BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” tại Hà Nội

10/09/2014 13:42

Ngày 10/9/2014, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp với Chi nhánh khu vực Đông Nam Á thuộc Hội dồng Lưu trữ Quốc tế (SARBICA) tổ chức Hội thảo khoa học “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” (Hội thảo).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ Vũ Thị Minh Hương; Chủ tịch SARBICA ông Mút-xta-ri I-ra-oan; 50 đại biểu quốc tế là các cán bộ nghiệp vụ và những người quan tâm đến công tác văn thư, lưu trữ đến từ các nước thuộc và không thuộc SARBICA; gần 80 đại biểu trong nước là lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ Vũ Thị Minh Hương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhiệt liệt chào mừng các vị khách quốc tế cùng các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị SARBICA lần thứ 19 và Hội thảo khoa học “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp với SARBICA tổ chức. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, tham gia vào tổ chức này, các cơ quan lưu trữ thuộc các nước ASEAN có cơ hội trao đổi, hợp tác về khoa học nghiệp vụ văn thư, lưu trữ, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Lưu trữ Việt Nam sau gần 30 năm là thành viên của SARBICA đã có những đóng góp thiết thực vào hoạt động hợp tác chung, ngày càng tạo được niềm tin và uy tín với các nước thành viên SARBICA cũng như các tổ chức Lưu trữ quốc tế. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị SARBICA lần thứ 19 và Hội thảo khoa học “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Lưu trữ Việt Nam với tư cách là Chủ tịch của SARBICA nhiệm kỳ 2012 - 2014. Đây cũng là dịp để cán bộ Lưu trữ Việt Nam được học hỏi kinh nghiệm về khoa học nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Hội thảo cũng góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với quốc tế và là diễn đàn khoa học có ý nghĩa thiết thực nhằm trao đổi, tháo gỡ những vấn đề về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và các giải pháp nhằm đảm bảo giá trị của tài liệu lưu trữ điện tử trong suốt quá trình tạo lập, xử lý, lưu trữ và sử dụng.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng tin tưởng rằng những kết quả của Hội thảo lần này sẽ được các nước thành viên và các đại biểu tham dự xem xét, vận dụng vào thực tiễn công tác lưu trữ, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan lưu trữ của các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao quà lưu niệm và chụp ảnh với các Trưởng đoàn và các báo cáo viên

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ Vũ Thị Minh Hương cho rằng Hội thảo khoa học của Lưu trữ các quốc gia Đông Nam Á với chủ đề “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện từ" được tổ chức với mục đích tạo ra diễn đàn giữa các nhà lưu trữ, những người làm trong lĩnh vực thông tin tư liệu, thư viện, các nhà khoa học và giảng viên trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ và thông tin tư liệu có thể trao đổi những kinh nghiệm về tài liệu lưu trữ điện tử nói chung và về tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử nói riêng. Kết quả của Hội thảo nhằm đưa ra những khuyến nghị về vấn đề tài liệu lưu trữ điện tử, góp phần thực hiện một trong các nội dung của Hiệp định khung về ASEAN điện tử (E-ASEAN) mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết trong khuôn khổ các hoạt động của ASEAN vào ngày 24/11/2000 tại Hội nghị cấp cao không chính thức lần thứ 4 tại Xinh-ga-po. Một trong những nội dung của Hiệp định khung về ASEAN điện tử là Chính phủ điện tử. Sự ra đời của tài liệu lưu trữ điện tử tại Việt Nam là kết quả tất yếu của quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, trao đổi và giải quyết công việc hàng ngày. Tuy nhiên, với bản chất của tài liệu điện tử, vấn đề đặt ra cho các cơ quan Lưu trữ là phải nghiên cứu, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để bảo đảm tính toàn vẹn, tính xác thực cũng như giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử trong suốt vòng đời của nó, nghĩa là từ khi sản sinh ra đến khi vào Lưu trữ lịch sử. Hội thảo khoa học “Tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” sẽ là một cơ hội quý giá để các nhà lưu trữ Việt Nam có điều kiện trực tiếp trao đổi với các bạn bè đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới về một lĩnh vực đang có tác động mạnh mẽ đến hoạt động lưu trữ, đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để các đồng nghiệp trong khu vực tìm hiểu về Lưu trữ Việt Nam, trên cơ sở đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đẩy mạnh sự hợp tác song phương giữa các cơ quan Lưu trữ trong khối ASEAN và giữa các tổ chức lưu trữ khu vực và quốc tế.

Với 10 báo cáo quốc gia và các báo cáo của các chuyên gia quốc tế về tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử được trình bày theo 3 chuyên đề và sự tham gia của 130 đại biểu đến từ các cơ quan lưu trữ 10 nước thành viên ASEAN, các cơ quan Trung ương và một số địa phương của Việt Nam, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Vũ Thị Minh Hương hy vọng Hội thảo sẽ đưa ra những khuyến nghị chung, làm cơ sở cho việc ứng dụng vào thực tế công tác lưu trữ của các nước trong khu vực. Với sự tham gia của các báo cáo viên quốc tế, gồm các chuyên gia về lĩnh vực tài liệu lưu trữ điện tử đến từ các nước: Đức, Nhật, Xcốt-len, Niu-Di-lân; và báo cáo viên của Việt Nam, gồm các chuyên gia của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông… Hội thảo diễn ra trong ngày 10/9/2014, qua 03 phiên họp với các chủ đề:

1. “Cơ sở lý luận về tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước của Việt Nam chủ trì gồm các nội dung: Quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử; Tính xác thực và giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử; Quan điểm về tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử và những vấn đề đặt ra.

2. “Cơ sở thực tiễn đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” do Lưu trữ Quốc gia Xinh-ga-po chủ trì gồm các nội dung: Kinh nghiệm thực tiễn về đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử ở Lưu trữ Quốc gia Xinh-ga-po; Kinh nghiệm thực tiễn về đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử ở Lưu trữ Quốc gia Ma-lai-xi-a; Thực trạng công nghệ thông tin của Việt Nam và việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử.

3. “Các giải pháp đảm bảo tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử” do Lưu trữ Quốc gia Ma-lai-xi-a chủ trì gồm các nội dung: Các biện pháp bảo đảm tính xác thực đối với tài liệu điện tử, kinh nghiệm của Lưu trữ Liên bang Đức; Thời cơ và thách thức đối với việc bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử; Lưu trữ tài liệu điện tử trong cơ quan Đảng và vấn đề bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử.

Trong Chương trình của Hội nghị, các đại biểu quốc tế sẽ được tham quan các Di sản Tư liệu của Việt Nam tại Hà Nội đã được UNESCO công nhận: 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Toàn cảnh buổi Họp báo
Toàn cảnh Hội thảo

 

Tin, ảnh: Anh Cao
Tìm kiếm