Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi làm việc
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên; Võ Thị Tuyết Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp; Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Trung ương.
Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Tây Ninh có các đồng chí: Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phan Văn Sử, Giám đốc Sở Nội vụ; Lãnh đạo một số sở, ngành và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tây Ninh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đã trình bày Báo cáo đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017.
Theo báo cáo, trong năm 2017, tỉnh Tây Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhiệm vụ chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực và đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 1130/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 về việc thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020. Ở cấp huyện đã có huyện Bến Cầu thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG; 7 huyện còn lại và thành phố Tây Ninh vẫn duy trì hoạt động Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; 80/80 xã có Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban phát triển các ấp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Tây Ninh Nguyễn Duy Ân trình bày báo cáo
Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tây Ninh đã huy động vốn thực hiện năm 2017 được 999.027 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách 528.127 triệu đồng, chiếm 52,95%. Tỉnh chỉ đạo tập trung và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để thực hiện các tiêu chí NTM và dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Huy động tối đa nguồn vốn các cấp để tổ chức thực hiện Chương trình: Vốn ngân sách; vốn đầu tư của doanh nghiệp; các khoản đóng góp tự nguyện của người dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể do HĐND xã thông qua; các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho các dự án đầu tư; nguồn vốn tín dụng thương mại và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Tính đến tháng 11/2017, tỉnh Tây Ninh có 22/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 27,5%), có 22 xã đạt 19 tiêu chí, 02 xã đạt 15-18 tiêu chí), 34 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 22 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và không có xã dưới 5 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội của xã được tiếp tục quan tâm đầu tư, đã xây dựng, nâng cấp 172,5 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 14,3 km kênh mương nội đồng; xây dựng 64 trường học đạt chuẩn (trong đó có 23 công trình khởi công mới); nâng cấp 13 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, 48 Nhà văn hóa ấp. UBND tỉnh đã ban hành và triển khai 04 đề án phát triển nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành. Công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tăng năng suất, chất lượng được quan tâm với nhiều đề án, dự án, mô hình về trồng trọt và chăn nuôi đang thực hiện, trong đó đã xây dựng 43/90 cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 – 2020 và năm 2017, đến nay đã triển khai được 32 lớp với 1.016 học viên.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo với các chương trình, dự án như: Cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ tiền điện hộ nghèo… được các huyện, thành phố tích cực thực hiện; về chăm sóc y tế, đã cấp trên 24.000 thẻ BHYT; Ngân hàng chính sách xã hội đã cho 4.857 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp các tổ chức đoàn thể đã xây mới và bàn giao được 767 căn nhà đại đoàn kết. Số hộ nghèo chung toàn tỉnh (hộ nghèo và hộ cận nghèo) chuẩn Trung ương là 10.289 hộ, chiếm tỷ lệ 3,48%. So với năm 2016, toàn tỉnh đã giảm 2.138 hộ nghèo (0,7%).
Chương trình 135 thực hiện các dự án: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã biên giới; duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau đầu tư; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã xã biên giới. Giải ngân đến tháng 9/2017: 6.309 triệu đồng, đạt 21%. Nguồn vốn phát triển sản xuất được phân bổ cho 20 xã biên giới, bình quân 260,85 triệu đồng/xã; đến nay đã thực hiện 07 dự án.
Về tình hình triển khai Luật Hợp tác xã: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 04/11/2015 về Quy chế phối hợp hoạt động trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, Kế hoạch số phát triển kinh tế tập thể năm 2017, Kế hoạch hỗ trợ phát triển HTX năm 2017 và giai đoạn 2017-2020.
Số lượng HTX, liên hiệp HTX tại thời điểm 30/11/2017 là 106 HTX, trong đó số lượng HTX thành lập mới là 45, số lượng đang hoạt động 93, ngưng hoạt động 10, số lượng HTX đã chuyển đổi là 56 và giải thể 36 HTX. Số lượng cán bộ quản lý HTX là 376 người. Số thành viên HTX đạt hơn 51.000 thành viên. Số lao động làm việc trong khu vực HTX là 2.900 lao động. Tổng số vốn hoạt động ước hơn 3.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động của HTX 4 - 4,5 triệu đồng/ tháng.
Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; tổ chức tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân; góp phần phát triển kinh tế hộ thành viên, thúc đẩy sản xuất của thành viên và phát triển kinh tế hộ, đưa các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Đối với công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, với hình thức sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, một số HTX nông nghiệp đã hướng dẫn thành viên dồn điền, đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất tập trung, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, giống, tư vấn chuyên môn và tìm đầu ra sản phẩm.
Tại buổi làm việc, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh Tây Ninh đã trao đổi, nêu lên những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác đề nghị Trung ương ban hành quy định về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hoặc nâng cao, áp dụng cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Xem xét, quy định thời gian, lộ trình thực hiện từng năm cho phù hợp tình hình thực tiễn đối với các tiêu chí, chỉ tiêu trong Quyết định số 1980/QĐ-TTg như: Tiêu chí 11 - Hộ nghèo, chỉ tiêu 15.1 - Tỷ lệ người dân tham gia BHYT, chỉ tiêu 15.3 - Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi - chiều cao theo tuổi, chỉ tiêu 18.6 - Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, chỉ tiêu 14.3 - Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo; Ban hành, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; Hướng dẫn nội dung thống kê, tổng hợp nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong xây dựng nông thôn mới thống nhất trong toàn quốc; Sớm có Quyết định giao vốn hàng năm để địa phương có cơ sở, thời gian triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình; quan tâm đối với các tỉnh còn khó khăn như Tây Ninh, cụ thể tăng nguồn vốn sự nghiệp hàng năm để thực hiện các dự án thành phần theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg; Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm công bố các TTHC có liên quan về trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (theo Quyết định số 2540/QĐ-TTg) để địa phương làm cơ sở cập nhật, công bố lại các TTHC có liên quan theo Thông tư số 05/2014/TT-BTP.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định tỉnh xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, chất lượng, không chạy theo số lượng, thành tích. Tập trung đầu tư cho trường học, cơ sở y tế. Đổi mới cơ cấu kinh tế, chú trọng tăng thu nhập của người dân. Việc giảm nghèo tỉnh đã làm nhiều năm và đã có kết quả, cao hơn mức trong bình cả nước. Hiện nay, tỉnh giao cho từng lực lượng xã hội, gắn trách nhiệm cụ thể để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng loại đối tượng. Tỉnh cũng xây dựng các HTX theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao để người dân thấy được lợi ích khi tham gia.
Quang cảnh buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực đã đạt được của tỉnh Tây Ninh trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng phân tích các đặc điểm tình hình, chỉ ra tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời trao đổi cụ thể hơn về các giải pháp đối với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân nông thôn.
Buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng là xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí.
Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng:
Tin, ảnh: Anh Hai