Thứ trưởng Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu”. Đặc biệt, Nghị quyết đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), trong đó, nêu rõ định hướng áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng: Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học.
Để Hội thảo đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận rõ một số quan điểm, định hướng đổi mới ĐVSNCL theo hướng mô hình quản trị doanh nghiệp. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp đối với ĐVSNCL. Lựa chọn mô hình doanh nghiệp phù hợp cho việc áp dụng đối với từng loại hình, lĩnh vực hoạt động của các ĐVSNCL hiện nay (giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác).
Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc và năng lực thực tế của các ĐVSNCL khi áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp; đề xuất các kiến nghị, giải pháp về cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện việc đổi mới ĐVSNCL áp dụng theo mô hình quản trị doanh nghiệp….
TS. Đinh Duy Hòa phát biểu tại Hội thảo
TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ khẳng định, phải nhận diện chính xác ĐVSNCL là gì thì mới có thể đổi mới, cải cách. Theo ông Hòa, có 05 đặc trưng để nhận diện, đó là ĐVSNCL do nhà nước lập ra; người làm việc trong ĐVSNCL là người nhà nước; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải đổi mới, cải cách các ĐVSNCL? Theo TS. Đinh Duy Hòa, có quá nhiều ĐVSNCL (khoảng 58.000 đơn vị), ngân sách nhà nước không thể dàn trải ra để nuôi từng đó tổ chức.Cùng với đó, ĐVSNCL hoạt động kém hiệu quả, biểu hiện là người nhiều, sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước kém hiệu quả; chất lượng dịch vụ công do ĐVSNCL cung cấp kém, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của người thụ hưởng dịch vụ.
Vẫn theo TS. Đinh Duy Hòa, về nguyên tắc, ĐVSNCL không thể hoạt động như doanh nghiệp. Nếu có đơn vị nào có thể hoạt động như doanh nghiệp thì cần chuyển ngay những đơn vị này thành doanh nghiệp. Giới hạn đổi mới hoạt động của ĐVSNCL chính là ở điểm này. Cho nên, không thể cổ súy cho phương châm cố gắng tạo điều kiện để ĐVSNCL vươn lên tự chủ đến mức nhà nước không cần chi từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức này. Những biện pháp nhằm đổi mới, cải cách ĐVSNCL chính là nhằm vào tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chúng, tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguồn lực được nhà nước cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công mà các ĐVSNCL cung cấp cho người dân, xã hội.
TS. Dương Quang Tung phát biểu tại Hội thảo
TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước cho rằng, đổi mới, cải cách ĐVSNCL không có nghĩa là doanh nghiệp hóa ĐVSNCL, mà là áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp một cách hợp lý vào các ĐVSNCL.
Theo TS. Dương Quang Tung, để đổi mới quản lý ĐVSNCL theo hướng vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp, trước hết cần so sánh giữa mô hình quản trị doanh nghiệp với mô hình quản lý ĐVSNCL hiện tại ở nước ta, rút ra những điểm giống và khác nhau và đề xuất mô hình quản trị ĐVSNCL trên cơ sở vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xác định rõ đây là việc vận dụng những yếu tố hợp lý của mô hình doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL mà không phải và không thể áp dụng hoàn toàn mô hình doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL, vì đây là hai khu vực khác nhau, doanh nghiệp thuộc khu vực thị trường, còn ĐVSNCL thuộc khu vực Nhà nước.
Để vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL, TS. Dương Quang Tung đề xuất cần thực hiện các nhóm giải pháp. Thứ nhất, nhóm giải pháp về nhận thức, quan điểm, trước hết cần làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là đội ngũ CBCC lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị SNCL, cũng như toàn xã hội nhận thức rõ bản chất, đặc trưng của dịch vụ sự nghiệp công là đáp ứng các nhu cầu xã hội cơ bản, thiết yếu của đông đảo người dân, góp phần phát triển xã hội bền vững do Nhà nước chịu trách nhiệm, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thứ hai, nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, cơ chế. Trong đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hoá các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động đơn vị SNCL lập theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (Khóa XII).
Thứ ba, nhóm giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước đối với ĐVSNCL. Trong đó, cần tách quản lý nhà nước với quản trị ĐVSNCL; đổi mới quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản (Bộ, UBND) đối với ĐVSNCL; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của ĐVSNCL; tăng cường vai trò giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với kết quả hoạt động của ĐVSNCL.
PSG.TS. Trần Kim Chung phát biểu tại Hội thảo
PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng, đổi mới gì thì đổi mới nhưng việc vận hành phải đủ các điều kiện về quản lý, quản trị nội bộ, nhân sự, tài chính và tổ chức bộ máy. Muốn đổi mới, cải cách ĐVSNCL phải thống nhất về mặt nhận thức; kiên định về mặt chủ trương, chính sách; phải triển khai một cách quyết tâm, đồng bộ; phải giám sát thường xuyên vì sẽ động chạm đến xã hội, nếu bỏ giám sát thì sẽ sai lệch với mục tiêu ban đầu và phải có chế tài mạnh.
