BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia tổ chức Khai mạc triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ”

26/01/2024 17:59

Chiều ngày 26/01/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ”. Triển lãm sẽ phác hoạ không gian các hội đấu xảo quan trọng trong nước và quốc tế, nơi hội tụ tinh hoa Việt từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Không chỉ vang bóng trong quá khứ, ngày nay tinh hoa Việt vẫn luôn được các thế hệ duy trì và phát huy trong thời kì hội nhập. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng dự và phát biểu khai mạc.

Tham dự Lễ khai mạc có ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc Triển lãm

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, “Đấu xảo” là một từ Hán-Việt, có thể hiểu là “hội thi đấu về sự tinh xảo”. Đây là cách gọi cũ của hoạt động hội chợ, triển lãm, được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm hàng hóa, từ đó tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Các hoạt động này đã xuất hiện từ xa xưa trên thế giới dưới nhiều hình thức. Thông qua Triển lãm, công chúng sẽ nắm bắt được lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và những nét đặc sắc trong văn hóa, xã hội thời Pháp thuộc.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng mong muốn Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia nói chung, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn đề tài và tổ chức nhiều cuộc triển lãm để giới thiệu đến công chúng, những nhà nghiên cứu khoa học, học sinh, sinh viên nhằm tiếp tục lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa, phát huy hơn nữa giá trị tài liệu lưu trữ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ” giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo tiêu biểu có sự tham gia của Việt Nam, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi.

Ở Việt Nam, hội đấu xảo trong nước được tổ chức chủ yếu để giới thiệu và trao đổi hàng hoá. Đặc biệt, hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành trong cả nước thời kỳ Pháp thuộc. Hội đấu xảo mang tính quốc tế đặc biệt nở rộ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu vào cuối thế kỷ 19. Nhiều hội đấu xảo thuộc địa hay đấu xảo quốc tế diễn ra tại các thành phố lớn của Pháp, Bỉ hay Mỹ có sự tham gia của Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Sự góp mặt của những hình ảnh mang tính biểu trưng và các loại hàng hoá đặc sắc tại các hội đấu xảo là dịp để thế giới biết đến bản sắc và tinh hoa Việt trong nhiều lĩnh vực.

Quang cảnh Lễ khai mạc Triển lãm

Triển lãm được bố cục thành 2 phần:

Phần 1: Hội Đấu xảo Hà Nội: giới thiệu tài liệu, hình ảnh về một số hội đấu xảo tiêu biểu được tổ chức tại Hà Nội.

Hội đấu xảo Hà Nội

Các hội đấu xảo được tổ chức ở Việt Nam, chủ yếu tại Hà Nội và Sài Gòn ngày càng nhiều kể từ cuối thế kỷ 19. Hội đấu xảo Gia Định tổ chức vào năm Tự Đức 19 (1865) được coi là hội đấu xảo lớn đầu tiên diễn ra tại Nam Kỳ thời Pháp thuộc.

Ở Hà Nội, năm 1887 dưới thời Tổng trú sứ Paul Bert, hội đấu xảo lớn đầu tiên được tổ chức tại Trường thi đặc biệt để giới thiệu các sản phẩm kỹ nghệ của nước Pháp tại Đông Dương. Tại đây, bên cạnh rất nhiều sản phẩm của Pháp, cũng có các gian hàng dành cho thợ thủ công Việt trưng bày các tác phẩm của họ. Trong dịp này, bức tượng Nữ thần tự do thu nhỏ (1/16) được đưa từ Pháp sang trưng bày tại khu vườn trong khuôn viên trường đấu xảo.

Sau đó, ngày 05/5/1899, Toàn quyền Doumer đã quyết định mở hội đấu xảo vào ngày 01/12/1901. Tuy nhiên, ngày khai mạc phải lùi đến ngày 03/11/1902 vì chưa thể khánh thành công trình xây dựng Cung Đấu xảo cho đến cuối năm 1901.

Ý tưởng ban đầu của Toàn quyền Doumer khi mở đấu xảo là để “phô diễn” sự tiến bộ ở Đông Dương, các công cụ thương mại, công nghiệp cũng như các công trình sẽ xây dựng ở thành phố Hà Nội, đồng thời để cho Chính quốc, các thuộc địa khác và các nước thấy được những nguồn lực của Đông Dương về mặt “xuất khẩu” và tạo lập một quan hệ có lợi giữa nhà sản xuất Pháp và người tiêu thụ ở Viễn Đông.

