BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra tại Bộ Công Thương

12/07/2018 15:21

Sáng ngày 12/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo dẫn đầu Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Bộ Công Thương.

Tham gia Đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện một số Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Làm việc với Đoàn kiểm tra có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Công Thương, Chánh Văn phòng Bộ Trần Hữu Linh cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC với trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Công Thương, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao.

Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Trần Hữu Linh báo cáo tại buổi kiểm tra

Xác định CCHC phải gắn liền với trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị ở các cấp thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiện toàn đầu mối về CCHC của Bộ (gồm thủ trưởng và 01 chuyên viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CCHC của đơn vị thuộc Bộ). Bộ phận tham, mưu giúp việc về CCHC ở các cấp của Bộ Công Thương đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đội ngũ này được bố trí các cán bộ có năng lực và phẩm chất, năng động, sáng tạo, tâm huyết với công tác CCHC. Hàng năm, Bộ Công Thương lấy kết quả CCHC làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân người đứng đầu, cũng như các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Bộ Công Thương cũng xác định công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân là một đầu vào quan trọng để tăng cường chấn chỉnh hoạt động công chức, công vụ; kịp thời điều chỉnh các quy định hành chính bất hợp lý; tiếp thu các sáng kiến cải cách từ người dân, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng sử dụng trên 10 đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.

Về cải cách thể chế, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 13 văn bản và ký ban hành theo thẩm quyền 35 Thông tư, hoàn thành 100% văn bản phải xây dựng năm 2017. Năm 2018, số văn bản Bộ Công Thương phải trình và ban hành theo thẩm quyền là 49 văn bản. Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 04 Nghị định (trong đó 02 Nghị định đã được Chính phủ ký ban hành) và ban hành được 15 Thông tư. Các văn bản còn lại đã và đang được Bộ Công Thương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.

Bộ đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018; theo đó, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ là 675 /1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), năm 2017, Bộ đã cắt giảm và đơn giản hóa 183 TTHC (trong đó cắt giảm 49 TTHC, đơn giản hóa 134 TTHC). Năm 2018, Bộ Công Thương có phương án bãi bỏ, đơn giản hóa 54 TTHC thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 VBQPPL (10 Thông tư, 01 Thông tư liên tịch, 01 Quyết định Thủ tướng và 07 Nghị định). Đến nay, Bộ đã thực hiện đơn giản hóa, bãi bỏ được 14 TTHC, các TTHC còn lại đã và đang được thực hiện đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Tổng số TTHC Bộ Công Thương đang quản lý là 457 TTHC, tất cả các TTHC đều được công bố và cập nhật công khai đầy đủ, đúng hạn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và tại trụ sở trực tiếp tiếp nhận, xử lý TTHC liên quan.
Năm 2017, Bộ Công Thương đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 154 TTHC (141 TTHC cấp tỉnh; 10 TTHC cấp huyện và 03 TTHC cấp xã); thời tiểm hiện tại, Bộ Công Thương đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 152/ 457 TTHC hiện có (139 TTHC cấp tỉnh; 13 TTHC cấp huyện), liên quan đến 28/267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Ðầu tư…

Quang cảnh buổi kiểm tra

Về tinh giản biên chế, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch về tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2021. Số người tinh giản biên chế đợt 2 năm 2018 của Bộ Công Thương gồm 121 người (viên chức, người lao động): 40 trường hợp hưu trước tuổi, 79 trường hợp thôi việc ngay.

Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm, danh mục vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng thuộc Bộ theo Nghị định số 98 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương và các quy định liên quan.   

Về hiện đại hóa hành chính, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ như: thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT; ban hành quy định về trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quy chế quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ; quy định hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và ban hành các văn bản gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính;…

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hiện nay Bộ có 35 DVCTT mức độ 4; 118 DVCTT mức độ 3 đều được tích hợp trên Cổng DVCTT của Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã kết nối 06 DVCTT với Cổng thông tin một cửa quốc gia (VNSW). Năm 2017, Bộ Công Thương đã gửi xử lý 189.552 Hồ sơ trên VNSW và 5 tháng đầu năm 2018, đã gửi xử lý 19.332 Hồ sơ điện tử trên VNSW…

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương, các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ Đoàn kiểm tra và kết quả CCHC của Bộ Công Thương đạt được tiến bộ qua từng năm thời gian qua. Kết quả công tác CCHC nói chung và cải cách thể chế nói riêng, năm 2017 tăng 7 bậc so với 2016, tin tưởng Bộ sẽ có tiến bộ hơn nữa trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Nguyên Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được lãnh đạo Bộ rất quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời và hàng năm đều công bố văn bản hết hiệu lực theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động có sự chuyển biến tích cực, đã gắn kết được công nghệ thông tin với công tác CCHC của Bộ.

