Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Sáng ngày 05/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018
Tham dự Hội nghị tập huấn có Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Đức Toàn; đại diện lãnh đạo và các công chức, viên chức được phân công làm nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ. Các báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn là các chuyên gia của Bộ Tư pháp: ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp Hoàng Xuân Hoan.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật trong tiến trình đổi mới, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển hiện nay.
Đối với Bộ Nội vụ, các đơn vị liên quan đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 06 dự án Luật gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; (3) Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); (4) Luật Thanh niên (sửa đổi); (5) Luật về Hội; (6) Nghiên cứu, xây dựng Đề án về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Đức Toàn khẳng định tầm quan trọng của công tác xây dựng chính sách pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi phải phối hợp với nhiều Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và thực hiện theo quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với Bộ Nội vụ, số lượng dự án Luật được giao chủ trì hiện rất lớn, dồn vào một giai đoạn ngắn, với thời hạn thực hiện gấp nên công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn. Riêng thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7, Bộ Nội vụ được giao sửa đổi, bổ sung 4 Luật và hàng loạt các Nghị định, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Việc sửa đổi bổ sung các Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đặt ra nhiều nội dung mới, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và phối hợp với các cấp, các ngành để thực hiện.
Bên cạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua Vụ Pháp chế đã và đang cùng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, các đơn vị trong ngành Nội vụ kiểm tra và tự kiểm tra một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ ban hành, do các Bộ ban hành và do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành để kịp thời đề xuất các biện pháp hoàn thiện thể chế pháp luật. Khối lượng công việc, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật là rất lớn, đòi hỏi công chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nắm vững kiến thức, quy trình, kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như phương pháp, kinh nghiệm kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, nhằm rút ra các bài học giá trị để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tốt hơn, đảm bảo tính khả thi và tránh tối đa những sai sót về cả nội dung và hình thức văn bản.
Để Lớp tập huấn thật sự thành công, đạt được mục tiêu đề ra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Đức Toàn đề nghị các công chức tham gia Hội nghị chủ động, tích cực thảo luận, trao đổi thông tin, hỏi đáp với các đồng chí Báo cáo viên để lĩnh hội tốt các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm có liên quan để có thể áp dụng hiệu quả trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu có vướng mắc, Vụ Pháp chế sẵn sàng làm đầu mối để các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ liên hệ, phối hợp công tác xây dựng văn bản QPPL cũng như kiểm tra (tiền kiểm, hậu kiểm) cũng như làm cầu nối với các đơn vị liên quan của Bộ tư pháp để hỗ trợ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực Nội vụ.
Khóa học diễn ra trong ngày 05/10/2018 với các 02 nội dung chính: Lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng báo cáo tác động về chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Một số kinh nghiệm trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới” do các báo cáo viên của Bộ Tư pháp trình bày.
Tin, ảnh: Phương Hằng