BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học góp ý dự thảo quyết định phê duyệt Đề án “Đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”

20/12/2018 15:36

Sáng ngày 20/12, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo quyết định phê duyệt Đề án “Đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo cấp Vụ và chuyên viên làm công tác cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ và chuyên viên theo dõi cải cách hành chính của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; một số chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Minh Hùng cho biết, đổi mới công tác đánh giá, xếp loại là một nhiệm vụ quan trọng được triển khai rộng khắp trong thời gian qua và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của các tổ chức hành chính và nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Tiếp thu những quan điểm chỉ đạo và những nội dung tại Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng Đề án “Đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Việc triển khai xây dựng Đề án đã được thực hiện từ năm 2015, qua nhiều cuộc hội thảo, xin ý kiến góp ý, đến nay Đề án đã cơ bản hoàn thiện. Đây là việc làm khó và chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều loại hình tổ chức khác nhau, nội dung đánh giá đa dạng. Do đó, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo và mong nhận được những ý kiến góp ý trách nhiệm, thẳng thắn, tập trung vào phương pháp, hệ thống tiêu chí, cách thức đánh giá từng tiêu chí, phương thức thực hiện đánh giá và chỉ ra những cách khắc phục nhằm đưa ra sản phẩm hoàn thiện và có tính khả thi trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính cho biết, Đề án đặt ra 03 mục tiêu cụ thể, đó là: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tổ chức hành chính nhà nước bằng định lượng, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, đa chiều; Xác định và áp dụng thống nhất công cụ, phương pháp đánh giá phù hợp với từng tiêu chí, đối tượng đánh giá và loại hình tổ chức được đánh giá; Hàng năm tổ chức được đánh giá để xếp loại chất lượng và cung cấp thông tin phục vụ quản lý.

Về tiêu chí đánh giá tổ chức, Đề án đưa ra 03 nhóm tiêu chí gồm: Các tiêu chí về xây dựng tổ chức tập thể; Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm; Kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.

Thang điểm đánh giá là 100 điểm với 02 phương pháp đánh giá: tự đánh giá và điều tra xã hội học. Căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn chất lượng được quy định cụ thể cho mỗi đối tượng, từng tổ chức hành chính nhà nước và các chủ thể tham gia đánh giá xác định mức độ đạt được của từng tiêu chí sẽ xếp loại chất lượng tổ chức theo 04 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Đề án cũng xây dựng quy trình đánh giá gồm 05 bước và đưa ra 04 giải pháp để thực hiện. Về thời gian thực hiện, giai đoạn 2019-2020 sẽ thí điểm triển khai tại một số Bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau đó tiến hành sơ kết thí điểm, rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ triển khai trên diện rộng.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ với Bộ Nội vụ nhiệm vụ khó khăn này vì đây là việc làm mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhiều. Mặc dù vậy, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng Đề án một cách công phu, với nhiều tiêu chí đánh giá đa dạng, đáp ứng được yêu cầu quản lý của Bộ, của tỉnh. Cùng với đó, Đề án đã bám sát những nội dung trong Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị cả về tiêu chí và mức độ đánh giá.

Ông Nguyễn Hữu Thưởng phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Hữu Thưởng, Chuyên viên cao cấp Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị, Ban soạn thảo nên rà soát lại các tiêu chí đánh giá để phù hợp đối tượng, tránh sự lẫn lộn giữa tiêu chí đánh giá tổ chức với tiêu chí đánh giá tập thể lãnh đạo, quản lý. Yêu cầu của Đề án phải thực hiện nghiêm túc và đánh giá đa chiều, có sự so sánh giữa các cơ quan, tổ chức.

Về phương pháp đánh giá, đề nghị cân nhắc việc sử dụng phương pháp đánh giá bằng điều tra xã hội học vì các đối tượng tham gia đánh giá rất khó đánh giá sát về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, của tỉnh. Người tham gia đánh giá không có thông tin hoặc số liệu về các đối tượng đánh giá một cách chính thống và chi phí rất tốn kém mà khó đảm bảo thời gian…
Đồng tình với các tiêu chí nhưng ông Phạm Mạnh Khởi đề nghị, không nên đưa lại các tiêu chí trong Quy định số 132 và nên nghiên cứu bỏ bớt các tiêu chí định tính.