Bên cạnh đó, thành viên Đoàn Kiểm tra cũng đánh giá cao về hệ thống phản ánh, kiến nghị (PAKN) của Bộ Công Thương với nhiều hình thức khác nhau; việc trả lời PAKN của người dân, doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ được Bộ thực hiện rất nghiêm túc, trả lời đúng, đầy đủ theo yêu cầu.

Mặc dù, báo cáo của Bộ đã đánh giá hoàn thành 100% các văn bản được giao xây dựng nhưng qua rà soát vẫn còn nợ đọng 02 thông tư năm 2017; 6 tháng đầu năm 2018 còn 11 văn bản nợ đọng, đề nghị Bộ rà soát lại và hoàn thiện các văn bản được giao. Qua theo dõi, Bộ đã ban hành 16 VBQPPL nhưng đã phát hiện 6 văn bản có điều khoản chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc đánh giá tác động và công khai các TTHC chưa được đầy đủ, chưa được kịp thời. Chưa có phương án rà soát đơn giản hóa TTHC về kiểm tra chuyên ngành. Còn 06 TTHC chưa kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đề nghị Bộ cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản trên cơ sở dữ liệu văn bản quốc gia.

Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi kiểm tra

Về hiện đại hóa hành chính, năm 2017, Bộ Công Thương xếp thứ 1/19 Bộ và là một trong số ít Bộ đã ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ băng thông còn thấp so với các Bộ khác, cần tăng thêm để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu, văn bản. Đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ. Bổ sung đầy đủ các thông tin trên Cổng TTĐT của Bộ như:  định hướng, chiến lược, kế hoạch; các dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm công; kết quả đề tài khoa học theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP.

Bộ cần khẩn trương ban hành quy chế đảm bảo an toàn thông tin, quy chế quản lý sử dụng chữ ký số; cần ban hành chính sách về sử dụng dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa.

Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao kết quả CCHC của Bộ Công Thương đạt được trong những năm qua, đặc biệt rất ấn tượng với công tác cải cách TTHC của Bộ. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi kiểm tra

Các ý kiến góp ý, chia sẻ của thành viên Đoàn Kiểm tra rất đầy đủ, trách nhiệm. CCHC là việc làm rất khó, đụng chạm đến nhiều cá nhân, tổ chức nên Thứ trưởng rất chia sẻ với Bộ Công Thương trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng nhất trí với các nội dung trong báo cáo và các kiến nghị đề xuất rất xác đáng, không chỉ là tiếng nói của riêng Bộ Công Thương mà còn là khó khăn, vướng mắc chung của các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng điểm lại 08 nội dung nổi bật trên các mặt công tác CCHC của Bộ Công Thương như: công tác chỉ đạo, điều hành; công tác cải cách thể chế; cải cách TTHC; hiện đại hóa hành chính…, trong đó, điểm nổi bật nhất là kết quả PAR Index từ thứ hạng 12/19 năm 2016 lên thứ hạng 5/19 năm 2017.

Ngoài những nội dung nổi bật trên, Thứ trưởng cũng chỉ ra 04 vấn đề còn hạn chế của Bộ Công Thương như: một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức tầm quan trọng của CCHC, một số VBQPPL chưa hoàn thành, việc công bố TTHC còn chậm. Bộ Công Thương cũng chưa có phương án rà soát, đơn giản hóa TTHC về kiểm tra chuyên ngành…

Đối với một số kiến nghị của Bộ Công Thương, thành viên Đoàn Kiểm tra đã giải thích, làm rõ. Một số kiến nghị khác, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại buổi kiểm tra

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, sẽ khắc phục những hạn chế còn tồn tại, giải quyết dứt điểm những vấn đề thành viên Đoàn Kiểm tra đã kiến nghị, đảm bảo công tác CCHC của Bộ Công Thương khởi sắc hơn; phấn đấu duy trì và nâng cao hơn nữa thứ hạng trong bảng xếp hạng Par index trong năm 2018 và các năm tiếp theo./.
Thanh Tuấn

Tìm kiếm