BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương"

12/10/2016 22:33

Sáng ngày 12/10/2016, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương".

TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ của các Bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc hội; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên Sở Nội vụ 13 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hòa Bình và Nam Định); Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền lương; Thành viên Tổ biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay; mối liên hệ giữa cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đối với vấn đề đặt ra hiện nay, như: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác cải cách hành chính; đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các chính sách có liên quan (bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công). Đồng thời, phân tích bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam, các thuận lợi, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến cải cách tiền lương ở nước ta để xác định vai trò và nguồn lực dành cho cải cách tiền lương trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn tới. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo lần này, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định chính sách tiền lương là một chính sách rất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của người hưởng lương mà cỏn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên quan đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, quan hệ giữa các ngành, nghề, các khu vực. Đặc biệt, đây là động lực để thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và sự ổn định kinh tế - xã hội. Vì vậy, cải cách chính sách tiền lương là một trong những trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và cũng là một nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công được Chính phủ phân công phối hợp cùng với các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu dự Hội thảo với tinh thần nghiêm túc, tập trung, khẩn trương, hoàn thành các nội dung công việc đã đề ra để từ kết quả Hội thảo, Bộ Nội vụ có thể tổng hợp, hoàn thiện Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà quản lý trình bày tham luận liên quan đến các vấn đề: Cải cách cơ bản chính sách tiền lương giai đoạn 2011 - 2020, vấn đề và giải pháp; Mối quan hệ của chính sách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính; Đổi mới chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay và định hướng cải cách trong thời gian tới; Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ cấu chi ngân sách đặt trong bối cảnh tái cơ cấu chi tiêu công, xây dựng cơ cấu ngân sách bền vững, lành mạnh; Nguồn lực để cải cách tiền lương công chức; Tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị đến cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; Vấn đề tách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công; Cơ sở lý luận và thực tiễn về cải cách chính sách tiền lương quân đội giai đoạn 2018 - 2021 và Vai trò của cải cách chính sách tiền lương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS. Thang Văn Phúc cho rằng tiền lương hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước; thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương... ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức nhất là khi thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện nay, thực sự là một hệ thống phức tạp, manh mún, phá vỡ tính hệ thống, tính thứ bậc, trật tự, kỷ cương của nền hành chính. Do đó, hiệu lực thực thi công vụ thấp, hệ thống tiền lương cần được thiết kế lại một cách khoa học, phù hợp và đơn giản.
Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì tốc độ điều chỉnh trượt giá, đảm bảo tiền lương thực tế tăng chậm dần; tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; không gắn nhiều với cải cách hành chính; tiền lương thực hiện (thực nhận) ngày càng bình quân, chắp vá, phá vỡ quan hệ tiền lương chung.
Trình bày quan điểm về cải cách chính sách tiền lương, ông Đặng Như Lợi cho rằng trước tiên cần xác định rõ, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), lực lượng vũ trang (LLVT) khác với tiền lương của người lao động trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thứ hai, cần bảo đảm cho CB,CC,VC, LLVT sống được với tiền lương bình quân ít nhất bằng tiền lương bình quân của lao động trong doanh nghiệp và thứ ba, tập trung nghiên cứu, thay đổi cơ chế, chính sách có tính đột phá, mạnh mẽ nhằm tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong khu vực  sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hạch toán kinh tế (không hạch toán kinh doanh, trừ trường hợp cụ thể).


TS. Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tham luận tại Hội thảo

Hội thảo cũng dành thời gian để các chuyên gia, các nhà quản lý trao đổi, thảo luận về các vấn đền liên quan đến bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới. Từ đó, đưa ra các dự định về khả năng cải cách tiền lương của Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 12 - 13/10/2016.

Toàn cảnh Hội thảo

Tin, ảnh: Anh Cao
Tìm kiếm