Dự Hội nghị có các đồng chí: đại diện UBND và Sở Nội vụ các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung; đại diện một số ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức hội thanh niên và Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng Luật Thanh niên; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, thanh niên Việt Nam chiếm 24,6% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của thanh niên, là rường cột của nhà nước, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên thay thế Luật Thanh niên năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Việc ban hành Luật Thanh niên có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới; bảo đảm tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Luật Thanh niên cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thanh niên nhằm xây dựng thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức, ý thức công dân và sống có lý tưởng; có học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, để tổ chức triển khai thực hiện Luật Thanh niên có hiệu quả, rất cần có sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Qua Hội nghị này, Bộ Nội vụ mong muốn các cơ quan, tổ chức, đại biểu nắm được các nội dung chính và các chính sách đối với thanh niên được quy định trong Luật Thanh niên, từ đó thấy rõ trách nhiệm để cùng nhau chung tay đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, khẳng định và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam
(UNFPA) phát biểu tại Hội nghị
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho rằng, Luật Thanh niên sửa đổi 2020 đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, các bộ ngành và các tổ chức thanh niên giải quyết các vấn đề phát triển thanh niên trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ chuyên môn được giao ở cấp địa phương.
Luật cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ trong việc thực hiện Luật Thanh niên cũng như các sáng kiến và hoạt động liên quan đến thanh niên hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, bà nêu ra một số nội dung sau:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Luật Thanh niên và các chính sách liên quan đến thanh niên, cũng như lồng ghép công tác thanh niên vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này đòi hỏi cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở chuyên môn với sự điều phối của Sở Nội vụ và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, để cùng xác định các ưu tiên về phát triển thanh niên của địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh nhằm giải quyết các ưu tiên phát triển thanh niên với hiệu quả kinh tế. Trong cơ chế này, lãnh đạo UBND tỉnh cần hiểu về quyền của thanh niên một cách đầy đủ và tính cần thiết của việc lồng ghép công tác thanh niên trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, ở cấp địa phương, việc làm rõ vai trò quản lý nhà nước về công tác thanh niên của Sở Nội vụ, vai trò huy động thanh niên của Đoàn Thanh niên và vai trò của các sở, ban, ngành trong công tác phát triển thanh niên của ngành là rất quan trọng. Cụ thể, Sở Nội vụ điều phối hiệu quả các sở chuyên môn như Sở Y tế, Sở GD & ĐT và Sở LĐTBXH là rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển thanh niên của tỉnh, nhằm hỗ trợ và tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các quyết định của tỉnh về chương trình phát triển thanh niên của địa phương. Điều phối hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề phát triển thanh niên xuyên suốt sẽ giúp các UBND tỉnh quản lý và giám sát việc thực thi Luật Thanh niên hiệu quả.
Thứ ba, tác động của Luật Thanh niên và các chính sách liên quan đến thanh niên cần được giám sát qua các chỉ số phát triển thanh niên quốc gia trong khuôn khổ phát triển thanh niên ASEAN bao gồm chỉ số phát triển ASEAN. Do đó, việc thu thập số liệu, phân tích số liệu, báo cáo kịp thời và đầy đủ về sự phát triển của thanh niên từ các tỉnh là rất quan trọng cho việc ra quyết định dựa trên bằng chứng ở cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Bà Naomi Kitahara cũng mong muốn, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh sẽ đưa ra cơ chế đối thoại với thanh niên và thảo luận các vấn đề ảnh hưởng đến thanh niên ở tỉnh. Ở cấp quốc gia, Bộ Nội vụ đã tạo các diễn đàn thảo luận với thanh niên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Thanh niên và đây là một ví dụ điển hình. Đại diện của Nhóm tư vấn thanh niên do LHQ tại Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cùng thành lập có thể hỗ trợ thanh niên thực thi Luật Thanh niên và tổ chức các cuộc đối thoại thanh niên ở cấp địa phương.
Bà Naomi Kitahara cũng tin tưởng thanh niên Việt Nam có thể đóng góp đáng kể trong việc ra quyết định và cung cấp các giải pháp cụ thể, độc đáo và hiện đại phù hợp với họ ở cấp tỉnh và cộng đồng. Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, có lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Vì vậy, cần có đầu tư chiến lược ngay từ bây giờ cho thanh niên để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo giới thiệu một số nội dung mới của Luật Thanh niên năm 2020
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo đã giới thiệu một số nội dung mới của Luật Thanh niên năm 2020, về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; những tư tưởng đổi mới trong Luật về vị thế của Đoàn Thanh niên, các tổ chức hội thanh niên...
Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long phổ biến một số nội dung cần triển khai thực hiện và trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Thanh niên
Phổ biến một số nội dung cần triển khai thực hiện và trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Thanh niên, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long đề nghị các Bộ, ngành và địa phương căn cứ nội dung kế hoạch và tình hình thực tiễn, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mình. Hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc triển khai thực hiện Luật thanh niên năm 2020.
Thành viên nhóm Tư vấn Thanh niên (do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng sáng lập) Đỗ Thúy Quỳnh trình bày về trách nhiệm và vai trò của thanh niên trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật Thanh niên
Phát biểu tại Hội nghị, Thành viên nhóm Tư vấn Thanh niên Đỗ Thúy Quỳnh cho rằng, thanh niên là người đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện Luật và các chính sách thanh niên. Nếu được trao quyền và tạo điều kiện tốt, thanh niên hoàn toàn có thể tham gia đề xuất các sáng kiến, dự án và các đề án mới để cùng các đối tác nhà nước ở các tỉnh, thành phố thực hiện các chính sách được đề ra trong Luật Thanh niên mới.
Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông thường, thanh niên cần phát triển hơn nữa những phương thức giáo dục đồng đẳng mới nhằm giúp Luật và chính sách đi vào đời sống tốt hơn.
Thật hữu ích nếu thanh niên tham gia vào các đánh giá và phản hồi về chính sách bởi khi có càng nhiều nhóm đưa ra đánh giá, báo cáo thì những người làm chính sách sẽ có góc nhìn đa dạng hơn, có nhiều thông tin, dữ liệu để thực hiện các sửa đổi.
Quang cảnh Hội nghị
Thu Trang