Tham dự Hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Thang Văn Phúc, Văn Tất Thu, Trần Thị Hà; các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, lịch sử của Bộ Nội vụ từ khi thành lập đến nay gắn liền với sự ra đời và phát triển của nhà nước cách mạng, với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước qua các giai đoạn lịch sử.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra đời. Trong cơ cấu Chính phủ có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
75 năm qua, trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng dù ờ bất kỳ giai đoạn nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, tuy chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi có sự thay đổi theo yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ nhưng Bộ Nội vụ luôn giữ một vị trí rất quan trọng trong cơ cấu của Chính phủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Bộ và ngành Nội vụ đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy, giao phó...
Thành tích của Bộ, ngành Nội vụ đạt được trong 75 năm qua bắt nguồn từ lòng trung thành với Đảng, với Nhân dân, sự cố gắng, tận tụy và ý thức trách nhiệm của tập thể các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, đồng thời, đó cũng là kết quả của sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là của Chính phủ qua các thời kỳ.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm sáng tỏ vai trò, vị trí của Bộ, ngành Nội vụ và những đóng góp của Bộ, của ngành vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong 75 năm qua, đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo
Với vai trò là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để đưa được khái niệm “cải cách hành chính nhà nước” vào trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ đã có một quá trình chuẩn bị, nghiên cứu từ nhận thức, lý luận khoa học đến thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật của UNDP và cộng đồng quốc tế.
Bộ Nội vụ đã chủ động đề xuất các hình thức, phương pháp thực hiện các nội dung cải cách hành chính và xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành và của cán bộ, công chức, viên chức.
Các kết quả thực hiện cải cách hành chính trong hơn 20 năm qua đã góp phần đáng kể vào tiến trình cải cách cơ bản tổ chức bộ máy nhà nước. Chuyển quản lý nhà nước từ vi mô sang vĩ mô, từ trực tiếp sang gián tiếp bằng pháp luật, chính sách và kiểm tra, kiểm soát toàn xã hội. Chuyển từ cơ chế quản lý “xin - cho” sang cơ chế phục vụ Nhân dân, phục vụ phát triển là một quá trình cải cách phức tạp và lâu dài cần được Đảng, Nhà nước kiên định, nhất quán thực hiện mới nâng cao năng lực quản lý đất nước phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu phát biểu tại Hội thảo
Với tham luận “Bộ Nội vụ - Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và những vấn đề đặt ra”, PGS. TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo Sắc lệnh số 58/SL ngày 03/5/1946, Bộ Nội vụ được giao quản lý 06 ngành, lĩnh vực có tính chất nội vụ khác nhau và mô hình tổ chức của Bộ cũng được tổ chức theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Qua 75 năm phát triển, Bộ Nội vụ luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao quản lý các ngành, các lĩnh vực quan trọng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, có đặc điểm chung là các lĩnh vực công tác có tính chất tổ chức, nội vụ, nội trị nhà nước. Các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ ngày một tăng, tổ chức bộ máy của Bộ ngày càng phát triển và được tổ chức theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, để nhận thức đúng, đầy đủ bản chất, vai trò của tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cần dựa trên quan điểm, nguyên tắc hệ thống trong tổ chức bộ máy, dựa trên mối quan hệ hữu cơ về chức năng, nhiệm vụ, về đặc điểm đặc thù chuyên môn nghiệp vụ, lao động và tính chất lao động giữa các cơ quan, tổ chức đơn ngành, đơn lĩnh vực với nhau, không đơn thuần là sự sáp nhập mang tính chất cơ học.
Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Văn Nhật phát biểu tại Hội thảo
Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1955-1975), PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho rằng, mặc dù có sự điều chuyển tổ chức bộ máy đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức của nhà nước ở Trung ương nhưng hệ thống ngành Tổ chức nhà nước vẫn được duy trì, các nhiệm vụ của Bộ, của ngành vẫn được triển khai thực hiện đạt hiệu quả rất cao.
Thời kỳ này, cán bộ, công chức ngành Tổ chức nhà nước đã đảm đương, hoàn thành nhiều nhiệm vụ to lớn, nổi bật như: kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng và trình Hội đồng Chính phủ các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cải tiến tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ phục vụ kế hoạch 05 năm lần thứ nhất; chỉ đạo công tác bầu cử, xây dựng, củng cố chính quyền địa phương; xây dựng chế độ quản lý và chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu biên chế, tiền lương, chế độ chính sách và bảo hiểm xã hội; điều chỉnh địa giới hành chính và phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính…
Có thể nói, trong thời kỳ 1955-1975, nhất là giai đoạn 1961-1969, Bộ Nội vụ được giao nhiều nhiệm vụ nhất và bất kỳ trong điều kiện nào, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào việc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, chi viện cho cách mạng miền Nam, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh các tham luận đã nêu bật được những thành tích của Bộ, ngành qua 75 năm xây dựng và phát triển, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luân, làm rõ hơn công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành trên các lĩnh vực hiện nay như: công tác cải cách tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; chính sách tiền lương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chính quyền địa phương và địa giới hành chính…
Quang cảnh Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Các đại biểu đều khẳng định rằng, 75 năm qua, Bộ Nội vụ đã không ngừng được xây dựng và phát triển; luôn triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương; thực hiện tốt công tác cán bộ, công chức, công vụ, tiền lương, cải cách hành chính nhà nước, công tác tôn giáo, thi đua, khen thưởng, văn thư, lưu trữ nhà nước… Và trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, Bộ Nội vụ đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước ngày càng chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức Bộ, ngành Nội vụ không ngừng cố gắng, nỗ lực hết mình, xây dựng được đội ngũ có đủ năng lực, bản lĩnh để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Bộ, của ngành Nội vụ./.
Thanh Tuấn