Tham dự buổi làm việc phía đoàn Bộ Nội vụ ông Hoàng Quốc Long - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ; đại diện Ban Tổ chức - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng các đồng chí là chuyên viên chính, chuyên viên Bộ Nội vụ thành viên đoàn; phía tỉnh Lâm Đồng có đại diện Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp và đông đủ đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - đoàn thể tỉnh.
Trên tinh thần trao đổi, chia sẻ thông tin, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đề xuất: Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nghị định số 98/2014/NĐ-CP là sản phẩm của Đề án “Ban hành khuôn khổ pháp lý để hình thành tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” do Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ trình Bộ Chính trị thông qua (Thông báo số 114-TB/TW ngày 22/11/2012). Đó là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục hoàn thiện pháp luật để doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ trưởng đề nghị các đồng chí tham dự làm việc báo cáo, đánh giá làm rõ thuận lợi, khó khăn trong quy định thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung gì để đoàn tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng Trần Hồng Quyết cho biết, nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành văn bản thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo thực hiện; tạo được sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Thực hiện Nghị định số 98 của Chính phủ, từ năm 2014 đến tháng 9/2024, Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh có 53 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc gồm 10 đảng bộ cơ sở, 43 chi bộ cơ sở với 1.444 đảng viên, sinh hoạt Đảng trong các loại hình cơ quan, doanh nghiệp. Các cấp, các ngành đã xem xét, quyết định thành lập 17 tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp, gồm: 5 tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 12 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
Từ năm 2014 đến tháng 9/2024, các cấp, các ngành đã xem xét, quyết định thành lập 17 tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp, gồm: 5 tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 12 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Cùng với việc thành lập tổ chức đảng, các cấp, các ngành cũng thường xuyên quan tâm phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh chỉ đạo cấp ủy cơ sở, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh trực thuộc và chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để thành lập các tổ chức chính trị - xã hội theo đúng quy định. Từ năm 2014 đến năm 2024 đã thành lập 292 tổ chức công đoàn cơ sở với 17.445 đoàn viên; 127 tổ chức đoàn thanh niên với hơn 1.900 đoàn viên.
Bên cạnh những thuận lợi thì các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn còn gặp khó khăn trong việc thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó chủ yếu do quy mô doanh nghiệp nhỏ, lao động làm việc theo ca, làm việc phân tán trên các huyện, thành phố thuộc tỉnh, có doanh nghiệp phần nhiều là lao động hợp đồng thời vụ, không ổn định; chủ doanh nghiệp lo ngại việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như năng suất lao động, kinh phí hoạt động…
Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó với doanh nghiệp và nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp trong triển khai thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động đã phát huy được hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp. Thông qua hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động; kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; ngăn chặn và hạn chế các vụ tranh chấp lao động, đình công, lãn công; từ đó tạo được uy tín với lãnh đạo doanh nghiệp, được doanh nghiệp ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian để hoạt động.
Tại buổi làm việc, đại diện các tổ chức đoàn thể đã thông tin báo cáo thêm về kết quả, ý nghĩa quan trọng của việc thành lập tổ chức đảng, công đoàn tại các doanh nghiệp là hoạt động rất tốt. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế, chất lượng chưa cao; chưa làm cho doanh nghiệp thấy được lợi ích của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; chưa làm tốt công tác tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên.
Phần lớn doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; tỷ lệ các doanh nghiệp thành lập các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội còn thấp; điều kiện hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp còn hạn chế (chủ yếu ngoài giờ hành chính); cấp ủy tổ chức đảng, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội còn yếu về nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể. Sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động chưa chặt chẽ, còn phụ thuộc vào quyết định của chủ doanh nghiệp; chế tài trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động chưa được thực hiện nghiêm; tình trạng một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTT còn xảy ra. Thời gian dành cho người lao động để học tập, nâng cao trình độ mọi mặt chưa được quan tâm…
Các thành viên đoàn công tác đã thông tin, trao đổi thêm một số nội dung liên quan như: Việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại các thành phần kinh tế, trong đó tại doanh nghiệp ngoài nhà nước là rất quan trọng, hoạt động cần đi vào thực chất, giảm thiểu quản lý… đề nghị Lâm Đồng, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên cần có đánh giá kỹ hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn để làm sao hoạt động tốt nhất theo định hướng của Đảng, phát huy hiệu quả. Đề nghị tỉnh cần bám sát thực trạng khó khăn hiện nay tại các doanh nghiệp, cần có chỉ đạo quyết liệt hơn về thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp… cần báo cáo kỹ để Trung ương điều chỉnh cho phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng, thông tin làm rõ thêm một số nội dung đoàn quan tâm, thực tế vẫn còn một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động, phát triển đảng viên, đoàn viên, thành lập tổ chức đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp có lúc còn thiếu chủ động. Một bộ phận công nhân, người lao động nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu đúng và không thiết tha với việc tham gia sinh hoạt đoàn thể. Một số tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chậm đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Trên cơ sở thực tế của Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương, Bộ Nội vụ sớm xem xét bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành quy định mới về việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cho phù hợp với Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích để động viên, khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội tại doanh nghiệp. Đồng thời, có chế tài cụ thể xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không thành lập tổ chức Công đoàn. Từng bước nghiên cứu, đề xuất những doanh nghiệp có đầy đủ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có 3 đến 5 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc chi phí sinh hoạt của tổ chức chính trị - xã hội được tính vào chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Sẽ có đánh giá lại và đề xuất thêm những khó khăn, tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước là rất đáng biểu dương, cần động viên và có chế tài cho doanh nghiệp hoạt động.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Triệu Văn Cường ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Lâm Đồng đạt được trên nhiều lĩnh vực, trong đó thể hiện rõ ở kết quả triển khai Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh uỷ đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời thông qua ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh chỉ đạo thực hiện tốt quy định của Đảng, Nhà nước. Về những vướng mắc cần có đánh giá lại kỹ hơn, sát hơn nữa, đặc biệt là nêu được khó khăn, chế độ, chính sách, điều hành hoạt động… phải thực chất tại doanh nghiệp để Trung ương kịp thời nắm bắt, điều chỉnh.
Đề nghị tỉnh cần tập trung hướng dẫn, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP đến các cấp, các ngành, nhất là trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đây là Nghị định của Chính phủ, đề nghị các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc; các đoàn thể liên quan cần xây dựng kế hoạch, quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức đảng, đoàn thể cho phù hợp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.
Bộ Tài chính đã có hướng dẫn việc tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh các khoản chi hợp lý mà doanh nghiệp đã chi cho tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội để bảo đảm hoạt động (theo Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 98/2014/NĐ - CP); đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung hướng dẫn việc thành lập tổ chức cho phù hợp, tổng hợp báo cáo, đề xuất kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình hướng dẫn thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.
Đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và hoàn chỉnh báo cáo mà Bộ Nội vụ đang được Chính phủ giao tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, trong đó sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh trong đó nhiều khả năng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP trong đó nghiên cứu quy định hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác có buổi thăm, làm việc với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng và Công ty CP Xăng dầu Lâm Đồng để khảo sát thực tế và nắm bắt tình hình hoạt động.