BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Họp Tổ biên tập Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương

04/04/2014 16:58

Sáng ngày 04/04/2014, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ đã tổ chức cuộc họp Tổ biên tập Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (Cuộc họp).

Ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì cuộc họp.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập phát biểu tại Cuộc họp

Dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; Đại diện một số đơn vị có liên quan đến công tác xây dựng Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe trình bày Báo cáo về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cơ bản của Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và bản Dự kiến phân công công tác trong Tổ biên tập.

Theo Báo cáo, mục tiêu xây dựng Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương nhằm: Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sự thống nhất, thông suốt của Bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; Tăng cường hoạt động tự quản của chính quyền cấp cơ sở và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở; Đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, xác định rõ vai trò, vị trí, tính chất của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; Làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền và giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị thông qua thực hiện quyền lực Nhà nước ở địa phương; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trách nhiệm của các cơ quan của chính quyền địa phương trước nhân dân và trước cơ quan nhà nước cấp trên trong thực thi công vụ.

Báo cáo cũng nêu rõ các yêu cầu mà Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương phải đạt được: Bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, theo đó Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương phải phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ với các Luật quy định về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Dự án Luật cần được quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, hạn chế việc giao Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành; Bảo đảm việc xây dựng Dự án Luật phù hợp với các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương của nước ta trong các giai đoạn trước đây và của các nước trên thế giới, bảo đảm phù hợp với đặc điểm hiện nay của nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế, bảo đảm sự tham gia đóng góp của nhân dân, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Thảo luận tại Cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xây dựng cho Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Các ý kiến của đại biểu chủ yếu nhất trí với nội dung Báo cáo mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cơ bản của Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và bản phân công nhiệm vụ công tác đối với các thành viên trong Tổ biên tập.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Đức cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu và yêu cầu thư ký Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh Báo cáo. Ông Nguyễn Hữu Đức cũng đề nghị thành viên Tổ biên tập tích cực, chủ động thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng các công tác đã được phân công trong bản phân công công việc để Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được triển khai đúng tiến độ và đạt được hiệu quả cao nhất.

Quang cảnh Cuộc họp

 

Tin, ảnh: Trần Hải
Tìm kiếm