 |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Lê Văn Dung; Đại diện Lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình; Đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, Trường Chính trị một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra); Đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.
 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Lê Văn Dung phát biểu chào mừng các đại biểu thamn dự Hội thảo tại tỉnh Ninh Bình |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Văn Tất Thu nhấn mạnh tầm quan trọng của Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một Đề án lớn để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là điều kiện tốt để đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai Đề án ở các địa phương bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.
Qua đó, Thứ trưởng Văn Tất Thu đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị về các kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các bài tham luận, trao đổi, thảo luận và đề xuất, kiến nghị, tập trung vào một số nội dung như: Tình hình tổ chức, triển khai và kết quả triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tại địa phương; Đánh giá thực trạng, giải pháp và kiến nghị về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã; Công tác tuyên truyền cho Đề án,...
Theo ông Nguyễn Hữu Tám, Chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước - Bộ Nội vụ đánh giá: Trong 2 năm qua, Bộ Nội vụ đã bám sát nhiệm vụ được giao, chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; Các Bộ, ngành Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ theo các nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết với Bộ Nội vụ trong việc biên soạn các bộ tài liệu bồi dưỡng. Chính quyền các địa phương đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm và giai đoạn 2011 - 2015; Đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương để tổ chức các khoá đào tạo cán bộ, công chức xã nhằm đạt tiêu chuẩn theo quy định, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức xã.
 |
Ông Nguyễn Hữu Tám - CVCC Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước - Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo |
Ông Nguyễn Hữu Tám cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Đề án còn gặp phải một số hạn chế như: Các địa phương chủ yếu tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ trung cấp và đại học cho cán bộ, công chức xã; Một số địa phương lập kế hoạch đào tạo cho một vài năm tới chưa thật sát với yêu cầu của Đề án đặt ra đối với chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức xã; Kinh phí năm 2011 chưa đáp ứng đủ theo Đề án, ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chung của các địa phương và tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Bộ Nội vụ.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu ghi nhận và đánh giá cao các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận và các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu. Thứ trưởng Văn Tất Thu cũng nêu rõ: Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện 25 bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức xã bảo đảm yêu cầu nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức xã đến năm 2015. Các địa phương phải bám sát mục tiêu và nội dung Đề án để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm của địa phương mình; Có lộ trình phù hợp với nhu cầu phát triển đội ngũ cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương xây dựng nông thôn mới tại địa phương; Chú trọng việc đào tạo đội ngũ giảng viên, đào tạo theo cụm, theo nhóm các xã; Tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo, coi nguồn kinh phí của Đề án 1956 là một phần hỗ trợ để triển khai Đề án tại địa phương.
 |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu phát biểu bế mạc Hội thảo |
 |
Quang cảnh Hội thảo |