Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, năm 2014, tình hình tôn giáo trên địa bàn cả nước cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật. Các lễ trọng, đại hội, hội nghị, hoạt động lớn của các tôn giáo được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ và quần chúng nhân dân tham gia, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo vào chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo. Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với công tác nghiên cứu, tổng kết thực hiện, tham mưu, xây dựng và triển khai pháp luật, chính sách về tôn giáo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ và bồi dưỡng cán bộ, năm 2014, cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo các cấp đã làm tốt công tác quản lý các hoạt động tôn giáo, giải quyết các nhu cầu tôn giáo theo đúng qui định của pháp luật, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động phát hiện và thống nhất xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu kiện, khiếu nại về tôn giáo được các cơ quan quản lý ở địa phương quan tâm chủ động giải quyết ở cơ sở. Năm 2014, Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện kiểm tra, rà soát 207 văn bản qui phạm pháp luật và văn bản chứa đựng qui phạm pháp luật liên quan đến công tác tôn giáo.
Công tác đối ngoại được tăng cường, đưa quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng vào chiều sâu, hiệu quả, đặc biệt là quan hệ với Lào, Campuchia và Tòa thánh Vatican. Thông qua các cuộc làm việc, tiếp xúc, trao đổi đoàn, công tác đối ngoại của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo đã có bước tiến quan trọng, giúp bạn bè thế giới hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, cũng như quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.
Chủ động phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết những vụ việc tôn giáo phức tạp, nhạy cảm do các nhóm, đối tượng chống đối lợi dụng kích động nhân dân. Đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo, bảo vệ và đấu tranh nhân quyền trên cơ sở khẳng định chính sách tôn trọng và đảm bảo tự to, tín ngưỡng, tôn giáo.
Trên cơ sở đó, năm 2015, Ban Tôn giáo Chính phủ xác định các nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu hoàn thiện dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10; tập trung tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo, Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tôn giáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ, hội nghị; tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và thông qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luât về tôn giáo nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2014, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế chậm phục hồi, bất ổn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ xảy ra ở nhiều nơi nhưng tình hình trong nước có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế phục hồi, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và quản lý xã hội đạt nhiều kết quả, trong đó có công tác tôn giáo. Đó là nhờ sự đóng góp to lớn của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, trong đó có phần đóng góp trực tiếp của đồng bào có đạo, những người làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Thành công đầu tiên của 2014 là chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các văn bản về công tác tôn giáo. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo tiến hành các hoạt động tôn giáo theo qui định.Thanh kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về tôn giáo được tiến hành thường xuyên; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, chống đối, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết những nhu cầu chính đáng, hợp pháp về tôn giáo của người dân, vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện đúng pháp luật, chính sách tôn giáo, không làm phát sinh điểm nóng về tôn giáo;
Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm hơn và có nhiều tiến bộ; công tác đối ngoại được thúc đẩy theo chiều sâu với Lào, Campuchia, Vatican, EU và khối Ả Rập… góp phần giải quyết vấn đề tôn giáo trong nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác Nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động phối hợp về công tác đấu tranh nhân quyền tiếp tục được duy trì, phối hợp tốt với các cơ quan Công an, Ngoại giao, nhân quyền...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tôn giáo cần tiếp tục tìm nguyên nhân, giải pháp cho các mặt còn tồn tại, hạn chế để hoàn thành các nhiệm vụ về công tác tôn giáo đặt ra trong năm 2015 có bối cảnh phức tạp.
Đó là, tập trung quán triệt triển khai các kết luận, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tôn giáo để có nhận thức đúng đắn, thống nhất, triển khai hiệu quả Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan trong khi chờ Luật, góp ý dự thảo Luật để Quốc hội cho ý kiến bởi đây là luật quan trọng về công tác tôn giáo, tổng kết Chỉ thị 01 về Tin lành, Hội nghị Trung ương 7 về tôn giáo, hoàn thiện đề án tăng cường đoàn kết tôn giáo…
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện tuân thủ nghiêm các qui định pháp luật về tôn giáo. Kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về công tác tôn giáo. Vẫn còn cấp cơ sở chưa nắm chắc nên phải hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, tham mưu trực tiếp cho các cấp chính quyền về công tác tôn giáo.
Bảo đảm an ninh tôn giáo, chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc, người có uy tín, xây dựng cốt cán; sớm phát hiện mâu thuẫn và xử lý vấn đề ngay từ ban đầu, không để tích tụ mâu thuẫn, không để điểm nóng xảy ra, có bước đi cụ thể tích cực xử lý những vụ việc tồn đọng kéo dài, nhất là liên quan đến đất đai tôn giáo, không để “bé xé ra to”, đề xuất không để bất ngờ xảy ra từ tình hình tôn giáo. Đây là nhiệm vụ lớn trong năm tới.
Tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan truyền thông trong xử lý, định hướng xử lý thông tin về hoạt động tôn giáo, nhất là công tác tuyên truyền thực hiện Hiến pháp, pháp luật về tôn giáo là quan trọng nhất. Tôn trọng tự do tín ngưỡng theo qui định pháp luật nên nhiệm vụ của cán bộ làm tôn giáo là hướng dẫn thực hiện các qui định này, không mang tư duy đối phó để ổn định tình hình, nhân rộng các mô hình tốt về chức sắc tôn giáo, tổ chức tôn giáo, cá nhân những người có đạo điển hình, đóng góp cho sự phát triển và ổn định của đất nước.