Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Trưởng ban Ban soạn thảo phát biểu tại cuộc họp
Dự cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và lãnh đạo, viên chức Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP đã được thực hiện tương đối tốt ở các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, qua quá trình thực tế triển khai áp dụng đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP như: 1. Sự phát triển của khoa học công nghệ và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều hành và giải quyết công việc đòi hỏi cần phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định 110/2004/NĐ-CP; hiện tại, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP chỉ quy định những nội dung về công tác văn thư giấy, chưa quy định về văn thư điện tử. Mặt khác, sau khi Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ban hành, Chính phủ đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. 2. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trong đó đã có một số quy định mới về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Từ đó đã dẫn đến một số nội dung về thể thức và kỹ trình bày văn bản quy phạm pháp luật (như căn cứ pháp lý, đánh số trang,….) chưa thống nhất với văn bản hành chính (được quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/11/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính). Việc thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính là cần thiết để tạo thuận lợi cho công chức, viên chức trong quá trình soạn thảo văn bản. 3. Vấn đề chuyển đổi từ văn bản điện tử sang văn giấy và giá trị pháp lý của văn bản chuyển đổi. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong thời gian qua và nhiều cơ quan, tổ chức lúng túng vì chưa có quy định cụ thể đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản chuyển đổi, hay làm thế nào để văn bản chuyển đổi có giá trị pháp lý như bản chính văn bản giấy.
Như vậy, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ trong đó bổ sung các nội dung về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản điện tử; quản lý văn bản đi, văn bản đến điện tử; tạo lập hồ sơ điện tử quản lý thiết bị lưu khóa bí mật, chứng thư số là rất cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tích cực đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo Nghị định, tập trung vào các vấn đề chính như: căn cứ xây dựng, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc yêu cầu quản lý công tác văn thư; bố cục và kết cấu của Nghị định; thi đua, khen thưởng; các phụ lục kèm theo Nghị định…
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng, Phó Trưởng ban kiêm Tổ trưởng Tổ biên tập công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng đã công bố Quyết định số 68/QĐ-BNV ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định về công tác văn thư; dự kiến Kế hoạch xây dựng Nghị định về công tác văn thư và dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ địa phương Vũ Thị Thanh Thủy, Thư ký Ban soạn thảo, Tổ biên tập trình bày tóm tắt dự thảo Nghị định về công tác văn thư. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP; đồng thời, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với những quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và Luật Lưu trữ năm 2011 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về công tác văn thư với 7 chương và 52 điều để lấy ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập ngày hôm nay.
Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ địa phương, Thư ký Ban soạn thảo,
Tổ biên tập Vũ Thị Thanh Thủy trình bày tóm tắt dự thảo Nghị định về công tác văn thư tại cuộc họp
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị định được Ban Soạn thảo, Tổ biên tập chuẩn bị; đồng thời, tích cực góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định về công tác văn thư.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ Trần Văn Khiêm, thì dự thảo Nghị định cần nghiên cứu bổ sung căn cứ xây dựng dự thảo và trường hợp cần thiết cần xây Hồ sơ trình Chính phủ ra Nghị quyết về việc sửa đổi Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; cơ cấu nội dung của dự thảo Nghị định; giải thích từ ngữ cần nghiên cứu, đối chiếu với Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch để tránh xung đột, chồng chéo, trùng lặp…
Còn theo đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng, cần làm rõ trong thuyết minh sự cần thiết phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ; thực tiễn trong giai đoạn vừa qua cần chuyển đổi thông tin, dữ liệu số và trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; những nội dung kế thừa và sửa đổi, bổ sung giữa dự thảo Nghị định mới so với Nghị định số 110/2004/NĐ-CP; về nguyên tắc tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cần đảm bảo, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về tài liệu mang bí mật nhà nước; giá trị pháp lý của tài liệu văn bản điện tử; thể thức của văn bản điện tử cần nghiên cứu và quy định rõ trong dự thảo Nghị định…
Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, cần thống nhất quy trình thủ tục trước khi đi sâu vào các quy định trong dự thảo Nghị định; sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP cần được ban hành sớm; dự thảo Nghị định đã kế thừa những quy định mới trong các văn bản quy phạm pháp luât liên quan đã được ban hành; trong hồ sơ dự thảo Nghị định Tổ biên tập nên thiết kế theo hướng so sánh giữa Nghị định cũ và Nghị định mới trên cơ sở ý kiến góp ý của thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; việc quy định hồ sơ điện tử, văn bản điện tử nên quy định vào trong dự thảo Nghị định; bố cục của dự thảo Nghị định cần làm rõ được các quy định về văn bản điện tử và lưu trữ điện tử; những diễn giải cần đưa ra thành phục lục riêng để thuận cho việc nghiên cứu, áp dụng; cần có giải trình ý kiến tiếp thu, bổ sung để thuận lợi cho các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập góp ý kiến vào từng các điều, khoản cụ thể; nên tách quy định về văn bản điện tử thành một phần riêng trong dự thảo Nghị định; vấn đề nguyên tắc áp dụng cũng cần nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với các quy định hiện hành…
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nên nghiên cứu cải tiến quy định cũ đối với văn bản giấy; văn bản điện tử chủ yếu tập trung vào chữ ký số, quy trình đối với lưu trữ điện tử và văn bản điện tử; phần mềm áp dụng chung trong văn bản điện tử...Ngoài ra, tại cuộc họp các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đóng góp ý kiến liên quan đến các vấn đề như: lưu trữ điện tử cần có một chương riêng trong dự thảo Nghị định; giải thích từ ngữ; văn bản điện tử; hồ sơ điện tử, chữ ký số; văn bản chính thức, văn bản sao trong văn bản điện tử; công nghệ khi xử lý trên thiết bị di động; những quy định của Nghị định phải mang tính khoa học, bền vững, ổn định lâu dài, đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan khác và áp dụng được vào trong thực tiễn; vấn đề bảo quản vật mang tin như thế nào…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đồng thời, khẳng định Tổ biên tập sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, tổng hợp và chỉnh sửa, bổ sung, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương cho ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Toàn cảnh cuộc họp
Anh Cao