BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh

30/06/2014 17:30

Ngày 30/6/2014, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về Dự thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Hội thảo).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo HĐND một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, phòng xây dựng chính quyền và đại biểu cấp huyện, cấp xã của 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, phát huy quyền làm chủ của người dân địa phương đã được thực hiện trong nhiều năm qua và yêu cầu càng cấp thiết hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong bối cảnh như vậy, Luật Tổ chức HĐND và UBND qua hơn 10 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ các hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Luật năm 2003 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND, UBND các cấp cơ bản giống nhau, chưa phân biệt rõ theo đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý của HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; thí điểm nhất thể hoá chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số đơn vị hành chính thời gian qua và việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp. Hiến pháp năm 2013 quy định nhiều điểm mới quan trọng về chính quyền địa phương: thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước (Điều 52); về tổ chức đơn vị hành chính và việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (Điều 110); về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111); về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương (Điều 112) đã đặt ra yêu cầu cụ thể hóa trong Luật về chính quyền địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến vào nội dung các chương, điều, khoản cụ thể của Dự án Luật, tập trung vào 8 nhóm vấn đề: Về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; Về thành lâp, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương – địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND; Về đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND; Về đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND; Về công khai, minh bạch và bảo đảm sự tham gia của Nhân dân; Về tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt.

Kết quả Hội thảo sẽ được tổng hợp, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo Dự án Luật trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật trong tháng 7 năm 2014.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tin, ảnh: Việt Hà
Tìm kiếm