Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Sáng ngày 25 tháng 10 năm 2014, tại Đại Lải - thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Công đoàn Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính năm 2014 (Hội nghị).
Đồng chí Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Chủ tịch Công đoàn Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Thanh Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc; hơn 60 đại biểu là Uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Bộ và đại diện Công đoàn viên các Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Chủ tịch Công đoàn Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Cải cách hành chính là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, bảo đảm sự ổn định của chính trị - xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Để làm tốt công tác cải cách hành chính, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Nội vụ là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức đội ngũ công chức, viên chức thực thi công vụ. Đồng chí Thái Quang Toản đề nghị đại biểu tham dự cần tập trung, tích cực lắng nghe ý kiến của các Diễn giả để khi thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị mình trong thời gian tới, đoàn viên công đoàn sẽ có những giải pháp tích cực được áp dụng tại đơn vị, đảm bảo hoàn thành có chất lượng cao các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính trình bày 02 chuyên đề: Kết quả triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện và Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nói chung và cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp huyện nói riêng. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt, tích cực. Thông qua triển khai có thể khẳng định: (1) Đây là một cơ chế tốt, qua thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, được người dân, tổ chức đánh giá là một biện pháp cải cách tích cực của chính quyền. (2) Trong khi Trung ương chưa có hướng dẫn chính thức, các địa phương đã chủ động và có nhiều nỗ lực trong thực hiện cơ chế này. Đây là bước đi sáng tạo của các địa phương trong triển khai cơ chế một cửa cấp huyện theo quy định của Chính phủ. (3) Qua thực tiễn triển khai đã góp phần định hình tương đối rõ mô hình chuẩn của cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện. (4) Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có vai trò hết sức quan trọng, góp phần làm cho hoạt động của cơ quan hành chính hiệu quả hơn, tính công khai, minh bạch của hành chính được thể hiện tốt hơn.
Trong xu thế xây dựng một nền hành chính hiện đại, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn thì việc đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là vô cùng cần thiết. Việc đánh giá này nhằm mục đích để cơ quan hành chính nhà nước biết được những mặt mạnh, mặt yếu của mình trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công để từ đó có những giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cá nhân, tổ chức. Tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giải đoạn 2011 – 2020 đã xác định mục tiêu “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80%;… sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020”. Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là một nội dung cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng công tác quản lý nhà nước nói chung và cung cấp dịch vụ hành chính công nói riêng. Vì vậy, để có một phương pháp chung, thống nhất về sự đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì Đề án "Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện và ngày 28/12/2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-BNV về việc phê duyệt Đề án xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, tiến hành xác định các yếu tố đo lường, phân tích các tiêu chí, tiêu chí thành phần và cuối cùng là xây dựng bộ câu hỏi điều tra xã hội học gắn với bộ tiêu chí đã xây dựng và tổ chức điều tra, khảo sát ý kiến người dân, tổ chức để từ đó tính toán, xác định chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính nói chung và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nói riêng tại tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian vừa qua.