BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học xây dựng Đề án “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn đến năm 2030”

24/07/2020 16:58

Sáng ngày 24/7, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng Đề án “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn đến năm 2030”.

PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban soạn thảo Đề án và TS. Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án đồng chủ trì Hội thảo.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có diện của các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; các chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng Đề án.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh: tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách là một trong những nội dung quan trọng của mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đây cũng là chỉ số được thế giới sử dụng để đánh giá mức độ tiến bộ của từng quốc gia. Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, chính sách, biện pháp rất quan trọng để bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho rằng, thực tế cho thấy tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của phụ nữ Việt Nam. Từ các công trình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để xây dựng Đề án cho đến những thông tin, số liệu gần đây nhất để phục vụ Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa XII và kết quả đánh giá sơ bộ việc tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho thấy về tổng thể, hầu hết các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp chưa đạt tỷ lệ và cơ cấu cán bộ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan Đảng và đoàn thể cao hơn hẳn so với các cơ quan nhà nước; trong bộ máy nhà nước thì tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tương ứng trong các cơ quan lập pháp, dân cử và tư pháp. Và ngay trong bộ máy hành chính nhà nước thì tỷ lệ này cũng tiếp tục phân hóa theo các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó lĩnh vực quản lý nhà nước về quốc phòng và an ninh có tỷ lệ thấp nhất. Xem xét theo tỷ lệ, cơ cấu các dân tộc thì có rất ít cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý là dân tộc thiểu số, dân tộc ít người và dân tộc rất ít người.

Đó là những vấn đề rất đáng lo ngại trong việc thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng và Nhà nước ta nhằm thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ trong đời sống xã hội và lĩnh vực chính trị nói chung; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách nói riêng. Thực trạng đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tiếp tục có những chủ trương, giải pháp đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định và tạo đột phá để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung tham luận, trao đổi, thảo luận và cho ý kiến góp ý vào một số nội dung của dự thảo Đề án, như: các quan điểm xây dựng Đề án; mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của Đề án; các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Đề án; tình hình thế giới, trong nước và yêu cầu thực tế của Bộ, ngành, địa phương cũng như dự báo về tình hình công tác cán bộ nữ thời gian tới; các nguồn lực và điều kiện đảm bảo thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… đã phù hợp hay chưa, có cần chỉnh sửa, bổ sung gì để phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước hay không?


Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ Hà Thị Dung, Phó Trưởng Ban soạn thảo,
Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án trình bày dự thảo Đề án tại Hội thảo

Theo dự thảo Đề án được trình bày tại Hội thảo, mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm tăng cường thể chế hóa chính sách của Đảng về công tác cán bộ nữ phù hợp và đồng bộ với các quy định, quy chế và quy trình chung về công tác cán bộ và bình đẳng giới. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng tham gia vào vị trí lãnh đạo ở tất cả các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách.

Cố gắng đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong tập thể lãnh đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế - xã hội chưa phát triển có thể đặt tỷ lệ cán bộ nữ thấp hơn, song ít nhất không dưới 30% tổng số cán bộ, công chức lãnh đạo chủ chốt. Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 đến 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.

Đến năm 2030, 75% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo có phụ nữ tham gia ban lãnh đạo; trong đó, ít nhất 30% tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đến năm 2030, 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).

Nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội, người dân và các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phụ nữ tham gia chính trị. 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ.

Dự thảo Đề án cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như: 1. Hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. 2. Tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. 3. Truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới. 4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án. 5. Tăng cường hợp tác quốc tế về sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý; huy động nguồn viện trợ và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện Đề án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng, để làm tốt hơn công tác cán bộ nữ trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như: triển khai thông suốt những chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được quan tâm và gắn với việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm; đổi mới công tác, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ, để cán bộ nữ có điều kiện tốt nhất tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng (như về địa điểm, chương trình, phương pháp đào tạo,...); trong công tác đào tạo, cần xác định các lĩnh vực được chọn để làm ưu tiên để đưa ra định hướng đào tạo cán bộ nói chung và đào tạo cán bộ nữ nói riêng (ví dụ như: nông nghiệp, môi trường, du lịch, y tế…). Mặt khác, chính ngay bản thân cán bộ nữ để được lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cũng phải thay đổi và khẳng định chính mình.

Phó Chủ tịch Đỗ Thị Minh Hoa cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung thêm vào Đề án về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ dân tộc thiểu số nói chung và cán bộ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Khánh Lương phát biểu tại Hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Khánh Lương cũng đề xuất nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý ở cấp hoạch định chính sách như: tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; thể chế hóa các chính sách quy hoạch, đào tạo cán bộ nguồn là nữ; nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới để sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và bãi bỏ những quy định hạn chế sự tham gia, tiếp cận cơ hội làm lãnh đạo, quản lý của phụ nữ; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận, ủng hộ của hệ thống chính trị và Nhân dân về lợi ích và sự cần thiết của phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, truyền thông để thay đổi nhận thức và định kiến về giới và ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào thông tin truyền thông; đề ra các biện pháp, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới; nâng cao thực thi của hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; đảm bảo ngân sách cho công tác bình đẳng giới; kiểm tra, thanh tra về công tác bình đẳng giới; tăng cường công tác liên ngành; tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và thực hiện tốt các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia về công tác bình đẳng giới...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa cũng cho rằng, cần tính toán tỷ lệ cụ thể trong nội dung mục tiêu của dự thảo Đề án để đảm bảo sát và đúng với quy định của Đảng, Nhà nước. Công tác cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số nói riêng cũng cần xem xét, nghiên cứu để làm sao phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động.

Đại tá Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo

Đại tá Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng, Bộ Công an cho rằng, cần nghiên cứu và bổ sung thêm cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới để triển khai thực hiện Đề án khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về số liệu, tỷ lệ trong dự thảo Đề án, Đại tá Ngô Hoài Thu đồng tình với ý kiến phát biểu và quan điểm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa và Trung tá Phan Ái Xuân, thành viên Tổ biên tập, đại diện Bộ Quốc phòng là Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần cập nhật số liệu mới nhất để có những đánh giá sát với thực tế, trên cơ sở đó sẽ đưa ra ý kiến tham mưu tốt nhất cho Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo, Trung tá Phan Ái Xuân, thành viên Tổ biên tập, đại diện Bộ Quốc phòng cũng đề xuất cần tính đến lĩnh vực đặc thù của các Bộ, ban, ngành để đặt ra các chỉ tiêu về tỷ lệ cho phù hợp (ngoại trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an).

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, Trưởng ban Ban soạn thảo Đề án đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời, khẳng định: Đề án cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ thành các mục tiêu, giải pháp có tính khả thi; có tỷ lệ và lộ trình thực hiện hợp lý; đảm bảo các điều kiện để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp hoạch định chính sách.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập cần nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Đề án; tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ, chất lượng và thời gian được giao./.

 

Anh Cao

Tìm kiếm