Về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2020 - 2022 (tính đến tháng 6/2022), các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức (trong đó, 74.495 viên chức giáo dục 38.147 viên chức y tế).
Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện việc tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng (tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính); cắt giảm yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (trường hợp đã có chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học thì không phải nộp chứng chỉ); trường hợp vị trí việc làm yêu cầu bắt buộc phải có trình độ tin học hoặc ngoại ngữ thì phải thi tuyển nhưng không phải nộp chứng chỉ; đồng thời phân loại theo từng nhóm đối tượng (sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ; người cử tuyển là người dân tộc thiểu số; người cam kết làm việc ở vùng sâu, vùng xa để bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch).
Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2016 - 2021, cả nước đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 3.230.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Tính đến hết năm 2021, có trên 90% cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh và ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật. Bình quân, hằng năm cả nước có gần 90% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật; trên 85% được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; gần 80% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, hằng năm có trên 72% người được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, đạo đức công vụ. Đối với viên chức, hằng năm có khoảng 37% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; gần 50% viên chức giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; hơn 70% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp…
Về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, năm 2021 toàn quốc có 22,89% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 56,69% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 18,69% hoàn thành nhiệm vụ; 1,73% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 2.037.307 CBCCVC), trong đó:
Đối với công chức có 18,51% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 64,45% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 10,93% hoàn thành nhiệm vụ; 6,11% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 247.722 CBCC từ cấp huyện trở lên);
Đối với viên chức có 23,5% hoàn thành xuất sắc nhiệm; 55,62% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 19,76% hoàn thành nhiệm vụ; 1,12% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 1.789.585 viên chức).
Về xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, kết quả thống kê năm 2021 có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ 1% trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước (trong đó cán bộ, công chức là 12.651 người, chiếm 0,62%; viên chức là 7.731 người, chiếm 0,38%).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số hạn chế như, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút người có tài năng vào phục vụ trong nên công vụ và cung cấp dịch vụ công; chất lượng người được tuyển dụng vào công chức, viên chức ở các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều.
Việc đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm còn chậm; việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ mà chủ yếu là giải quyết chế độ tiền lương.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay; chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lặp về nội dung, chưa được cập nhật, bổ sung thường xuyên những kiến thức mới; còn “nặng” về lý thuyết…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Nội vụ đã đưa một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng; cho phép ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, thực hiện xét nâng ngạch đối với các trường hợp đã được bổ nhiệm vào vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời, đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm thì thực hiện xét thăng hạng.
Thứ ba, hoàn thiện Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ tư, rà soát, sửa đổi và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm.
Thứ năm, tiếp tục rà soát văn bằng, chứng chỉ, cắt giảm tối đa các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết, không thực chất, không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và năng lực, chất lượng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; triển khai tổ chức hiệu quả các khoá bồi dưỡng tại nước ngoài cho đội ngũ CBCCVC, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Thứ tám, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá theo định lượng dựa trên kết quả công việc của CBCCVC. Trên cơ sở đó, xây dựng bộ công cụ đánh giá bảo đảm khoa học, khách quan, công khai và minh bạch.
Thứ chín, trình Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan về quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thanh Tuấn (Nguồn: Báo cáo số 5392/BC-BNV)