BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025

05/05/2025 15:12

Ngày 29/4/2025, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BNV tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; những thiếu sót, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xây dựng báo cáo tổng quan về công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực nội vụ, lao động, người có công và xã hội, từ đó xác định rõ các vấn đề trọng tâm, nổi cộm liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Thông qua việc tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở phục vụ nghiên cứu, tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Nội dung tổng kết

Một là, xác định bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tại Bộ Nội vụ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; thực trạng tình hình tội phạm tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm; vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm.

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm pháp luật hoặc để xảy ra tình hình tội phạm phức tạp, kéo dài, hoạt động lộng hành hoặc bao che tội phạm.

Bốn là, kết quả công tác phòng ngừa tội phạm: đánh giá công tác phòng, chống tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ;
công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm phòng ngừa phạm tội.

Năm là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm: tập trung đánh giá số văn bản pháp luật đã ban hành mới, số văn bản đã được sửa đổi, bổ sung góp phần giải quyết vướng mắc về pháp luật trong phòng, chống tội phạm.

Sáu là, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm.

Bảy là, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và bài học kinh nghiệm.

Tám là, dự báo tình hình và dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới; kiến nghị, đề xuất.

* Quyết định số 623/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016.

- Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội... Tỷ lệ Điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trên tổng số án khởi tố. Hàng năm, bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã (trong đó trên 40% số đối tượng truy nã mới phát sinh).

- Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng Điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự nhất là ở cấp huyện; đảm bảo nguồn lực (nhân lực, vật lực) cho việc tổ chức ghi âm, ghi hình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo lộ trình quy định.

Mục tiêu định hướng đến năm 2030

Trên cơ sở tổng kết đánh giá thực hiện các Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đầu tư nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, duy trì các Mục tiêu đạt được, xác định Mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong từng giai đoạn 05 năm, với định hướng sau:

- Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, giảm các loại trọng án, giảm tội phạm ở các địa bàn trọng Điểm, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

- Xây dựng một xã hội trật tự, văn minh, mọi công dân có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm.

- Nâng cao hiệu quả công tác Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, không để xảy ra oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự.

 

Anh Cao
Tìm kiếm