BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống ISO 9001:2015

03/04/2020 12:51

Ngày 01/4, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 1685/KH-BNV duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của Bộ Nội vụ năm 2020.

Là tiêu chí để đánh giá tập thể, cá nhân

Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện tốt Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động tại cơ quan. Qua đó, giải quyết công việc hợp lý, khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, giúp lãnh đạo Bộ dễ dàng kiểm soát được quá trình xử lý công việc của các đơn vị. Đồng thời, đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ. 

Để đạt được mục đích trên, Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đối với tất cả các hoạt động liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Xây dựng, duy trì và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng phải gắn với việc quản lý các hoạt động nội bộ, hoạt động khác của cơ quan để nâng cao hiệu quả công tác quản lý. 

Đồng thời, thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời các quy trình giải quyết công việc, tuân thủ các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo, các đơn vị và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng. 

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị xác định việc duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống ISO 9001:2015 là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là tiêu chí để đánh giá thi đua, khen thưởng đối với các tập thể và từng cán bộ, công chức. 

8 nhiệm vụ trọng tâm 

Năm 2020, Bộ Nội vụ xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm và giao Văn phòng Bộ (Thường trực Ban chỉ đạo ISO của Bộ) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ thực hiện, bao gồm:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 58 quy trình ISO trong hoạt động của Bộ;

Thứ hai, chủ trì, phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam và các đơn vị xây dựng các quy trình ISO giải quyết TTHC của cơ quan Bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015;

Thứ ba, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ áp dụng các quy trình xử lý công việc đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt;

Thứ tư, trình lãnh đạo Bộ dự thảo Quyết định công bố bổ sung Hệ thống quản lý chất lượng và đăng tải lên Trang tin điện tử Kiểm soát thủ tục hành chính và trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ;

Thứ năm, thuê chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam tư vấn hỗ trợ sửa đổi, bổ sung xây dựng ISO về TTHC và định hướng xây dựng ISO điện tử của Bộ;

Thứ sáu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về áp dụng ISO 9001:2015 vào hoạt động của Bộ; phổ biến các nội dung về xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng…;

Thứ bảy, phối hợp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO của các Ban, Cục…;

Thứ tám, phối hợp với Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước của Bộ và các đơn vị liên quan triển khai tổ chức thông tin, tuyên truyền các hoạt động về xây dựng, áp dụng ISO của Bộ.

Là nội dung bắt buộc của chương trình cải cách hành chính

Bộ Nội vụ yêu cầu các Ban, Cục trực thuộc Bộ căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch Duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị mình gửi Văn phòng Bộ để theo dõi, tổng hợp.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, phải xác định việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của Bộ là nội dung bắt buộc của chương trình cải cách hành chính. Nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. 

Bảo đảm triển khai áp dụng đối với các hoạt động nội bộ, hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; kiểm soát quá trình xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của đơn vị mình. Tạo điều kiện để cán bộ, công chức tham gia đào tạo, nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý chất lượng. 

Cùng với đó, phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo ISO của Bộ, tổ chức đánh giá nội bộ theo định kỳ, kịp thời khắc phục, phòng ngừa, cải tiến hệ thống và phát huy hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng tại đơn vị. Định kỳ 06 tháng, báo cáo tình hình thực hiện áp dụng ISO vào hoạt động của đơn vị gửi Thường trực Ban Chỉ đạo ISO của Bộ (Văn phòng Bộ) để tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết…

Thanh Tuấn

Tìm kiếm