Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Mới đây, tại tỉnh Phú Thọ và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản (NPA) tổ chức Lớp tập huấn phỏng vấn trong tuyển dụng công chức - Kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Tham dự Lớp tập huấn có bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam; ông WATANABE Tadakazu, Chuyên gia của JICA; ông WATANABE Mitsuaki, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nhật Bản; đại diện Văn phòng JICA Việt Nam; các chuyên gia thuộc Dự án và đại biểu đến từ các bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, bà Lê Minh Hương nhấn mạnh, cải cách chế độ công vụ, công chức luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là khâu then chốt để đảm bảo thành công và hiệu quả của cải cách nền hành chính nhà nước. Việc đổi mới hoạt động thi tuyển công chức nhằm mục đích xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ và thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hình thức thi phỏng vấn, lựa chọn lại nội dung thi và cách thức thi để có thể tuyển chọn được những công chức, viên chức có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực thi công vụ. Việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia điển hình thành công trong việc thi tuyển công chức để áp dụng tại Việt Nam là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng mục đích của tuyển dụng công chức, trong đó Nhật Bản đã áp dụng kỳ thi tuyển quốc gia từ năm 1948 và đến nay vẫn thể hiện rõ tính hiệu quả của hoạt động này.
Tại Lớp tập huấn, ông WATANABE Tadakazu chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tổ chức thi phỏng vấn; ông WATANABE Mitsuaki chia sẻ các nội dung liên quan tới lập kế hoạch thi phỏng vấn và tập huấn cho giám khảo.
Theo ông WATANABE Tadakazu, việc tiến hành thi phỏng vấn để cơ quan tuyển dụng có thể biết về đặc điểm của một người thông qua trò chuyện trực tiếp với thí sinh, đây là những đặc điểm không thể nhận biết qua thi viết. Bên cạnh đó, có thể trực tiếp đánh giá biểu cảm, thái độ, cách giao tiếp và các yếu tố khác của thí sinh. Có thể nắm bắt được về mặt tính cách và những điều thí sinh quan tâm. Là cơ hội để phán đoán thí sinh có phù hợp với đơn vị mình hay không…
Tuy nhiên, thi phỏng vấn cũng còn những hạn chế như khó tổ chức thi phỏng vấn thống nhất và công bằng vì không thể ra cùng đề thi, chấm điểm cùng một tiêu chuẩn như thi viết được; từng giám khảo có sự đánh giá khác nhau với từng thí sinh; cùng một câu hỏi nhưng các thí sinh trả lời rất khác nhau nên không thể đánh giá thống nhất được; không có tiêu chuẩn khách quan trong thang đo, phụ thuộc vào phán đoán chủ quan của giám khảo…
Về quan hệ giữa mục đánh giá và câu hỏi, ông WATANABE Tadakazu cho rằng, dù là câu hỏi nhắm vào mục đánh giá nhất định thì cũng không phải có quan hệ 1:1 giữa nội dung câu hỏi và mục đánh giá. Tuy nhiên, có câu hỏi mà khả năng cao sẽ đưa đến câu trả lời liên quan đến mục đánh giá nhất định, ví dụ về tính tích cực; cũng có khi giám khảo nhận được câu trả lời phù hợp với mục đánh giá khác (không phải mục tiêu ban đầu của người hỏi)…
Ông WATANABE Tadakazu lưu ý, kết quả của bài thi viết và những yếu tố khác có thể khiến giám khảo thiên vị khi đánh giá. Do đó, để tránh giám khảo có thiên kiến thì không thông báo kết quả thi viết cũng như kết quả thi khác cho giám khảo thi phỏng vấn. Đồng thời, để tránh gây hiểu lầm cho thí sinh thì không để thí sinh ghi tên trường mình đã tốt nghiệp,... vào Thẻ phỏng vấn và không báo cho giám khảo…
Ngoài ra, ông WATANABE Tadakazu cũng chia sẻ phương pháp triển khai phỏng vấn đối với giám khảo; phương pháp thực hiện phỏng vấn một cách hiệu quả; phương pháp triển khai câu hỏi và những điều cấm kỵ khi hỏi thí sinh; biện pháp đảm bảo công bằng đối với thí sinh…
Chia sẻ các nội dung liên quan tới lập kế hoạch thi phỏng vấn và tập huấn cho giám khảo, ông WATANABE Mitsuaki cho biết những đặc trưng và vấn đề của thi phỏng vấn; thiết kế nội dung cơ bản của thi phỏng vấn và các biện pháp đảm bảo công bằng; tiêu chuẩn hóa, cấu trúc hóa thi phỏng vấn; các phương thức thi phỏng vấn và làm rõ năng lực của thí sinh.
Bên cạnh đó, ông WATANABE Mitsuaki cũng chia sẻ cách thiết lập các mục đánh giá thí sinh như tính tích cực, tính xã hội, khả năng giao tiếp, tinh thần trách nhiệm, năng lực học tập, trải nghiệm, năng lực kiểm soát bản thân…
Khi phỏng vấn thí sinh, ông WATANABE Mitsuaki lưu ý giảm khảo phải hiểu các mục đánh giá và trọng điểm, đánh giá theo các mục đánh giá và trọng điểm; lắng nghe câu chuyện của thí sinh; lưu ý để câu hỏi không gây tổn thương đến nhân cách, lòng tự tôn của thí sinh; phải ý thức rằng cuộc phỏng vấn là cửa sổ để người ngoài nhìn vào và nhận xét đơn vị của mình, tức là phải tuân thủ nghĩa vụ bảo mật sau phỏng vấn…