Cùng dự buổi họp báo có ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi họp báo
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng mong rằng, công tác thông tin, truyền thông về những vấn đề xã hội quan tâm cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, thực hiện. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng mong nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các phóng viên và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Nội vụ nhằm làm rõ những thông tin mà xã hội quan tâm theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cung cấp thông tin cho báo chí
Tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và Trung ương 7 khóa XII; tổ chức thực hiện theo chương trình công tác, kế hoạch đã đề ra.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã và đang hoàn thiện các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng đã được Bộ Nội vụ tổ chức nhiều cuộc hội thảo xin ý kiến, hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV theo kế hoạch; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng được Bộ Nội vụ trình Chính phủ đầu tháng 12/2018.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đã hoàn thiện và trình Chính phủ một số nghị định sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, vị trí việc làm, biên chế… và ban hành một số văn bản theo thẩm quyền.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được tổng hợp trên Hệ thống quản lý văn bản, trong đó, số nhiệm vụ đã hoàn thành là 240 (đạt 73,4%); số nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn là 87 (26,6%). Theo chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao 32 nhiệm vụ, Bộ đã trình 28 nhiệm vụ (đạt 87,5%) và đang thực hiện 04 nhiệm vụ (12,5%)…
Năm 2018, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ được đổi mới, hiệu quả; các đơn vị đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề án trình Bộ Chính trị, ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được thông qua theo tiến độ, đạt chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi đã mang lại hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện công việc…
Quang cảnh buổi họp báo
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, ông Vũ Đăng Minh cho biết, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Nội vụ đã xác định phương châm hành động của năm là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin” và đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác truyền thông. Theo đó, xác định được trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể là:
(1) Quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực Nội vụ, đặc biệt là việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII và của Quốc hội; hoàn thành 100% các văn bản, đề án được giao; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành.
(2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
(3) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo môi trường thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.
(4) Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, tăng cường việc gửi nhận bằng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; cải tiến chế độ hội họp, đơn giản hóa thủ tục trong tổ chức cuộc họp thông qua việc ứng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
(5) Tăng cường công tác truyền thông, thông tin về các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Đẩy mạnh xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; coi đây là khâu đột phá trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã trả lời báo chí về các nhiệm vụ liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; những điểm mới, nổi bật trong việc tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ; Đề án Văn hóa công vụ…
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tư Long phát biểu tại buổi họp báo
Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức cho biết một số điểm mới trong Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ đó là, Nghị định đã sửa đổi 03 Nghị định có liên quan đến tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; trong đó, nổi bật là việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, sử dụng và hình thức thi, xét tuyển công chức, viên chức. Cụ thể, không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa… khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Khác với trước đây, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định việc thi tuyển công chức, viên chức sẽ diễn ra trong 02 vòng. Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết.
Về xét tuyển công chức, viên chức cũng tiến hành 02 vòng. Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tại Phiếu đăng ký dự tuyển; Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.
Về điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức, nếu như trước đây, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển thì nay, chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2. Tương tự, người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sĩ… cũng chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng điểm…
Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho biết, xuất phát từ thực trạng thời gian qua, một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện tốt các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, văn hóa công sở, do đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu: Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Trong đó, Đề án đã quy định 04 nội dung của văn hóa công vụ: Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; Chuẩn mực về đạo đức, lối sống và Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ. Một trong các giải pháp đầu tiên phải kể đến là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ góp phần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nền công vụ. Trong đó, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian tới, Viện Khoa học tổ chức nhà nước sẽ phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng phát biểu tại buổi họp báo
Liên quan đến Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, mục tiêu của Nghị quyết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của hầu hết nhân dân. Trước mắt áp dụng cho các đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2019-2021; sau tổng kết, tiếp tục hoàn thiện phục vụ cho giai đoạn tiếp theo. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp. Tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những địa phương trong kế hoạch thực hiện đề án này.
Về số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải sắp xếp, ông Phan Văn Hùng cho biết, trong giai đoạn đầu sẽ sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 631 đơn vị cấp xã.
Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và tin tưởng trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trong việc tuyên truyền sâu đậm hơn các kết quả Bộ Nội vụ đã thực hiện trong thời gian qua và các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Những thông tin cần bổ sung để làm rõ hơn nội dung quan tâm của cơ quan báo chí, Thứ trưởng đề nghị Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, người phát ngôn của Bộ chủ động, cầu thị cung cấp thông tin cho báo chí để chia sẻ những kết quả và nhận được sự góp ý của nhân dân nhằm hoàn thiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ./.
Thanh Tuấn