Khẳng định việc đổi mới ĐVSNCL theo định hướng cơ chế quản lý doanh nghiệp là tất yếu, PGS. TS. Trần Kim Chung đề xuất, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong vấn đề này, bởi nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng cứ làm là vướng”. Để bảo đảm hoạt động của các ĐVSNCL, ngoài việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ tài chính, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các ĐVSNCL theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII.
Bên cạnh đó, cần làm rõ nội hàm của mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng gì, cần những yếu tố, điều kiện nào khi tiến hành chuyển đổi từ ĐVSNCL sang đơn vị tự chủ. Người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định về quản lý biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế…
PGS.TS. Đặng Xuân Hải phát biểu tại Hội thảo
Đối với lĩnh vực giáo dục, PGS.TS. Đặng Xuân Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để có thể thực hiện việc đổi mới quản lý các ĐVSNCL, các cơ sở giáo dục phải chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp với “cơ chế bao cấp” sang phát huy mô hình quản trị thích ứng với “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo PSG. TS. Đặng Xuân Hải, trong “cơ chế bao cấp”, quá coi trọng sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động cụ thể của các cơ sở giáo dục vì vai trò, trách nhiệm của Nhà nước là bao trùm nên quản lý ở các cơ sở giáo dục cũng nặng “tính hành chính” và được bao cấp mọi nguồn lực nên coi trọng việc tuân thủ chỉ đạo từ các cấp quản lý; đồng thời, với sự tự chủ không cao là tính chịu trách nhiệm cũng rất thấp.
Còn trong “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng trở thành “dịch vụ sự nghiệp công” và từ “phục vụ” chung chung chuyển sang từ “dịch vụ” và quản lý, điều hành giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng đã chuyển dịch sang nội hàm mới. Tính “dịch vụ” buộc các nhà quản lý các cơ sở giáo dục phải “cân đong, đo đếm” các kết qủa so với các chi phí hay nói cách khác là lời giải của bài toán “chi phí - lợi ích” luôn được coi trọng.
Tóm lại, theo PSG. TS. Đặng Xuân Hải, quản trị một cơ sở giáo dục là nói đến cách thức phân chia thẩm quyền hợp lý giữa các chủ thể quản lý cơ sở giáo dục bao gồm: Nhà nước, nhà trường, thị trường và xã hội. Nhà nước phải xây dựng được thể chế rõ ràng, minh bạch có tính kiến tạo cho việc vận hành các cơ sở giáo dục; Nhà trường được giao quyền tự chủ thực hiện các hoạt động theo sứ mệnh được Nhà nước và xã hội giao phó; Thị trường sẽ tạo ra động lực cho việc “cạnh tranh lành mạnh” trong quá trình vận hành các hoạt động giáo dục theo sứ mệnh của cơ sở giáo dục đã được Nhà nước và xã hội công nhận; Xã hội tham gia thông qua phản biện và đánh giá kết quả hoạt động giáo dục và hiệu quả mà cơ sở giáo dục đó mang lại.
Còn nói tới “nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập” trong quản trị một cơ sở giáo dục là nói đến cách thức tổ chức bộ máy lãnh đạo, trách nhiệm của bộ máy, sự phân chia quyền lực giữa bộ máy với đội ngũ chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi sứ mệnh của cơ sở giáo dục đó. Điều đó hàm ý là chuyển dần từ việc coi trọng mối quan hệ thứ bậc và sự phối hợp thụ động giữa con người với nhau khi thực hiện công việc sang coi trọng hơn tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và của đội ngũ thực thi nhiệm vụ trong cơ sở giáo dục đó.
PGS.TS. Văn Tất Thu phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc đổi mới quản lý các ĐVSNCL đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện “tương đối nửa vời”. Các vấn đề Nhà nước phải lo nhưng không có nghĩa Nhà nước phải làm, Nhà nước muốn các dịch vụ do các đơn vị ngoài Nhà nước làm thì Nhà nước phải ban hành thể chế, chính sách và kiểm soát kết quả.
Tựu chung lại, PGS.TS. Văn Tất Thu cho rằng, muốn đổi mới quản lý các ĐVSNCL thì việc cần làm là không hành chính hóa ĐVSNCL; đẩy mạnh và chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ do các ĐVSNCL cung cấp; thực hiện khoán biên chế sang khoán tiền lương để kích thích chất lượng hoạt động của các ĐVSNCL…
Quang cảnh Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường trân trọng cám ơn và ghi nhận các ý kiến rất tâm huyết, sắc sảo tại Hội thảo và đã làm rõ được nhiều vấn đề mà Hội thảo đề ra.
Các ý kiến đóng góp quý báu của quý vị đại biểu sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ Nội vụ đề xuất tham mưu các chủ trương, chính sách cho Chính phủ nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL đảm bảo bám sát yêu cầu thực tế hiện nay và theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng./.
Thanh Tuấn