Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, và đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo gồm có đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Điều; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án; đại diện cấp Vụ một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tổ chức cán bộ và bình đẳng giới; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định việc xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, quan tâm, tạo điều kiện. Đồng thời để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để báo cáo đảm bảo chất lượng, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xác đáng gửi Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các chuyên gia, đại biểu đóng góp ý kiến tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: Hoàn thiện hệ thống thể chế về công tác cán bộ nữ; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ, xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận; chính sách đối với cán bộ nữ khi luân chuyển, điều động; kiện toàn, sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý nữ các cấp; vai trò của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá công tác cán bộ nữ đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; đã từng bước lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và trong bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân đã có nhiều tiến bộ trong các nhiệm kỳ vừa qua; tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý có xu hướng tăng lên, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị của đất nước. Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức được tạo điều kiện tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cao hơn so với nam giới.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại sau: Quan điểm, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò và năng lực của phụ nữ còn hạn chế, chưa quán triệt đầy đủ chủ trương công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước; một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nữ cán bộ; Chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng, đầy đủ để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện công tác quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ; một bộ phận nữ cán bộ, công chức, viên chức còn tự ti, chưa mạnh dạn khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội...
Qua đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cho Đề án: rà soát chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo và quy phạm pháp luật về tăng cường phụ nữ tham chính để thực hiện thống nhất trong cả nước, như quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới và phù hợp với tình hình thực tế nước ta.
Đẩy mạnh triển khai Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2016 phê duyệt đề án thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020; phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ; khảo sát, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng kế hoạch và quy hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ tại cơ quan nhà nước theo quy định.
Tích cực kết hợp với các cơ quan liên quan triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Quang cảnh buổi Hội thảo