Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công và ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, cán bộ chương trình Dự án UNDP; Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính; Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và gần 50 đại biểu đại diện cho 08 Bộ, cơ quan (Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) và Sở Nội vụ 06 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh); Các chuyên gia, nhà quản lý, thành viên Tổ biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước và đại diện một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, chính sách tiền lương là một chính sách quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người hưởng lương mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, quan hệ giữa các ngành nghề, các khu vực, là động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, liên quan trực tiếp đến ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, cải cách chính sách tiền lương là một trong những trọng tâm của Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và cũng là một nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Dự án “Hỗ trợ triển khai các Dự án cải cách hành chính ở Bắc Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Tĩnh” do UNDP và các nhà tài trợ quốc tế khác hỗ trợ Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ huy động các chuyên gia thực hiện nghiên cứu chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách của cán bộ, công chức, viên chức thành lương. Đây là một trong những hướng đi quan trọng để xác định giải pháp tạo nguồn trong tiến trình cải cách tiền lương. Thực hiện nghiên cứu này, Bộ Nội vụ (Vụ Tiền lương) với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia tư vấn trong nước do Ban quản lý Dự án cải cách hành chính Bộ Nội vụ tuyển chọn đã thực hiện khảo sát về thực trạng thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức tại một số Bộ và địa phương. Qua đợt khảo sát, nhóm chuyên gia đã tổng hợp thành Báo cáo khảo sát và từ đó đề xuất những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước thành lương để lấy ý kiến các đại biểu tham dự Hội thảo nhằm hoàn thiện Báo cáo. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo với tinh thần nghiêm túc, tập trung, khẩn trương, hoàn thành các nội dung công việc đã đề ra để từ kết quả Hội thảo có thể hoàn thiện Báo cáo, góp phần đánh giá đúng thực trạng thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay và đưa ra được các đề xuất chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước thành lương.
Chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính trình bày
Báo cáo khảo sát thực trạng thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức và
đề xuất chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước thành lương
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính trình bày Báo cáo khảo sát thực trạng thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức và đề xuất chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước thành lương (Báo cáo).
Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả triển khai thực hiện khảo sát, nghiên cứu cơ chế, cách thức chi trả các khoản thu nhập ổn định ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức của một số Bộ, ngành Trung ương (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và một số địa phương (Thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Tĩnh). Từ đó đề xuất phương án chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức thành lương.
Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính đóng góp ý kiến phản biện tại Hội thảo
Thạc sỹ Nguyễn Huyền Lê, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đóng góp ý kiến phản biện tại Hội thảo
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
đóng góp ý kiến phản biện tại Hội thảo
Hội thảo đã nghe các ý kiến phản biện, nhận xét Báo cáo của đại biểu đồng thời tiến hành thảo luận. Các đại biểu đã thẳng thắn, sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng cho Báo cáo. Một số ý kiến của đại biểu cho rằng, việc nghiên cứu khảo sát trên các nhóm đối tượng tương đối hẹp nên vẫn chưa thể hiện được đầy đủ, rõ ràng thực trạng thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Các đại biểu đồng thời đóng góp một số đề xuất, giải pháp để chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước thành lương dựa trên kết quả Báo cáo được trình bày tại Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao những ý kiến, góp ý, đề xuất của đại biểu cho Báo cáo khảo sát thực trạng thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức và đề xuất chuyển những khoản thu nhập ổn định từ ngân sách nhà nước thành lương đồng thời khẳng định Bộ Nội vụ, Vụ Tiền lương cùng các chuyên gia tư vấn sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu, tiếp tục tích cực nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, trong điều kiện khả năng ngân sách còn hạn hẹp, khó khăn, để thực hiện được việc cải cách tiền lương cần phải huy động mọi nguồn lực tài chính bao gồm cả việc sử dụng một phần thu nhập ngoài lương tại các cơ quan, đơn vị. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn cho cải cách tiền lương trong giai đoạn sắp tới.
Toàn cảnh Hội thảo