Các đại biểu và công chúng tham quan Triển lãm

Năm 1902, cùng với việc khánh thành Cung Đấu xảo, Hội đấu xảo Hà Nội mở cửa, đã khắc hoạ một dấu mốc đặc biệt về sự góp mặt của hàng hoá từ nước Pháp, từ các thuộc địa Pháp và một số quốc gia châu Á, trở thành một trường đấu mang tính quốc tế. Cung Đấu xảo quy mô lớn, từng được coi là công trình Đấu xảo tráng lệ, xứng tầm với các cuộc đấu xảo quan trọng định kỳ diễn ra tại đây, có sự tham gia của các sản phẩm Việt từ các địa phương trong cả nước bên cạnh các các sản phẩm của Pháp và các nước khác trong suốt thời kỳ Pháp thuộc. Các sự kiện này đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam giới thiệu và bán sản phẩm, thúc đẩy phát triển thương mại, đồng thời khẳng định tính độc đáo và sự tinh xảo trong các tác phẩm trưng bày mang bản sắc Việt trên thị trường.

Khách quốc tế tham quan Triển lãm

Phần 2: Đem chuông đi đánh xứ người: giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các hội đấu xảo thuộc địa và đấu xảo thế giới tiêu biểu có sự tham gia của Đông Dương, đặc biệt tại Pháp.

Những hình ảnh về các hội đấu xảo thuộc địa và đấu xảo thế giới tiêu biểu

Các sản phẩm trưng bày của Việt Nam không chỉ góp mặt ở các hội đấu xảo trong nước mà còn được phô diễn tại nhiều cuộc đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới ở các thành phố lớn của Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không chỉ tham dự đấu xảo với các sản phẩm hàng hoá, hình ảnh mang bản sắc Việt cũng đặc biệt được giới thiệu dưới nhiều hình thức.

Năm 1866, Triều đình nhà Nguyễn đã cử một phái đoàn sang Pháp để tham quan hội đấu xảo thế giới tổ chức lần thứ 2 tại Paris vào năm 1867. Đây là lần đầu tiên các tác phẩm điêu khắc Chăm được giới thiệu. Tuy nhiên, lần này chưa có hình ảnh hay sản phẩm nào của người Việt tham dự.

Học sinh, sinh viên tham quan Triển lãm

Tại đấu xảo thế giới năm 1878 tổ chức lần thứ 3 tại Paris, lần đầu tiên, một số sản phẩm của Nam Kỳ tham dự hội đấu và mang về khá nhiều huy chương. Các sản phẩm từ Nam Kỳ thu hút được sự quan tâm của người phương Tây và được Tổng thống Pháp, Bộ trưởng Thuỷ lợi, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thương nghiệp và Khâm phái các nước khen ngợi. Các sản phẩm Việt cũng được đánh giá cao tại các hội đấu xảo tại Paris, Marseille, Lyon, San-Francisco, New York, Bruxelles sau đó.

Các tác phẩm tham dự đấu xảo của Việt Nam thu hút người phương Tây bởi vẻ tao nhã, độ tinh xảo và sự độc đáo của chúng. Một số sản phẩm, hình ảnh và đồ trưng bày thực sự mới lạ đối với khách tham quan. Trong số các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam thời kỳ đó, hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 đã giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm hàng hóa của Đông Dương một cách phong phú và đa dạng nhất. Hình ảnh Đông Dương đặc biệt thu hút khách bởi các công trình kiến trúc đặc trưng của mỗi xứ. Bên cạnh công trình đặc biệt ấn tượng là khu đền Angkor Wat của xứ Cao Miên, các công trình của người Việt mang bóng dáng của các kiến trúc tiêu biểu của 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ cũng mang lại sự thích thú cho người xem. 

Không chỉ dự đấu xảo ở Paris, sản phẩm của người Việt còn xuất hiện tại nhiều hội đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới hay đấu xảo kĩ nghệ ở các thành phố khác như Marseille, Lyon… (Pháp), San Francisco, New York (Mỹ) hay Bruxelles, Liège (Bỉ)…được khách tham quan quốc tế quan tâm và khen ngợi.

Đông đảo các cơ quan báo chí đến đưa tin về Triển lãm

Thông qua Triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu cho đông đảo công chúng nguồn tài liệu lưu trữ phong phú và có giá trị về Việt Nam xưa qua hoạt động đấu xảo, đồng thời tạo nên một không gian khám phá di sản ký ức cho xã hội.

Triển lãm mở cửa đón công chúng tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu từ 8h đến 17h hàng ngày, từ ngày 26/01 đến ngày 30/6/2024 tại Tòa nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Thu Trang
Tìm kiếm