BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tiếp và làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

25/04/2017 17:53

Sáng ngày 24/4/2017, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp

Cùng dự buổi tiếp có đại diện Bộ Tài chính; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo và công chức một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện tỉnh Quảng Ninh (tỉnh áp dụng mô hình chi lương).

Trong thời gian qua, giữa Ngân hàng Thế giới( WB) và Bộ Nội vụ bước đầu đã có sự phối hợp khá chặt chẽ, đặc biệt sau buổi làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vào tháng 4/2016 tại Bộ Nội vụ và giữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân với ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) vào ngày 10/02/2017, theo đó Bộ Nội vụ đang tiến hành thực hiện đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, đây là một công việc khó và được làm trong nhiều năm; Bộ Nội vụ Việt Nam đang học tập kinh nghiệm và đề nghị các tổ chức quốc tế trong đó có Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho Bộ Nội vụ để nghiên cứu, tiếp cận với chính sách tiền lương hiện đại, nhất là trong quá trình thực hiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế nhằm đảm bảo chính sách tiền lương, thu hút nhân tài, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, vừa thúc đẩy cải cách hành chính nói chung.

Được sự thống nhất của Lãnh đạo hai bên, WB đã lập Đoàn công tác tiến hành phân tích lương và thù lao tại Việt Nam. Theo Báo cáo của Đoàn công tác, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn về tài khóa trong những năm vừa qua; tăng chi lương có nguyên nhân chủ yếu do tăng các khoản chi ngoài lương tối thiểu, bao gồm cả phụ cấp; tỷ lệ lao động trong khu vực công (khu vực nhà nước) ở Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực; dữ liệu hiện có về lao động tại khu vực công của Việt Nam rất phân tán; cơ cấu lương dành cho công chức và những người hưởng lương của nhà nước ở Việt Nam hết sức phức tạp; Chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng đề án cải cách lương trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào giữa năm 2018.

Đoàn công tác của WB nhận thấy sự cần thiết phải củng cố các hệ thống thông tin chi trả lương và nhân sự ở cấp quốc gia; theo đó, mô hình chi lương và lao động khu vực công đòi hỏi phải có thông tin chi tiết về lương để tính toán, từ các đặc điểm về người lao động cho đến các nội dung chi lương khác nhau, như: lương tối thiểu, các loại phụ cấp và chế độ khác nhau, các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội và y tế.

Mô hình dự báo chi lương và lao động khu vực công, nếu được xây dựng phù hợp, có thể là số liệu cơ sở chính xác để Chính phủ Việt Nam xử lý các khía cạnh về ngân sách cũng như quản lý khu vực công trong ngắn hạn và trung hạn, cụ thể:

Về khía cạnh ngân sách: tăng cường độ chính xác trong ước tính về tỷ lệ chi lương của Chính phủ Việt Nam so với GDP, chi tiêu và thu; ước tính tác động tài khóa trung hạn khi thay đổi chính sách về lương - thù lao trong phạm vi kế hoạch ngân sách trung hạn; kiểm soát ngân sách và giám sát kết quả thực hiện công việc tại các đơn vị sự nghiệp.

Về khía cạnh quản lý khu vực công: Kịch bản khi thay đổi chính sách về lương và thù lao; phân tích chi tiết lương cơ sở, phụ cấp và khác biệt giữa các cá nhân và các bộ, ngành; lập kế hoạch về nhân sự (ở cấp ngành), thu hút và giữ được nhân sự cần thiết, đề xuất về nhân sự gắn với các ưu tiên chiến lược của đơn vị; kết quả thực hiện nhiệm vụ tổng thể của ngành/đơn vị sự nghiệp; xây dựng hệ thống phân loại chức danh nghề nghiệp, cũng như hệ thống quản lý lương.

Trên cơ sở đánh giá và phân tích về lương và thù lao tại Việt Nam, WB đề xuất một số hoạt động tiếp theo: (1) WB sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng mô hình dự báo chi lương, nhằm giúp Chính phủ không những kiểm soát được tác động đến ngân sách do những thay đổi bất kỳ về chính sách lương và thù lao mà cả về biên chế của Chính phủ. (2) Mô hình dự báo ban đầu sẽ được thực hiện với các công tác tại Bộ Nội vụ và viên chức trong ngành giáo dục tại tỉnh Quảng Ninh. (3) Việc nhân rộng và điều chỉnh mô hình dự báo theo nhu cầu và thực tiễn của Việt Nam sẽ được thực hiện cho mẫu đại diện gồm các cơ quan Trung ương và các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương, bao gồm ngành giáo dục và có thể cả ngành y tế. (4) Hoạt động đào tạo, tập huấn và tăng cường năng lực chạy mô hình kiểm soát lương sẽ được thực hiện cho phía Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng mô hình.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất cho rằng mô hình chi lương rất cần cho công cuộc cải cách chính sách tiền lương nói riêng, cải cách hành chính nói chung và công tác quản lý tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trình bày quan điểm, ý kiến đóng góp của mình vào việc xây dựng mô hình chi lương tại Việt Nam và thí điểm tại một số địa phương trước khi có đánh giá kết quả để nhân rộng ra cả nước.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng phát biểu ý kiến


Bà Trần Thị Lan Hương, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đồng ý với việc cho chạy thử nghiệm mô hình chi lương thí điểm tại một số đơn vị tại Bộ Nội vụ và tại tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên, trước khi chạy thử nghiệm phải có sự thống nhất cả về quan điểm, nội dung, cách thức, phương thức thực hiện, tác dụng, ý nghĩa của nó như thế nào, yêu cầu đối với các đơn vị làm thí điểm phải cung cấp, đáp ứng những gì, số liệu gì? Ngoài ra, mô hình này có đáp ứng được yêu cầu về chế độ tiền lương, nâng lương, nâng lương trước thời hạn, bổ nhiệm ngạch tại Việt Nam hay không?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị sau buổi làm việc, Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ phối hợp với WB và các bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với WB xây dựng Đề án thí điểm thực hiện mô hình chi lương. Sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất và đồng ý với chủ trương, sẽ thành lập Ban soạn thảo để xây dựng Đề án và xây dựng mô hình thí điểm tại một số địa phương, đơn vị. Trên cơ sở thí điểm, có đánh giá những kết quả, tác động và hoàn thiện mô hình chi lương cho phù hợp với tình hình của Việt Nam trình Chính phủ và Thủ tướng Chính quyết định cho triển khai trên phạm vi cả nước. 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Anh Cao
Tìm kiếm