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Học viện Hành chính Quốc gia,  cho rằng, về cơ sở khoa học, quan điểm xây dựng các tiêu chí trong Đề án cần được nghiên cứu, phân tích, thuyết minh làm rõ hơn. Cần tiếp tục nghiên cứu để Đề án này được sử dụng chung để đánh giá, xếp loại tổ chức, đơn vị hàng năm, không chỉ là đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà mở rộng phạm vi đánh giá xuyên suốt về kết quả thực hiện nhiệm vụ các cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm cả các đơn vị thuộc và trực thuộc, các đơn vị cấu thành. Như vậy, sẽ đảm bảo tính thống nhất, không phải sử dụng nhiều hệ thống đánh giá hàng năm.

Về nội dung tiêu chí, có thể nghiên cứu bổ sung thêm các tiêu chí như việc ban hành các quy chế, quy định nội bộ, đồng thời cân đối điểm giữa các nhóm tiêu chí cho phù hợp. Nên bổ sung tiêu chí thành phần về mức độ hài lòng đối với tổ chức, về các biện pháp bảo đảm và cải tiến chất lượng, về xây dựng môi trường làm việc, xây dựng văn hóa công sở.

Ông Đinh Duy Hòa phát biểu tại Hội thảo

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cho rằng, đánh giá chất lượng không nên nhầm lẫn với xếp loại kết quả hoạt động. Các nhóm tiêu chí được đưa ra chưa thực sự phù hợp; các tiêu chí cần phải liên quan mật thiết với đo lường chất lượng, nếu áp các tiêu chí này vào đánh giá sẽ rất khó triển khai.

Ông Đinh Duy Hòa đề nghị, không nên dập khuôn máy móc theo Quy định số 132-QĐ/TW, vì các nội dung chủ yếu áp dụng cho các tổ chức đảng và đảng viên; nếu áp vào đánh giá cho cơ quan hành chính là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, đánh giá tổ chức hành chính chủ yếu là đánh giá kết quả hoạt động, không nên mở rộng như về thực hiện nguyên tắc tổ chức, cơ chế quản lý theo quy định, các nội dung quy chế và chế độ làm việc hiện hành.
Về quy trình đánh giá, nên quy định từng Bộ, từng tỉnh có trách nhiệm tự đánh giá và chịu trách nhiệm với quyết định của mình; mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hành chính.

Ông Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại Hội thảo

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La Nguyễn Minh Hòa cho rằng, trong 40 tiêu chí thành phần, có 23 tiêu chí thành phần điều tra xã hội học, như vậy việc điều tra xã hội học đối với trên 1/2 tiêu chí sẽ không phản ánh đúng thực chất kết quả, do đối tượng được điều tra sẽ có những trường hợp không biết hết các lĩnh vực, mà chỉ biết về các nội dung thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Đề nghị Ban soạn thảo có thể nghiên cứu, xem xét lựa chọn giảm các tiêu chí điều tra xã hội học và chuyển sang cho UBND các tỉnh tự đánh giá như các tiêu chí 18, 19, 20, 38, 39, 40...

Ông Tạ Ngọc Hải phát biểu tại Hội thảo

TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước đề nghị thống nhất lại phạm vi và đối tượng để từ đó đặt ra được mục tiêu và yêu cầu được thiết thực, rõ ràng.

Về các phương pháp đánh giá, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm mức đánh giá “Khá”. Về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện đánh giá, xếp loại cho thấy, cả 2 phương pháp (Tự đánh giá và điều tra xã hội học) đều do chính cơ quan được đánh giá thực hiện, Bộ Nội vụ chỉ thực hiện thẩm định sau khi các cơ quan này gửi kết quả đánh giá. Do vậy, tính khách quan của kết quả cần phải được xem xét và có cơ chế để bảo đảm…

Không những góp ý trực tiếp vào dự thảo Đề án, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn đã và đang triển khai đánh giá tại cơ quan mình; đồng thời đề nghị, về thời gian cần cân đối phù hợp với triển khai xác định Chỉ số PAR Index và các chỉ số khác.

Quang cảnh Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Phạm Minh Hùng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đầy trách nhiệm và thẳng thắn của các đại biểu. Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của Đề án là một công cụ quản lý, đánh giá khách quan, toàn diện của tổ chức; thông qua đó, có biện pháp cải thiện chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Ông Phạm Minh Hùng khẳng định, các tiêu chí sẽ được định lượng nhiều hơn, theo hướng tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn. Các nội dung đánh giá chú trọng đến kết quả hoạt động và sẽ được cụ thể hóa theo kế hoạch hàng năm. Cùng với đó, phương pháp tự đánh giá và điều tra xã hội học sẽ được cân đối phù hợp.

Để tiếp tục hoàn thiện và ban hành Đề án, ông Phạm Minh Hùng mong muốn sau Hội thảo, sẽ tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm