BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012 – 2020.

26/09/2011 14:39

Ngày 23/09/2011, tại Thành phố Hải Phòng, Bộ Nội vụ phối hợp với Dự án hỗ trợ Cải cách hành chính - UNDP tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012 - 2020 (Hội thảo).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã tới dự và chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: Ông Thang Văn Phúc, Chủ tịch kiêm Viện trưởng VDIS, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng; Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa - Giám đốc Dự án hỗ trợ Cải cách hành chính - UNDP; Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường; Đại diện các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước; Vụ Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Nội vụ 19 tỉnh, thành phố; Đại diện UNDP tại Việt Nam và một số nhà khoa học, chuyên gia; Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường đã trình bày Báo cáo Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012 - 2020 (Báo cáo).

Thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 được Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX thông qua và Đề án tiền lương giai đoạn 2008 - 2012 được Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua, với quan điểm:  “Tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng: Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ đó, nghiên cứu thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương”, từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần trên cơ sở mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng của ngân sách nhà nước để từng bước cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, cụ thể như sau: Từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, bằng 3,952 lần, tăng thêm 295,2% cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%; về quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa, từ tháng 10/2004, đã điều chỉnh quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa từ 1-1,78-8,5 hiện nay lên 1-2,34-10; về hệ thống thang bảng lương, đã thu gọn một bước hệ thống ngạch, bậc lương, mở rộng khoảng cách chệnh lệch giữa các bậc lương, hệ thống thang, bảng lương đã bao quát được các ngành, lĩnh vực và các đối tượng liên quan, giảm dần phức tạp, đảm bảo tương quan giữa các đối tượng, các ngành, lĩnh vực; về các chế độ phụ cấp lương, từ 10/2004 đến nay, Chính phủ đã quy định bổ sung 15 chế độ phụ cấp lương, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, bổ sung đối tượng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, sửa đổi, bổ sung phụ cấp đối với một số ngành và công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội nhằm khuyến khích, thu hút cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng khó khăn hoặc theo điều kiện lao động của ngành nghề; về chế độ nâng bậc lương, nâng ngạch, đã thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu của chế độ tiền lương năm 1993, đồng thời bổ sung chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, việc thi nâng ngạch được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho những người có tài năng (trình độ, kinh nghiệm) được bổ nhiệm và xếp lương ở ngạch cao hơn; về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính (theo Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ), các đơn vị Khoa học và Công nghệ đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm (theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ), các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính (theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; về các giải pháp tạo nguồn, đã thực hiện nhiều giải pháp từ nhiều nguồn khác nhau thay cho chỉ có một nguồn ngân sách Trung ương như trước đây, việc đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và cơ chế dành nguồn được thực hiện kịp thời, đã có 20 tỉnh, thành phố tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2011.

Mặc dù Đảng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, biện pháp nhằm thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, nhưng từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thấp hơn so với giai đoạn 2003 - 2007, lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, nên tuy Chính phủ đã chú trọng đến việc điều chỉnh tiền lương nhưng đời sống của người hưởng lương gặp khó khăn. Qua khảo sát tại các Bộ và địa phương, hơn 98% ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là thấp, chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương; nhiều ý kiến đề nghị mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để động viên khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó, tận tâm với công việc, làm tròn trách nhiệm công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng v.v…

Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường  trình bày Báo cáo tại Hội thảo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương; đề xuất một số định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012 - 2020 như sau: Tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2012 -2020 đã được Đại hội XI của Đảng thông qua; tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; kiên quyết khắc phục những bất hợp lý về tiền lương và trợ cấp xã hội phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; gắn cải cách tiền lương với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị; cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cho cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội để họ gắn bó với bộ máy nhà nước và làm tròn trách nhiệm công vụ của mình, góp phần phòng, chống tham nhũng. Tiền lương của cán bộ, công chức phải hợp lý trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương khu vực thị trường để thu hút và giữ nhân tài làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, theo đó cần xác định hệ số chênh lệch cao hơn giữa tiền lương của cán bộ, công chức so với tiền lương của lao động khu vực thị trường; cải cách chính sách tiền lương phải trên cơ sở hình thành cơ chế riêng đối với từng khu vực (hành chính, lực lượng vũ trang, sự nghiệp, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công) và thay đổi kết cấu mục lục ngân sách nhà nước cho phù hợp.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Giám đốc Dự án UNDP  Bộ Nội vụ Đinh Duy Hoà phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng đã nghe các bài tham luận của Đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các Sở Nội vụ; Đại diện UNDP tại Việt Nam và ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tham dự Hội thảo. Các bài tham luận tập trung nêu lên kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án cải cách chính sách tiền lương trong thời gian qua và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia trong Hội thảo; xác định việc thể chế hóa công tác tiền lương cần quán triệt quan điểm về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tiền lương trong giai đoạn tới./.

Tin: Bình Minh, ảnh: Hoàng Hải
Tìm kiếm