Sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trước QH và đồng bào, cử tri cả nước, khẳng định: "Đây là vinh dự đối với cá nhân tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó".
Kế thừa, phát huy những thành tựu
Tân Thủ tướng bảy tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các lãnh đạo tiền bối, các bậc lão thành cách mạng; các anh hùng, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh đã có nhiều cống hiến, hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tân Thủ tướng khẳng định Chính phủ và hoạt động của Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Hơn 75 năm qua, đặc biệt là trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Chính phủ qua các nhiệm kỳ đã đạt được những thành tựu to lớn, đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này đã tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó, công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đã triển khai rất hiệu quả và được nhân dân, cộng đồng quốc tế ủng hộ, ngưỡng mộ và đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Ảnh: NGUYỄN NAM
"Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới" - Thủ tướng khẳng định.
Vì lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc
Từ thực tiễn tình hình của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả.
Ba là, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài..
"Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết.
Ông Phạm Minh Chính sinh ngày 10-12-1958; quê quán: xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII; đại biểu QH khóa XIV. Ông Phạm Minh Chính từng có thời gian công tác trong ngành công an, đến năm 2010, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.
Từ tháng 8-2011 đến 4-2015, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2010-2015 và từ tháng 4-2015 đến tháng 1-2016 được điều động, phân công giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Tại Đại hội XII của Đảng vào tháng 1-2016, ông Phạm Minh Chính được bầu vào BCH Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng khóa XII, ông được bầu vào Bộ Chính trị, sau đó được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội XIII của Đảng đầu năm 2021, ông được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng khóa XIII, ông được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Lãnh đạo các nước chúc mừng
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo nhiều nước đã gửi thư, thông điệp chúc mừng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thounglun Sisolith chiều 5-4 đã gửi thư mừng và gọi điện chúc mừng. Trong thư mừng và tại cuộc điện đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thounglun Sisolith cùng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy quan hệ đặc biệt Việt - Lào, nhất trí trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, không ngừng đưa hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước. Nhân dịp ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã gửi thư mừng.
Cũng trong ngày 5-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện mừng tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định hết sức coi trọng sự phát triển của quan hệ Trung - Việt, sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt không ngừng đạt được thành quả mới to lớn hơn, mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gửi điện chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin gửi điện chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định bằng những nỗ lực chung, hai bên sẽ bảo đảm việc tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, sự hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác nhau, đáp ứng các lợi ích căn bản của nhân dân Nga và nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã có điện mừng gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng thống Ý Sergio Matterella gửi điện chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen gửi thư mừng và gọi điện chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, gửi thư mừng tới Thủ tướng Phạm Minh Chính.