Tham dự Hội thảo có Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; Các đồng chí Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Mạnh Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội PGS.TS Nguyễn Minh Phương; Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Huyền Hạnh; các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện lãnh đạo, chuyên viên bộ phận kế hoạch, tài chính; bộ phận quản lý khoa học và tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc các đơn vị: Học viện Hành chính quốc gia; Trường đại học Nội vụ Hà Nội; Ban Tôn giáo Chính phủ; Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Vân - Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển khoa học và công nghệ cũng như những đóng góp của 05 tổ chức khoa học và công nghệ là Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính - Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Nghiên cứu và Phát triển – Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Viện Nghiên cứu tôn giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung tâm khoa học và công nghệ Văn thư, Lưu trữ - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước vào việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, pháp luật phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước phát biểu tại Hội thảo
Trong quá trình hoạt động và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ còn không ít khó khăn, trong đó có việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ. Các sản phẩm khoa học thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ khó chuyển giao và thương mại hóa dẫn đến chưa có nguồn thu từ việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học
TS. Nguyễn Ngọc Vân mong muốn Hội thảo sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm, tập trung bàn kỹ về 02 nội dung: triển khai cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ và nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học của các công chức, viên chức tại các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ đến năm 2020, qua đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng các nghiên cứu khoa học tại các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ, giúp các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ xây dựng phương án Đề án có chất lượng, phù hợp với thực tiễn để thực hiện trong giai đoạn mới.
Tại Phiên làm việc thứ 1, PGS.TS Nguyễn Minh Phương đã trao đổi, chia sẻ sâu về nội dung “Kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu khoa học tại các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ”. Bàn về xác định chủ đề nghiên cứu, TS. Nguyễn Minh Phương cho rằng xác định tên đề tài khoa học, chọn đúng vấn đề nghiên cứu là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng về thực tiễn và lý luận, tuy nhiên ông cũng lưu ý nếu không đủ nguồn lực thì cũng không nên thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trao đổi tại Hội thảo
Trao đổi về nội dung do TS. Nguyễn Minh Phương nêu ra “Tại sao đề tài nghiên cứu đăng ký lại bị Hội đồng thẩm định loại?”, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước lý giải Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước có nhiều nhóm vấn đề cần nghiên cứu, nhu cầu nghiên cứu lớn và đăng ký theo năm, tuy nhiên giữa đề nghị của đơn vị quản lý và chuyên gia thẩm định còn chưa phù hợp với nhau, kinh phí được cấp cũng chưa đáp ứng được và cách thuyết minh của đơn vị đăng ký đề tài nghiên cứu cũng chưa đủ thuyết phục. Về vấn đề này, ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng đề tài nghiên cứu bị loại, không đươc lựa chọn cũng bình thường và cá nhân người đăng ký đề tài cũng nên xem xét lại.
Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Hội thảo
Phiên làm việc thứ 2 được tiếp tục với nội dung “Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai cơ chế tự chủ tại các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ”
Về phương án tự chủ tài chính, Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo đề nghị phân loại là đơn vị sự nghiệp hạch toán độc lập và do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động; Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đề nghị phương án tự chủ tài chính của Viện giai đoạn năm 2019-2021 là đơn vị tự chủ một phần kinh phí ngân sách chi thường xuyên, nhu cầu kinh phí ngân sách cấp theo phương án tự chủ 60,9%; Trung tâm Khoa học và công nghệ Văn thư – Lưu trữ đề xuất giữ nguyên mô hình là tổ chức khoa học và công nghệ công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên; Viện Nghiên cứu và Phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đề xuất là tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ là tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Trao đổi về một số khó khăn chung đối với các đơn vị trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Tôn giáo đã nêu những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP. Bà cho rằng đặc thù của ngành Tôn giáo hiện nay là các nhiệm vụ cần bảo mật thông tin, các sản phẩm khoa học không mang lại giá trị thương mại dẫn đến khó có thể thực hiện cơ chế tự chủ. Nguồn thu của Viện chủ yếu từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các cấp có thẩm quyền giao, phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nguồn thu từ việc thực hiện dịch vụ công hầu như chưa cao. Các sản phẩm khoa học mang tính lý thuyết, không thể ứng dụng vào sản xuất mà phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo cho nên không có đầu ra và nguồn thu. Bà cũng cho rằng quá trình thực hiện cơ chế tự chủ không đồng nghĩa với tư tưởng nhất định phải xã hội hóa, “thoát bao cấp” về mặt tài chính, dẫn tới việc bằng mọi giá phải “giảm chi”, tinh giản biên chế mà thậm chí có những đơn vị khoa học và công nghệ cần phải được tăng đầu tư, đặc biệt đối với các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội thì cần phải đánh giá kỹ lưỡng hơn những tổ chức nào tự chủ được, thu hút xã hội hóa được, bởi vì trong khoa học có những lĩnh vực có thể xã hội hoá được, có những lĩnh vực nghiên cứu không thể xã hội hoá.

Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ
Nguyễn Thị Diệu Thúy phát biểu tại Hội thảo
Ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính quốc gia chia sẻ về nhiệm vụ được giao ngày càng tăng, viên chức quản lý tăng, cán bộ giúp việc tăng, nhưng kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên cho bộ máy hoạt động càng ngày càng sụt giảm, nguồn tài chính ổn định đảm bảo điều kiện xây dựng phương án tự chủ tài chính của Viện còn gặp nhiều khó khăn. Viện phải tự cân đối chi, tiền lương hợp đồng chưa được ngân sách quan tâm, do vậy nguồn thu năm 2018 chỉ mới bù đắp được các chi phí này, chưa tạo được tích lũy tại Viện, mặt khác tính chất nguồn thu là khai thác theo nhu cầu xã hội có nhiều cạnh tranh, phần chênh lệch thu chi phải thực hiện trích về bù đắp chi phí chung của Học viện.
Bà Nguyễn Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và công nghệ Văn thư – Lưu trữ cũng cho rằng việc triển khai cơ chế tự chủ của Trung tâm khá khó khăn bởi các kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm khó thương mại hóa vì phạm vi ứng dụng của các đề tài hẹp, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, để triển khai cơ chế tự chủ của Trung tâm Khoa học và công nghệ Văn thư - Lưu trữ, Trung tâm phải cung cấp được dịch vụ với yêu cầu cao hơn về chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và có thể cạnh tranh với các đơn vị cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của Trung tâm chưa đáp ứng được hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ, thực hiện các dịch vụ công.
Đề xuất các giải pháp kích thích tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ, bà Nguyễn Thị Hoa, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đề nghị trao quyền tự chủ cao hơn cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập; cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Bà cũng đánh giá cao Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã được nhìn nhận như một bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động, trong việc thúc đẩy có chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, để chính sách mới đi vào thực tiễn, cần có sự quyết tâm rất lớn của các cấp chính quyền.
Trao đổi tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Mạnh Quân đề nghị các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ thực hiện cần có lộ trình, bên cạnh đó các cơ chế chính sách cần đồng bộ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng cần được thực hiện song song, phù hợp với từng đơn vị. Ông lưu ý đối với Viện Nghiên cứu khoa học hành chính thuộc Học viện Hành chính quốc gia và Viện Nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội thì cơ chế tự chủ cần theo tự chủ của Học viện và Trường.
Đồng tình với ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Mạnh Quân, đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ cũng đề nghị Bộ Nội vụ gấp rút hoàn thành phương án tự chủ của các đơn vị bởi ảnh hướng tới chính quyền lợi của các đơn vị khi thực hiện cơ chế tài chính trong năm. Về định hướng tự chủ trong giai đoạn tới, Bộ Nội vụ nên khai thác các nguồn đề án, dự án được giao cho Bộ, sắp xếp tổ chức phù hợp, nâng cao tính tự chủ, tự tìm nguồn thu.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Vân - Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước đã đánh giá cao nội dung thảo luận của 2 phiên làm việc và đề nghị các đơn vị sớm chỉnh sửa, hoàn thiện phương án tự chủ của các đơn vị để báo cáo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thẩm định.
Hà Nguyên