ đề “Hành chính công và quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu” cùng các tiểu chủ đề xác định cho hoạt động của Hội nghị lần này sẽ thêm một lần nữa chứng tỏ sự năng động, tính thực tiễn, tinh thần hợp tác chặt chẽ, sự thống nhất ý chí của các tổ chức và cá nhân thành viên của EROPA; đó sẽ là cơ sở vững chắc cho những hành động chung, thiết thực của EROPA, hướng tới thực hiện các mục tiêu quan trọng để xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả vì một thế giới bền vững, hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị (Ảnh Lã Anh)

 

Toàn cảnh Lễ Khai mạc

 

Tin, ảnh: Anh Cao, Lã Anh
Tìm kiếm